Nhạc Sĩ Mặc Thế Nhân Và Ca Khúc “Trả Tôi Về”

Phải nói tôi là một trường hợp khá may mắn khi được gặp gỡ quen biết với nhạc sĩ Mặc Thế Nhân từ rất sớm. Thuở đầu thập niên 2010, nhạc sĩ còn rất khỏe và minh mẫn, ông hay tâm sự với tôi chuyện đời, chuyện nghề của ông từ trước 1975 tới nay. Trong các sáng tác của ông, tôi đặc biệt rất thích bài “Trả Tôi Về”, và cũng nhân đó tôi đã được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tâm sự cho nghe về sự ra đời của ca khúc này như sau :

Ông kể rằng quê gốc của ông ở đây từ đó giờ (xưa là Gò Vấp – Gia Định, nay thuộc quận 12), ông có một người chị và một người em rất thương nhau và ông cũng rất thương mẹ mình. Thời trẻ ông lên Sài Gòn đi học và lập nghiệp, thỉnh thoảng mới về nhà thăm mẹ. Tiếp theo đó, vào năm 1968, chiến cuộc lan tràn, gây bao nỗi kinh hoàng cho người dân nước Việt. Nhìn những đau thương mất mát xung quanh, những sự lừa dối, hờn oán điêu ngoa xảy ra khắp nơi, những cuộc tranh giành quyền lực, thanh trừng lẫn nhau làm cho nhạc sĩ cảm thấy mệt mỏi và chán nản với thời cuộc. Trong một chút suy tư ông bỗng nhớ về thời thơ ấu êm đềm sống bên mẹ và gia đình, vui vẻ bên những bữa cơm chiều trong mái tranh nhỏ thắm đượm tình quê. Nhớ về những lũy tre làng, những ruộng lúa bờ đê, và những buổi chiều thơ thẫn bên dòng sông nhỏ chảy ngang nhà ông. Thuở đó ông đã làm gì biết buồn, biết suy tư, hằng ngày chỉ đi học và vui với những cánh diều bên những người bạn tuổi thơ đầu xanh.

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân trình diễn khẩu cầm Hamonica khi còn là sinh viên năm 1958.

Những kỷ niệm ngày xưa đó chợt ùa về, và tất cả đã tạo cảm hứng cho ông đã viết nên ca khúc Trả Tôi Về này. Nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản như vậy, khi đi xin phép phát hành ca khúc Trả Tôi Về lại gặp một số trục trặc. Chính quyền thời đó sau khi xem qua đã kết luận rằng bài hát này có ca từ hơi ủy mị, phản chiến, và nếu phát hành dễ dẫn đến việc người lính nghe nhạc xong có cảm giác chán nản, mất hết tinh thần chiến đấu, họ kêu ông về sửa lại. Và ông đã sửa đi sửa lại rất nhiều lần, nhưng hai lần đi lên xin phép phát hành vẫn không được duyệt. Phải cho đến lần thứ 3 ông phải nhờ một người đàn anh trong nghề ra mặt giới thiệu và đích nhân ông mặc quân phục hải quân (lúc đó ông đang là lính Hải Quân) đến xin phép thì ca khúc này mới được duyệt phát hành.

Theo trí nhớ của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân thì sau đó, nhạc sĩ Châu Kỳ có dẫn ca sĩ Thiên Trang đến giới thiệu và mua tác quyền sử dụng ca khúc này, ông bán với giá 20 ngàn và dành cho ca sĩ Thiên Trang thu âm đầu tiên. Sau này khi ra hải ngoại, ca sĩ Thiên Trang có thu âm lại ca khúc này trong cuốn CD Làng Văn 85 – Đêm Trao Kỷ Niệm. Nay xin gửi quý vị thưởng thức lại ca khúc này qua giọng hát của ca sĩ Thiên Trang, tôi tin rằng sẽ có một trời kỷ niệm trở lại trong lòng của mọi người. Trân Trọng !

Phúc Ben.

 

Comments (2)
Add Comment
  • Võ thanh Trinh

    Nhạc vàng trong chế độ đệ nhất và đệ nhị cộng hoà đều bị giới hạn một số vấn đề có tác động ảnh hưởng đến vấn đề chính trị tuỳ từng thời kỳ .Tuy nhiên tất cả các nhạc sỹ đều lột tả được cảm cảm xúc của mình khi đưa những câu từ vào nhạc phẩm dù bị giới hạn một phần nào đó . Đây là một điểm son của một thể chế .

  • truyền thống

    đi ngược thời gian trở về quá khứ ,để nhìn lại thời thơ ấu thật là dung dị,ai trong mỗi chúng ta cũng có lúc nào đó hồi tưởng đến những kí ức êm đềm,một thời đã qua…