Những nhạc sĩ miền Nam đã từng đi qua chiến tranh, chứng kiến những mất mát, chia ly của đất nước. Nên từ trong sâu thẳm tâm hồn dạt dào cảm xúc ấy đã gieo vần ươm tiết tấu để tạo nên những giai điệu rất “Vàng”. Với tâm trạng buồn đau quê Hương, vấn vương quá khứ Vùng Lá Me Bay một sáng tác của nhạc sĩ Anh Việt Thanh là tiếng lòng cho mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Nhạc sĩ Anh Việt Thanh tên thật là Đặng Văn Quang sinh năm 1936 tại Làng An Hữu, Quận Giáo Đức, Tỉnh Định Tường (nay thuộc quận Cái Bè tỉnh Tiền Giang). Ông học hòa âm sáng tác với nhạc sĩ Lê Văn Tài và bắt đầu sáng tác vào năm 1958. Năm 1960 đến 1975, ông đi dạy nhạc ở nhiều nơi như Đà Lạt, Đà Nẵng, Sài Gòn. Năm 1980, ông cùng gia đình sang định cư tại Troyes, Pháp. Năm 1990, ông chuyển sang viết nhạc phổ thơ. Năm 2001, CD Tương tư được phổ biến với 10 tình khúc Anh Việt Thanh phổ thơ Phạm Ngọc. Năm 2005, ông chính thức gia nhập Hội Âm nhạc Pháp (SACEM) và phát hành một số CD. Nhạc sĩ Anh Việt Thanh mất ngày 12 tháng 3 năm 2015 tại Troyes.
Ông có một số tác phẩm phổ biến được thu trong băng nhạc Kim Đằng do hãng Dư Âm ở Sài Gòn phát hành, nổi tiếng nhất là ca khúc “Vùng lá me bay” sáng tác năm 1972, nhưng trong dĩa nhạc Kim Đằng 5 lại đề tựa ca khúc này là Nhìn Lá Me Bay, rất tiếc tác giả đã qua đời nên người viết không thể xác minh được tựa nào mới là đúng.
“Nhìn lá me bay nhớ kỷ niệm hai chúng mình
Ngày đó quen nhau vương chút tình trên tóc mây
Ðôi mắt thơ ngây, hoa nắng ươm đầy
Ðẹp tựa như lá me bay nên tình anh trót vay…”
Vào những năm khói lửa còn nồng, ấy vậy mà lại có những ca từ nhẹ nhàng và vấn vương đến thế. Tác giả gợi cho ta một khung trời kỷ niệm vô cùng đẹp với những hình ảnh thơ mộng của ngày nào, khi mới quen nhau cả hai còn e ấp để rồi vấn vương chút tình trên tóc mây và đôi mắt ươm hoa nắng. Nó rất đẹp đủ để cho tình anh trót vay…
Ngày đó yêu nhau chúng ta thường qua lối này
Từng lá me bay vương gót hài hoa bướm say
Tơ nắng đơm bông, trên má em hồng
Ðẹp tựa như lá me rơi khung trời xanh ước mơ.
Tôi tự hỏi nơi đây là đâu mà đẹp đến thế, tôi mường tượng hai hàng me xanh ngất, che nóng mát cái lối nhỏ, những tia nắng lén xuyên qua màn lá rồi đơm bông trên đôi má hồng, những cơn gió nhẹ mùa hè lại khéo điểm tô làm lay lá me bay để vương gót hài hoa bướm say. Nghệ thật cả cảnh và gợi hình khéo léo nhất là ở đây, một quang cảnh đẹp kết hợp với một người con gái đẹp, tất cả màu sắc và không gian hài hòa, quả là tuyệt vời… cả một khung trời xanh ước mơ chính là đây.
Ta xa nhau
Lúc hè về vương xác phượng buồn
Nẻo đường thành đô khói ngập trời
Vùng luyến thương ơi…
Mùa thu dâng cao
Biết rằng người yêu đang mong
Xin hiểu giùm
Lửa còn đốt cháy quê hương…
Theo lẽ thường, trọng tâm bài hát được nhấn mạnh ở phần điệp khúc và khi ấy các nhạc sĩ thường cho giai điệu nhanh hơn, tiết tấu mạnh mẽ hơn để làm nổi bật bài hát. Nhưng ở đây nhạc sĩ Anh Việt Thanh lại chẳng cần đẩy mạnh mà vẫn tạo được cao trào làm cho ta buồn đau và ray rứt. Cuộc chia ly giữa mùa hè hoa phượng đỏ, giữa cuộc chiến khóc liệt làm cho nẻo đường thành đô khói ngập tràn, bao cuộc chia ly cũng trên chính mãnh đất và khung trời ước mơ xưa, dù người yêu thương đang mong hãy hiểu giùm binh lửa còn đốt cháy quê hương. Lời ca và giai điệu nhẹ nhàng nhưng lại thấm vào tâm can.
Giờ đã xa nhau những kỷ niệm xin vẫy chào
Vùng lá me bay năm tháng dài thương nhớ ai
Em cố quên đi, thương nhớ làm gì
Tình mình như lá me rơi trên giòng xuôi biển khơi
Vùng lá me bay được lập đi lập lại trong xuyên suốt bài hát như nhắc nhở những kỷ niệm hay khung trời ngày xưa. Và nó có đơn thuần là con đường với lá me bay hay là một phép ẩn dụ nào khác chăng? Riêng tôi cảm nhận lá me bay cũng như hỏa châu hay cơ lực của bầu trời năm ấy. Mùa Hè Đỏ Lửa năm nào đã qua, Kỷ niệm xưa cũng xin vẫy chào, vùng lá me bay xin hãy cố quên đi, đừng thương nhớ hay luyến tiếc.
Nhật Hà.