“Phải chi em đừng có chồng và anh còn đơn côi
Thì giờ đây em đâu buồn, anh đâu sầu, đâu lo lắng, đâu phân vân
Chiều qua ru em ngủ, chiều nay em theo chồng
thế hỏi lòng có buồn không?
Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền
Còn đâu ước mơ gì cũng thế
Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ lòng mới quên được người xưa, hỡi em?
Phải chi em đừng có chồng và anh không là riêng ai
Thì ngày nay duyên đôi mình không âm thầm
không xa cách, không đau thương
Lòng anh không than thở, lệ em không chan nhòa, những khi mình đến tìm nhau
Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền
Còn đâu ước mơ gì cũng thế
Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ lòng mới quên được người xưa, hỡi em?”
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân đã mang đến cho đời khoảng 200 ca khúc, trong đó nhiều bài khá nổi tiếng như Mộng Thu (1956), Cho Nhau Lần Cuối (1965), Ru Em Tròn Giấc Ngủ (1968), Trả Tôi Về (1969), Em Về Với Người (1971)… đặc biệt là ca khúc Cho Vừa Lòng Em chiếm trọn tình cảm của rất nhiều người.
Ngoài ra, người yêu nhạc cũng rất yêu mến 10 bài hát mang chủ đề Tương Tư của ông, trong đó, nổi bật với ca khúc TƯƠNG TƯ 4 vốn được nhiều nam ca sỹ chọn trình bày sẽ được Nhạc Vàng chọn gửi đến mọi người vào hôm nay. Bài Tương Tư từ 1 đến 4 được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân viết cho ca sĩ Trúc Mai, vì ngày xưa ông từng thầm thương trộm nhớ cô. Còn kể từ bài Tương Tư 5 đến 10 là ông viết cho những người khác.
Đời từ muôn thuở, mấy ai tìm được mối tình duyên vẹn tròn, bởi số phận luôn đùa cợt chuyện tình thế nhân và sự trắc trở ấy thành nỗi khắc khoải trong từng lời hát mà các nhạc sĩ bày tỏ trong nhạc phẩm của mình, như khi:
“Nhưng anh ước gì mình gặp nhau lúc anh chưa ràng buộc.
Và em chưa thuộc về ai…”
(Như Đã Dấu Yêu)
“Ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn…”
(Chuyện Tình Buồn)
“Hôm em bước lên xe hoa thềm nhà tươi pháo hồng
Em ơi pháo vui như vô tình xé nát tim anh
Bao nhiêu ước mơ nay phai tàn, tình ôi phũ phàng,
Một ngày dù duyên chưa thắm, chuyến đò xưa sao nỡ quên…”
(Phố Vắng Em Rồi)
“Nếu ngày nào tình ta đã phai
Ngày vui của em cùng ai trên đời
Là hôm tiễn anh về nơi cuối trời
Em ơi bao giờ nhớ thương này nguôi…”
(Phút Cuối)
Những cuộc tình không trọn ấy, có lẽ phải những ai đã đi qua, sẽ rõ cái cảm giác muốn gìn giữ bao bọc nhưng đầy bất lực tuyệt vọng và giằng xé tâm can những tháng ngày về sau, mãi cho đến khi nào buông được chuyện xưa, quên được người xưa. Đúng như lời điệp khúc nhạc sĩ đã viết :
“Tiếc thương cũng rồi, đành thôi ván đóng thuyền
Còn đâu ước mơ gì cũng thế…
Nhưng lỡ yêu rồi,
Em ơi biết bao giờ lòng mới quên được người xưa, hỡi em?”
Hai chữ “Phải chi…” buông như tiếng thở dài trầm lặng, mong ước, nhưng nào có được đâu. Biết là vô vọng :
“Nhưng lỡ yêu rồi, em ơi biết bao giờ
Lòng mới quên được người xưa, hỡi em?”
Một câu hỏi chỉ chính người hỏi mới tự có lời giải đáp, mà thôi…
Nhân dịp nhắc đến bài hát TƯƠNG TƯ 4 này, BQT xin có chút chia sẻ với cả nhà về bút danh của ông với những ai (còn/có thể) hiểu chưa đúng về nghệ danh MẶC THẾ NHÂN, cũng như một kỷ niệm nhỏ về ông một ngày gặp mặt đã rất lâu mà BQT bất chợt nhớ về.
Trả lời phóng vấn, ông lý giải về bút danh Mặc Thế Nhân: “Chữ Mặc tiếng Hán gồm 2 nghĩa là mực viết hoặc lặng lẽ, trầm mặc; thế nhân tức người đời; có nghĩa là tôi xin góp một vài giọt mực, chuyển sự trầm mặc qua những cuộc tình của mình thành ca khúc giúp vui cho người đời”. “Xin góp nhặt một vài giọt mực với người đời dù đó là sự trầm lặng trong sáng tác. Chữ Mặc Thế Nhân được giải nghĩa như thế, chứ không phải là sự gán ghép tiêu cực, cho rằng tôi “mặc kệ người đời” như một số người gieo cái xấu cho tôi một thời. Ai cũng có một dĩ vãng để ấp ủ, nâng niu. Tôi chọn đề tài tình yêu và quê hương vì trong tôi chất chứa nhiều tình cảm đẹp. Tôi chẳng bao giờ hư cấu, nên trái tim tôi yêu gì thì viết nấy”.
BQT nhớ mãi đường nét gương mặt ông nghiêng nghiêng vào một sáng Chủ nhật, khi gợi nhắc về nguồn gốc những ca từ thiết tha trong các nhạc phẩm tình cảm đượm kỷ niệm buồn của ông mà bao người yêu mến:
“Chiều qua ru em ngủ, chiều nay em theo chồng. Thế hỏi lòng có buồn không? Con nghĩ xem, trong tình cảnh đó, con có thấy buồn không… Từ tâm sự trầm mặc trong đời mình mà bác ghi lại thành lời ca, nó đến tự nhiên và bình dị như vậy đó con, vì nó là tâm sự chân thực của mình, chứ không phải mình tưởng tượng ra câu chuyện tình buồn mà ghi ra…” Nghe lời chia sẻ, mà bùi ngùi. Hỏi mọi người, có buồn không … !?
BQT Nhạc Vàng thương mời đai gia đình cùng thưởng thức nhạc phẩm TƯƠNG TƯ 4 do NS Mặc Thế Nhân sáng tác. *Links nhạc và hình ảnh minh hoạ st.