Về Ca Khúc “Thằng Cuội” Của Nhạc Sĩ Lê Thương

0 11.636

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe:
”Ở cung trăng mãi làm chi”

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ.

Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta

Lặng nghe trăng gió bảo nhau:
“Chị kia quê quán ở đâu !?”

Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta.

Các con dế mèn
Suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ

Đền công cho dế nỉ non
Trời cho sao chiếu ngàn muôn
Các con dế mèn
Suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ.

Sáng rơi xuống đồi
Sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi
Sáng ngồi xuống đây

Cùng trông ánh sáng cười vui
Chị em ta hãy đùa chơi
Sáng rơi xuống đồi
Sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi, sáng ngồi xuống đây

Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang

Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang.

Ca khúc “Thằng Cuội” được NS Lê Thương viết khoảng thời gian 1946-1954 với những ca từ chơn chất, dân dã, dễ nhớ và dễ hát như một khúc đồng dao. Khoảng thời gian này, nhạc sĩ Lê Thương có cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em trên đài phát thanh Sài Gòn, chương trình chuyên phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Và cùng Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi với những bản Tuổi thơ, Cô bán bánh, Con mèo trèo cây cau, Thằng bé tí non, Ông Nhang bà Nhang, Truyền kỳ Việt sử, Học sinh hành khúc… Và nổi tiếng nhất trong số đó là bài Thằng Cuội, ca khúc này thường được trẻ em hát trong mỗi dịp tết Trung Thu cho đến tận ngày nay, mặc dù nhiều người không biết đó là một ca khúc của nhạc sĩ Lê Thương.

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ

Tác giả mở đầu ca khúc thiếu nhi với đôi câu thơ 8 chữ tự do không theo quy luật. Chỉ cần hình ảnh “bóng trăng, cây đa, thằng Cuội, mối mơ” đã gần như diễn đạt hết nội dung một bài hát.

Dưới bóng trăng có cây đa mầu nhiệm, thứ cây quý trong cổ tích với khả năng cải tử hồi sinh mà chính vì nó Cuội đã phải lẻ loi. Giờ đây bao năm đã qua, Cuội đang mơ gì thế, Cuội có trách thế gian nói xấu hay trách người vợ đã gây đại nạn cho Cuội hay chăng?

Cùng trông ánh sáng cười vui
Chị em ta hãy đùa chơi

Trước đây tôi không hiểu vì sao những tánh xấu người đời đều gán cho Cuội, cái gì cũng… như Cuội, đặc biệt là nói dối như Cuội. Xem tài liệu thì thấy sao mà nhiều Cuội quá, Cuội của Tàu khác Cuội của Ta, rồi Cuội theo từ điển Hán-Việt khác Cuội trong chuyện cổ tích. Thôi đành hiểu đơn giản, Cuội mà người đời hay dùng để đả kích nhau là thằng Cuội có tài nói dối trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, chứ thằng Cuội cung trăng vô ưu vô tội, không liên can.

Vậy khi cãi nhau có nên nói cho rõ: “Nói dối như thằng Cuội trong truyện cổ Việt chứ không phải thằng Cuội cung trăng!”. Lúc đó tiếng Việt sẽ có một trong những câu xỏ xiên thuộc dạng đáng yêu nhất thế giới.

Ở thời của nhạc sĩ Lê Thương, “Thằng Cuội” có lẽ là bài duy nhất có từ “thằng”. Đến khi Tdòng underground phát triển, phong cách sáng tác tự do hơn, tôi nghe vài bài có từ này, nhưng quả thật là thưởng thức không vô.

“Thằng” là cách gọi của những bạn bè đồng lứa, hay người bề trên đề cập tới người nhỏ tuổi hơn, dù sao nó cũng là cách dùng từ ngữ bình dân, kém trang trọng, một số người xem đây là cách xưng hô thân mật không màu mè. Thật khó tưởng tượng nó lại được dùng trong một sáng tác dành cho thiếu nhi, và càng không ngờ chính nhờ nó đã tạo nên nét đặc thù cho bài hát.

“Thằng Cuội” đứng một mình thì quả là có vấn đề. Xưa nay chúng ta thường gọi là chú Cuội, ai lại gọi Cuội cung trăng là “thằng”. Trừ khi Cuội là biệt danh của một ai đó, khi gọi thì bạn bè thêm đại từ “thằng”. Còn ở đây, Cuội của các em thiếu nhi là Cuội mộng Cuội mơ, Cuội ngây thơ Cuội thật thà, Cuội đáng yêu biết nhường nào.

