Tùy Bút | Khói Lam Chiều

4 5.875

Sau bao năm rời xa mảnh đất An Giang lên thành phố xa hoa để học, để làm, giữa những bộn bề của cuộc sống, đi qua những xuôi ngược của cuộc đời, sự đẩy đưa của số phận và những nỗi lo hằng ngày với chén cơm, manh áo. Để rồi trong khoảnh khắc nào đó, mọi nghĩ suy trong tôi bỗng chở nên quá ngột ngạt, ngột ngạt đến mức như uất nghẹn nơi cổ, và nước mắt như thế cứ tuôn ra mà thành những tiếng khóc nấc từng cơn.

Tôi đã tự hỏi bản thân mình rằng: có thích cuộc sống của hiện tại, có quá sức với mình không, và hàng trăm câu hỏi vì sao? Và rồi tôi chỉ biết khóc, khóc cho mệt mỏi của hiện tại, khóc để làm liều thuốc xoa diệu mọi thứ, để tự giải tỏa bản thân, giúp lòng mình nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.

Cứ như thế sau mỗi lần khóc ấy, tôi đã tìm lại cảm giác của chính tôi, giống như tôi của những ngày xưa kia. Ngày còn sà vào lòng mẹ để được yêu thương, ngày còn vô tư, vô lo cùng lũ bạn nô đùa rượt đuổi trên những cánh đồng, sau những lần năn nỉ thậm chí là khóc ỉ ôi để xin cho bằng được theo chân cha ra đồng. Mặc cho cái nắng chang chang giữa đồng không bóng mát, còn gió thì thổi vu vu qua từng đợt, từng đợt như muốn thổi bay luôn cả thân người gầy gò, ốm nhom như tôi . Ôi! Nhớ làm sao những ngày xa xưa ấy.

Mỗi lúc hoàng hôn sắp về ngàn lối
Nuối tiếc ngày xanh đã tàn mơ rồi
Bùi ngùi, xao xuyến, thương nhớ xa xôi
Thương về quê hương mến yêu
Có bóng cô em diễm kiều.

Những năm tuổi thơ tôi lớn lên luôn có hình dáng của mẹ, bóng dáng của cha, bên mái nhà tranh vách lá đơn sơ, mặc cho thời gian đi qua, có nắng gió, mưa bão, đã bao lần được chấp vá vì vách lá mục nát, đôi cột có xiêu vẹo thì căn nhà ấy vẫn vững chãi che chở cho tôi, một tuổi thuở êm đềm mà hạnh phúc biết bao.

Tôi vẫn nhớ thuở lên năm, lên bảy dù có mãi mê chơi ngoài sân nhưng cứ mỗi khi nghe thấy tiếng lục đục của mẹ trong gian bếp, ngửi thấy mùi khói lan tỏa, làn khói xám trắng chen qua từng kẽ lá trên mái bếp là bụng sôi òng ọc. Cứ thế mà một mạch chạy thẳng xuống bếp như bay, bắc ghế ngồi sát bên mẹ, để được mẹ cho nếm thử món cá linh kho nước dừa rất thơm ngon, một loại cá đặc sản mỗi khi nhắc đến quê tôi, hay được mẹ cho húp một chén nước cơm vừa được chắt nước ra, màu trắng đục như sữa, nóng hổi khói còn bốc lên. Nhưng tôi chẳng bao giờ chịu uống nước cơm không hết, lúc nào cũng phải nằng nặc xin mẹ cho thêm vài muỗng đường cho ngọt ngọt mới chịu uống.

Mỗi lúc đàn chim khuất về nẻo tối
Ánh nắng còn lưu luyến ngoài lưng đồi
Đường chiều xa vắng, mây nước mênh mang,
Nghe lòng bâng khuâng nhớ nhung,
Nhớ ánh trăng xưa mơ màng .

Ai nhớ chăng khói chiều, khói chiều vương vấn mái tranh nghèo.

