Nhạc Sĩ Thanh Phương, Tác Giả Ca Khúc ‘Hạ Thương’ Và ‘Căn Nhà Mộng Ước’ Giờ Trôi Dạt Phương Nào ?
Nhạc sĩ Thanh Phương có tên thật là Nguyễn Ngọc Ánh, ông sinh năm 1944 nhưng khi từ quê Phan Thiết lên Sài Gòn học nhạc thì ông đã khai lại năm sinh là 1950 để trốn đi lính. Ông theo nhạc sĩ Mạnh Phát học nhạc vào khoảng năm 1964,. Thời điểm này ông cũng đổi tên trên giấy tờ thành Nguyễn Thanh Phương. Thời điểm ông sáng tác mạnh nhất là khoảng năm 1965-1966, trong đó nhiều bài viết chung với Hàn Châu, Mạnh Phát. Thời gian sau đó, ông mở lớp dạy nhạc lý ở đường Bùi Hữu Nghĩa – Gia Định.
Nhạc sĩ Thanh Phương lập gia đình khoảng năm 1968. Vợ ông sinh năm 1950, bà là nghệ sĩ cải lương Kiều Yến Nga trong đoàn Kim Chung ngày xưa, là đồng môn của nghệ sĩ Kiều Mai Lý. Trước đó ông nhập ngũ và phục vụ ngành tâm lý chiến cho đến năm 1975.
Trước khi lấy bút danh là Thanh Phương, ông sáng tác với bút danh Phương Anh (với ca khúc Một Căn Nhà Mướn). Sau khi học nhạc ở nhạc sĩ Mạnh Phát, nhạc sĩ Mạnh Phát đã đặt bút danh khác cho ông là Thanh Phương (cùng tên lót Thanh với một học trò khác của Mạnh Phát là ca sĩ Thanh Tuyền. Vì vậy có thể nói nhạc sĩ Thanh Phương là bạn đồng môn với ca sĩ Thanh Tuyền).
Sau năm 1975, cuộc sống khó khăn, ông thường hay đi buôn nước mắm, cá khô từ quê nhà Phan Thiết lên Sài Gòn, có khi cả những vùng sâu vùng xa. Lúc rảnh rỗi, ông vẫn còn viết nhạc đều đặn, nhưng thời điểm đó không thể phát hành được. Trước sự đổi đời đó, ông trở nên thất chí và thường xuyên làm bạn với rượu, không quan tâm tới sự đời nữa. Vợ ông phải một mình gánh cuộc sống gia đình khó khăn với 7 người con. (Nhạc sĩ Hàn Châu có kể ngày xưa có nhiều lần cùng NS Thanh Sơn đến nhà kiếm nhạc sĩ Thanh Phương có việc, nhưng lần nào đến cũng gặp NS Thanh Phương trong tình trạng say xỉn lăn ra ngủ)
Thời gian thập niên 1990, ông thường xuyên giao lưu gặp gỡ Vinh Sử, Hàn Châu, Thanh Sơn, “Bộ tứ này” làm gì hoặc sáng tác ca khúc nào cũng hỏi ý kiến nhau. Tuy nhiên trước hoàn cảnh khó khăn với 7 người con ngày càng lớn, không được học hành đến nơi đến chốn, 2 vợ chồng ngày càng lớn tuổi, ông lại trở nên thất chí từ lúc đó đến cuối đời. Trước khi qua đời, ông muốn được về lại quê nhà ở Phan Thiết nên bán căn nhà lâu năm ở đường Bạch Đằng để trang trải cuộc sống và cả nhà về Phan Thiết thuê nhà ở cho đến khi ông qua đời năm 2012. Vợ ông năm nay 70 tuổi, vẫn còn ở tại ngôi nhà mướn ở Phan Thiết đó.
Một số sáng tác nổi tiếng của ông có thể nói đến như : Hạ Thương, Căn Nhà Mộng Ước (Mộng ước đây rồi em ở đâu), Làm Nhà Cho Mẹ, Ngõ Hẻm Gặp Nhau, Đêm Không Còn Tiếng Súng, …..
Phúc Ben, Trong bài viết có mượn tư liệu và hình ảnh từ trang Nhacxua.vn (https://nhacxua.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-cua-nhac-si-thanh-phuong-tac-gia-cua-ha-thuong-va-dau-chan-ky-niem/)