Nhiều khi mơ ước đi lạc vào thiên thai
Để theo Lưu Nguyễn xa biệt hẳn cõi đời
Tiên giới không xuân hạ thu đông
Bốn mùa hoa nở đào tiên dâng
Điện vút đài cao chín tầng.
Chiều ba mươi tết ta còn gì cho nhau
Lại thêm xuân nữa gieo nhẹ vào mái đầu
Đâu đó vu vơ vài tiếng pháo
Giữa lòng quê mẹ còn binh đao
Thấy hoa xót mai thương đào.
Xuân ơi, xuân từ đâu đến
Ta cố quên em, đông tàn đến tìm
Trần gian nhiều đau khổ rồi
Chờ bàn tay nhung gấm
Vuốt ve tươi lòng thế nhân.
Giàu vui mong đón xuân về bằng cao sang
Nghèo lo xuân đến chân thành bằng tấm lòng
Chân bước trong đêm tàn ngõ tối
Giao thừa xuân muộn dạ không vui
Có người đón xuân quên cười.
Xuân muộn là một tác phẩm về mùa xuân, nhưng mang một giai điệu thật là buồn của cố nhạc sĩ Hoài Linh, được xuất bản năm 1967 và người ca sỹ ghi âm đầu tiên vào đĩa nhựa là Cô Hà Thanh – một giọng ca tuyệt vời truyền tải một tuyệt tác đến người thưởng thức. Đoạn “Chiều ba mươi Tết ta còn gì cho nhau…” cô Hà Thanh nhả từng chữ khoan thai, chậm rãi mà nao lòng người.
Tôi nghĩ rằng chắc có lẽ nhạc sĩ Hoài Linh nhìn cảnh binh đao loạn lạc của đất nước thời chiến trong hoàn cảnh mùa xuân mới lại về, mà lòng ông cũng cảm thấy mệt mỏi hụt hẫng và chẳng còn chút tâm trạng nào để đón xuân cả. Và chắc rằng ông đã cho ra đời ca khúc này trong hoàn cảnh như vậy. Cũng như bây giờ, càng lớn tuổi, chúng ta càng không thể cảm nhận niềm vui hay sự hân hoan chào đón mùa xuân đến, mà đâu đó chỉ là một sự mệt mỏi lo lắng về vòng xoáy của đồng tiền mà thôi.
‘Nhiều khi mơ ước đi lạc vào thiên thai
Để theo Lưu Nguyễn xa biệt hẳn cõi đời’ ….
Thái Salem.