Mẹ còn dạy cho tôi cách chụm bếp củi khô và những cọng rơm nữa, mẹ bảo phải lựa những thanh củi khô chụm đầu vào nhau sau đó dùng cọng rơm đốt lửa, mẹ nói rơm bắt lửa rất tốt nên củi cháy rất là nhanh, mà mùi khói từ lửa rơm nó có mùi thơm đặc biệt lắm, mùi của mùa gặt, mùi của nắng vàng và cũng là mùi của quê hương ta.

Còn cha tôi cũng bị mê hoặc từ làn khói bếp lam chiều của mẹ, dù chân lấm tay bùn mãi mê làm đồng xa xa ở phía sau hè quên cả thời gian, nhưng miễn nhìn về phía mái nhà có khói bay lên là biết ngay mẹ tôi đang chuẩn bị nấu cơm chiều. Thế là cha tôi cũng không quên, tìm bắt vài con cá lóc, cá rô thậm chí là cá sặc, rồi đốt rơm nướng mang vào được gói kỹ trong lá chuối xanh. Vào đến nhà cha con đố hai mẹ con đón xem đó là gì, nhưng cha chưa vào nhà là hai mẹ con đã biết món gì rồi, vì làn khói rơm bay lên thơm cùng mùi cá chín là mẹ đã nói với tôi là chắc cha mày nướng cá rồi.

Từng làn khói lam chiều được tỏa lên từ khuôn bếp của mẹ, khói đã vẽ lên hình dáng mẹ tôi, người mẹ một đời tảo tần, lo toan in ngần trong ánh mắt và cả dấu chân năm tháng trên mái tóc pha sương. Tôi đã lớn lên cùng khói bếp của mẹ, là tuổi thơ, là hạnh phúc được quây quần cùng cha, cùng mẹ bên mâm cơm chiều còn ngây ngút làn khói thơm.

Khói lam chiều lên chơi vơi,
Khói lam chiều vương nơi nơi,
Khói lam chiều gieo đơn côi,
Đưa người tha phương vào trong lãng quên.

Ngày nay ta tìm đâu thấy mùi thơm của khói bếp, hương vị quê hương nữa giữa nơi phố thị phồn hoa này. Thời đại của bếp điện, bếp gas lên ngôi, thêm sự tất bật của cuộc sống đã cuốn ta vào vòng xoáy của nhanh, tiện, lợi. Thời gian ăn uống cũng không có thì nói chi đến thời gian vào bếp nấu ăn, dù cho thời gian nấu cơm đã nhanh hơn bếp củi rất nhiều rồi. Ở nơi thành thị này chỉ có khói bụi, khói xe, khói của các nhà máy xí nghiệp mà thôi. Mà những làn khói đó chỉ khiến người ta chạy thật nhanh và tránh thật xa mà thôi.

Vì thế ta rất cần những làn khói lam chiều, vì đó là làn khói của tuổi thơ mà mỗi lần nhìn thấy hay nhớ về là bao ký ức, kỷ niệm xa xưa hiện về. Đó là làn khói cuối cùng và duy nhất níu kéo tâm hồn ta, thả hồn ta về với những đều đơn sơ, mộc mạc nhất trong tâm, trong hồn ta.

Nếu ta thấy mệt mỏi, xin hãy thử một lần tìm về “Khói lam chiều” để giúp ta xua tan những ưu phiền. Thèm mùi khói bếp lam chiều của mẹ !!!!

Đã mấy chiều thu lá vàng ngập lối,
Đã mấy chiều thu ước hẹn phai rồi,
Mà lòng còn mãi vương vấn hương mơ,
Đi tìm trong muôn ý thơ,
Ánh mắt năm xưa mong chờ.

Tư Sương.

4 Comments
  1. Nguyễn Minh Thọ nói

    Em muốn biết bài hát và xuất xứ của bài Nỗi Buồn Châu pha và bài Chuyện Tình La Lan. Xin cảm ơn anh chị nhiều

  2. Nguyễn Minh Tuấn Huy nói

    Bài viết hay, ý tứ. Nhưng còn sai chính tả!

  3. Phương nói

    Tôi muốn đăng những bài viết, phân tích như này thì phải làm sao, gửi về đâu ạ.?

    1. Phúc Ben nói

      Bạn gửi về email : dongnhacvang@gmail.com

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.