Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa đừng than trong câu ca.
Buồn ơi trong đêm thâu ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế
Người ơi mang về, tình ấm hồn ta thêm say mê
Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi
Ai còn nhìn mưa mãi rớt bên sông thêm lạnh lùng
Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông.
Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm khuya, buồn rơi theo đêm mưa.
Còn mưa trong đêm nay, lòng em buồn biết mấy
Trời sao chưa thôi mưa, để mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ, nước mắt buồn mi em thơ ngây.
Theo một số tài liệu ghi lại thì ca khúc Ướt mi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1958, bài hát này sau đó được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959. Có tài liệu cho rằng đây là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn, nhưng theo lời nhạc sĩ kể lại thì trước đó ông đã sáng tác một số bài như Sương đêm, Chơi vơi
-
“Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi” (Trịnh Công Sơn, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16.).
Do đó, chúng ta có thể coi đây là tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công bố chính thức. Còn hoàn cảnh sáng tác theo tư liệu tìm được như sau :
Lúc trọ học tại Sài Gòn, tình cờ, Trịnh Công Sơn được nghe tiếng hát của một ca sĩ chỉ mới 16 tuổi, người Huế, đó là ca sĩ Thanh Thúy, người ca sĩ có dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài. Giọng ca trầm buồn và phong cách trình diễn của Thanh Thúy đã gây cho Trịnh Công Sơn một ấn tượng đặc biệt. Từ đó, ông ngưỡng mộ giọng hát này và theo lời ông thuật lại: “…đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng….“
Một buổi tối, Trịnh Công Sơn cùng một vài người bạn đến Mỹ Cảnh, một nhà hàng nổi tiếng của Sài Gòn, để nghe Thanh Thúy hát. Ngay trong đêm nhạc đó, Trịnh Công Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Khi hát theo đề nghị đó, do đang có có tâm sự về một chuyện buồn riêng, cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc.
-
“Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia”
(Trịnh Công Sơn, Sđd, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16)
Sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc Ướt mi. Theo lời thuật của nhạc sĩ: “…”Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lý nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được… Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cảm ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát….“
Tiền bản quyền của ca khúc Ướt mi mà Nhà xuất bản An Phú đã trả cho nhạc sĩ là 5.000 đồng (Theo thời giá năm 1956, một lượng vàng có giá khoảng hơn 1.000 đồng)
Một năm sau, năm 1959, một lần nữa, Trịnh Công Sơn viết một bài khác, cũng để tặng người đã hát bài hát đầu tiên của mình. Bóng dáng người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau xuất hát hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ. Đó là ca khúc Thương một người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn muộn phiền.
Thái Salem.