Cảm Nhận Ca Khúc “Đổi Thay” Của Nhạc Sĩ Lê Mộng Bảo

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” là câu nói nổi tiếng của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus nhằm ám chỉ sự vận động không ngừng của vạn vật trong vũ trụ. Thời gian cũng như dòng nước cứ thế trôi, không chỉ sự vật xung quanh ta thay đổi mà ngay cả bản thân chúng ta cũng thay đổi. Ta của ngày hôm nay có cảm nhận, suy nghĩ rất khác với ta trong quá khứ. Vạn vật dĩ nhiên là thay đổi huống chi là tình cảm cái thứ mong manh ấy lại càng dễ đổi thay hơn bao giờ hết. Nói về sự đổi thay hôm nay Dòng Nhạc Vàng xin chia sẻ lại với bạn đọc yêu nhạc một sáng tác cùng tên của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo. Đổi Thay được ký bút hiệu Hoa Linh Bảo, Hoàng Liên nên nhiều người nhầm lẫn và không nhận ra đây là sáng tác của Lê Mộng Bảo, thậm chí có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên đây thực chất đây là sáng tác của Lê Mộng Bảo, từ giai điệu, ca từ, hình ảnh, bìa nhạc và xuất bản không lẫn vào đâu được.

Nói về nhạc sĩ Lê Mộng Bảo thì hầu hết giới yêu nhạc vàng điều biết rõ và quá quen thuộc với những sáng của ông như: Thân Phận, Chiều Viễn Xứ, Cô Gái Miền Nam, Thương Về Quán Trọ… Ngoài sáng tác ông còn là nhà thơ, nhà kinh doanh giỏi. Bởi lẽ người làm nghệ thuật thì tâm hồn thường bay bổng không tính toán giỏi nhưng Lê Mộng Bảo thì khác. Từ một người bán sách trên đường Trần Hưng Đạo năm nào Lê Mộng Bảo đã trở thành giám đốc nhà xuất bản nhạc phẩm uy tín nhất VN với tên gọi “Tinh Hoa Miền Nam”. Nhà xuất bản nhạc phẩm của ông là nhà xuất bản VN đầu tiên có tên trong danh mục các nhà xuất bản nhạc quốc tế “Worldwide music trade directory”. Nhiều sáng tác của ông soạn tân cổ nhạc giao duyên như: “Thân phận” soạn chung với soạn giả cải lương Quế Chi. Bản này được thu thanh vào dĩa, qua giọng ca của Minh Vương và Thanh Kim Huệ. Ảo Ảnh Tình Yêu, vọng cổ Viễn Châu và Thanh Tuyền ca (Đĩa hát Hồng Hoa). Đổi Thay, vọng cổ Loan Thảo, Phương Bình và Mỹ Châu ca (Đĩa hát Việt Nam).

Lá xa cành, héo sầu cả tuổi xanh
Anh bỏ đi rồi, buồn lắm anh ơi!
Đời người con gái một lần mất người yêu
Dang dở cuộc đời.

Những kỷ niệm, hãy còn nằm ở đây
Sao nỡ quên rồi, để đó cho ai
Và lời anh nói: “Tình mình khó nhạt phai”,
Bây giờ đổi thay…

Lá từ xanh tươi mơn mởn ngày nào thì cũng nhanh chóng vàng úa rồi lìa cành. Với nhiều người nó khá bình thường nhưng với lòng thi sĩ thì khác, nó nói lên sự chia lìa và xót xa. Chiếc lá trên cành cũng như tuổi thanh xuân của con người và đặc biệt là tuổi xuân của người con gái vì nó ngắn ngủi. Hầu như qua ngưỡng cửa 30 đã là lỡ thời, nếu dang dỡ trong tình yêu thì coi như dang dỡ cả cuộc đời. Và một khi chia lìa thì họ lại khó quên, những ân tình, những lời hứa vẫn còn lưu luyến mãi. Để rồi những lời ước hẹn không nhạt phai nhưng giờ lại đổi thay. Những ca từ này nó mới da diết, thiết tha làm sao, cộng với giai điệu trầm bổng, du dương người nghe như trầm mình lại như thấu rõ tâm can của người vừa qua cuộc chia lìa.

Anh ơi thôi hết rồi, hết rồi
Nào còn khi đón khi đưa.
Những lần hẹn hò, khi sớm khi trưa,
Lời thề anh hứa hôm xưa thành khói mây đâu ngờ

Những ân tình đã một thời nở hoa
Xin trả cho người màu sắc hoa khô
Đường trần tôi đếm từng nhịp bước lẻ loi…
Riêng một mình thôi

Người ta thường dùng từ đổi thay để nói về sự thay lòng đổi dạ, nghĩa là không còn như lúc trước nữa. Rõ ràng mọi thứ ở mọi thời điểm và hoàn cảnh khác nhau đã không thể nào như ban đầu được. Vậy mà phụ nữ vẫn luôn luôn là người không chấp nhận được vấn đề này. Trong tình yêu việc đổi thay là lẽ bình thường hơn bao giờ hết, dẫu biết thế nhưng người ta lại khó chấp nhận. Người ta hay so sánh hiện tại với lúc còn nồng nàn say đắm, lúc còn đưa đón hẹn hò sớm trưa rồi thề non hẹn biển như rót mật vào tai. Để rồi khi thay đổi, những lời hứa hôm nào giờ cũng như khói mây tan vào hư vô, ân tình đẹp tươi không còn thì bất chợt nhận ra sự cô đơn và lẽ loi. Ngay lúc này đây tâm trạng tưởng chừng là tận cùng của nỗi đau nên nghĩ rằng đường trần chỉ còn lại một mình ta. Nhưng thực chất cuộc chia ly nào rồi cũng sẽ qua, quan trọng là theo thời gian nó còn động lại trong ta bao nhiêu.

Bài hát có thể nhận sự đồng cảm từ nhiều người, đâu đó chúng ta sẽ thấy hình ảnh của mình ở thời điểm nào đó trong cuộc đời riêng. Nhưng hơn bao giờ hết từng câu từng chữ trong đây lại ứng với tâm trạng và cuộc đời của chính nhạc sĩ sáng tác. Lập gia đình năm 1948 và có 7 người con nhưng theo thời gian tình cảm vợ chồng cũng đổi thay và nhạt nhòa. Tình yêu nồng nàn ngày nào nay còn chăng là sự nhìn nhau như hai người xa lạ. Để đến cuối cùng còn lại chăng là tờ giấy li hôn để kết thúc tất cả những ân tình một thời nở hoa. Vợ của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo ra đi mang theo cả tình yêu dành cho ông và cả 7 người con của ông. Đúng vậy câu cuối bài Đường trần tôi đếm từng nhịp bước lẻ loi… Riêng một mình thôi là dành riêng cho ông. Chỉ riêng ông lẻ loi và cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Sau 1975, Lê Mộng Bảo đi “học tập” 6 năm và trở về với đôi mắt bị thương tật, sống lay lắt bằng nghệ hát dạo với nhóm Phi Thoàn, Khả Năng cho đến khi sang Mỹ diện HO năm 1993 và qua đời vào ngày 8 tháng 10 năm 2007, hưởng thọ 84 tuổi.

Lá đã xa cành ….

Hai Tứ

Comments (0)
Add Comment