Lạ thay trong bài hát của Lê Thương, khi ráp vào câu nhạc thì “thằng Cuội” lại nghe dễ thương, ấm áp vô cùng. Câu thơ đi vào nhạc làm bẵng quên đi những đại từ xưng hô hình thức, “thằng” hay “chú” đều không còn quan trọng, chỉ có Cuội mà thôi, âm nhạc quả thật diệu kỳ đã vun tròn câu chữ.

Nghe các em thiếu nhi hát “Thằng Cuội” thật vô tư trong sáng, duy đối với bài hát này, tôi đặc biệt ấn tượng với giọng ca của nữ ca sĩ Ánh Tuyết. Nghe Ánh Tuyết hát “Thằng Cuội” mà cứ ngỡ có mẹ bên cạnh đang kể con nghe chuyện cổ tích, rót mật đêm Rằm làm nhớ những năm tháng du dương ngây dại. Chất giọng của Ánh Tuyết mới nghe tưởng nặng nề, nhưng khi cô cất tiếng hát lại lảnh lót, vừa rắn rỏi vừa yểu điệu duyên, như có nam châm hút tai người nghe, cảm thấu từng âm thanh một.

Lặng nghe trăng gió bảo nhau:
“Chị kia quê quán ở đâu !?”

Đền công cho dế nỉ non
Trời cho sao chiếu ngàn muôn

Lời trong “Thằng Cuội” mộc mạc, giản dị mà không kém phần sang trọng. Nghĩ mãi, ở đẳng cấp sáng tác ca khúc mà nghe tựa như dân ca thế này chỉ có Phạm Duy. Thiên tài họ Phạm cũng có bài “Chú Cuội” rất hay qua tiếng hát của Ái Vân, nhưng đem đến cảm xúc chững chạc, không ngây ngô như “Thằng Cuội” của Lê Thương.

Nét sang trong “Thằng Cuội” tỏa ra từ ý, nhạc và lời hòa quyện cùng nhau. Tuyệt mỹ nhất trong bài phải là đoạn:

Sáng rơi xuống đồi
Sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi
Sáng ngồi xuống đây

Nghệ thuật nhân hóa có thể nói là hoàn hảo, tạo sự kỳ ảo trong khung cảnh làng quê chân chất. “Sáng” chính là “ánh sáng” từ “bóng trăng trắng ngà” toả xuống. “Sáng” được Lê Thương dùng như danh từ riêng dành cho con người cụ thể, rồi những động từ đi kèm đều được liên tưởng đến cảnh đùa chơi của trẻ nhỏ: “rơi, leo, mỏi, ngồi”. Nghệ thuật đối xứng giữa “đồi” với “rồi”, “cây” với “đây” là không thể thay thế bằng bất cứ từ gì khác.

Tất cả đã làm nên một tuyệt phẩm âm nhạc giữa đêm trăng, cái tuyệt đến từ sự sang trọng được kết hợp bởi nghệ thuật tinh tế và tâm hồn trong sáng, cái tuyệt nằm ở sự dung dị để tất cả mọi người có thể tận hưởng, cái tuyệt ở sự đơn giản luôn là cái tuyệt phức tạp và đỉnh cao nhất.

“Thằng Cuội” của Lê Thương đã phá vỡ quy luật xưng hô, và có lẽ chính nhờ vậy mà bài hát này đi vào vọng vô âm sống mãi, dù Rằm tháng Tám chỉ có một ngày trong năm.

Thời hiện đại, lồng đèn ông trăng ngày càng trở nên xa lạ với các em thiếu nhi đô thị, các em thích chơi điện tử trên điện thoại thông minh, máy tính bảng; những hộp bánh Trung Thu không còn là món ăn ghi dấu ấn trăng rằm, nó giờ đã thành món quà sang chảnh để biếu xén. Những điều trên làm ta cảm thấy Rằm tháng Tám dễ chừng xa lạ, chỉ có nghe lại bài “Thằng Cuội” là giúp ta trở về với cảm xúc, nhắc nhớ đứa trẻ năm nào nhìn Cuội dưới trăng ngà toả ánh.

Đến đây, tôi cũng muốn mua một mảnh đất trên Mặt trăng, mơ cuộc sống ung dung tự tại cho thỏa chí tan bồng của một kẻ ngây dại muốn làm bạn với gió trăng. Và vì nơi đó, vẫn có “thằng Cuội già ôm một mối mơ”…

Phúc Ben (Trong bài có mượn tài liệu của tác giả Anh Thư)

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.