Về Ca Khúc “Trộm Nhìn Nhau” Của Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng
Nhắc đến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người yêu nhạc sẽ nghĩ đến ngay ca khúc vô cùng nổi tiếng của ông là nhạc phẩm Trộm Nhìn Nhau, bài hát như là tiếng nói tâm tình của người dân Việt Nam trước năm 1975. Ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, lời ca mang đầy tính chất tự sự chất chứa nhiều tình cảm.
Với nội dung kể về một anh lính về thăm nhà, những người thân thương trong gia đình được gặp lại nhau sau bao ngày xa cách, từ cảm xúc khoảnh khắc ấy mà người lính nói lên những tâm tư suy nghĩ của anh về vợ, của vợ với chồng, của con với người mẹ già, cùng những suy ngẫm về cuộc đời.
Đôi khi trộm nhìn em
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao
Em có còn đôi má đào như ngày nào
Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa đào
Thương thâu đêm giấc ngủ xanh xao
Em có bề nào ai đón ai đưa.
Cuộc đời là vách chắn là rào thưa
Thương em tiếng hát sang mùa
Một mai mưa ướt áo em
Áo mỏng đường mềm
Dáng nhỏ chân đêm.
Mở đầu bài hát là những suy nghĩ, những tâm tư, tình cảm của một người chồng, người lính xa được về thăm nhà, thăm vợ. Khi về gặp vợ, cảm giác xa cách đã lâu, người lính không dám thể hiện ánh nhìn mặt đối mặt với vợ, mà chỉ lén trộm nhìn xem vợ mình nay như thế nào, trộm nhìn để xem dung nhan ngày anh ra đi đến nay có còn xinh đẹp như trước qua hình ảnh xem “em có còn đôi má đào như ngày nào”. Và rồi anh nhìn ra rằng vợ mình vẫn đẹp, vẫn còn sắc xuân qua hình ảnh “em như tấm vải lụa đào”. Để rồi thấy thương vợ mình, thương cho giấc mộng dở dang khi anh để vợ phải chăn đơn gối chiếc, giấc ngủ không tròn vì chờ đợi, mong ngóng và lo lắng cho mình ở nơi xa mà nhan sắc xanh xao. Nhìn thấy như thế mà anh nghĩ và lo sợ lỡ như một ngày vợ có bề gì thì ai sẽ chăm sóc, lo lắng cho vợ.
Và khi nhìn lại cuộc đời, anh nhìn mình của hiện tại mà thấy đời không như mình muốn, luôn tạo ra những vách chắn, rào thưa để thách thức mình, dù chỉ là một vật cản nhỏ thôi nhưng đời cứ như thế, mãi thử thách như chiêu con người. Qua đó ta có thể thấy được anh là một người chồng rất yêu thương vợ, lo lắng khi vợ phải chịu cảnh cô đơn buồn tủi, không có chồng kề bên chăm sóc, nhưng vì đất nước buộc lòng anh phải ra đi, để vợ nơi nhà mà lòng mang nhiều trăn trở.
Đôi khi trộm nhìn anh
Xem đôi tay rắn phong trần năm xưa
Anh có còn, mê sông hồ, qua từng mùa.
Kể từ khi vắng anh, em như tấm vải lụa nhầu
Đêm thâu đêm giấc mộng xanh xao
Anh có bề nào ai đón đưa em.
Cuộc đời là vách núi là tường mây
Quê hương nắng gió đêm ngày
Mà anh chim hút cánh bay
Thăm thẳm đường dài
Ít về thăm em
Còn đây là nỗi lòng của người vợ khi trộm lén nhìn chồng từ đơn vị về. Người nghe cảm nhận được rằng ở người vợ xuất hiện sự tự ti khi đối mặt với chồng, bởi người vợ biết được một điều là từ ngày chồng đi lính trận vì thương, vì nhớ mà nhan sắc ngày ấy nay đã không còn, cô đã ví nhan sắc của mình như tấm lụa nhầu, có lẽ vì lo nghĩ cho chồng nơi chiến trận mà nhan sắc ấy phần nào đã héo hon. Lo sợ nơi xa trường hiểm nguy, nhỡ chồng mình có mệnh hệ gì thì mình phải cô đơn, lẻ bóng một mình.
Nhạc sĩ dùng hình ảnh “quê hương nắng gió đêm ngày” để nói lên tình cảnh của đất nước đang phải chịu, chiến sự kéo dài không biết khi nào mới chấm dứt, chiến sự còn dài thì người chồng như cánh chim bay thăm thẳm mà không biết được ngày về. Giống như một lời trách yêu mà người vợ dành cho chồng cứ đi biền biệt mãi mà “không về thăm em”. Một lời trách nhẹ nhàng nhưng lại chứa đầy tình cảm và sự day dứt, người vợ tha thiết mong muốn có chồng ở bên cạnh mình. Chỉ bấy nhiêu thôi người nghe có thể hình dùng được nỗi niềm của những người vợ và cảm thương cho thân phận của người phụ nữ trong thời chinh chiến ly loạn.
Đôi khi trộm nhìn mẹ
Soi gương trang điểm cho đời thêm tươi
Thương tiếc thời tô phấn hồng sang nhà người
Rồi mùa xuân cũng qua
Mang theo tuổi dại ngọc ngà
Đêm qua đêm tính gọn tương lai
Mơ thấy một ngày con níu chân cha
Cuộc đời là bể cả, là dòng sông
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc là khô
Nước chảy về nguồn, lá đành trôi theo…
Hình ảnh người lính, người con trộm nhìn mẹ mà thương cho mẹ già, tiếc cho một hồng nhan tô màu tươi thắm cho đời, tuổi ngọc, tuổi ngà của người con gái có chồng là lính trận mà ra đi không trở về nên đành chôn vùi tuổi xuân từ đó. Chắc có lẽ ngày cha anh ra đi khi anh còn chưa biết mặt cha, nên lúc nào cũng “mơ thấy một ngày con níu chân cha”. Mà bây giờ đây anh cũng nối bước chân cha mà ra đi chinh chiến.
Tác giả cho ta thấy đời người như một quy luật tự nhiên, dòng đời đưa đẩy ta chuyện tiếp chuyện, mọi thứ xảy ra trên cuộc đời vốn không êm ả mà đầy những nốt thăng trầm. Đời người như chiếc lá khô rụng rơi về cội, như con nước lớn nước ròng, lên xuống lúc đầy lúc vơi rồi cũng chảy về nguồn thế nên ta phải thuận theo mà chấp nhận quy luật ấy.
Trong MV của ca sĩ Hoàng Oanh trình diễn trên sân khấu của chương trình Asia 16 có ngâm mấy câu thơ rất hay trong bài thơ Một Mùa Đông của thi sĩ Lưu Trọng Lư :
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.
Mỹ Hương.