Tôi yêu quê tôi yêu luỹ tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi trên má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa.
Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề
Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng quê
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây em chờ anh về.
Kìa cùng đùa chơi trẻ thơ ca hát say đời
Dù nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười
Mưa nắng ơn trời luống cày thắm đẹp lúa ngời
Xóm làng đón mùa chiêm mới ấm no ấp ủ lòng tôi.
Tôi yêu quê tôi yêu mãi bây giờ còn yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hoà
Yêu anh yêu em yêu nước yêu trời gần xa
Và yêu mối tình nở hoa ngàn năm không hề phai nhoà.
Khi lắng nghe ca khúc “Tôi yêu” của nhạc sĩ Trịnh Hưng và Hồ Đình Phương, ta có thể hình dung một bức họa đồng quê được hiện lên ngay trước mắt. Những hình ảnh giản dị, mộc mạc và thanh bình của làng quê Việt Nam như: lũy tre, con sông, cầu tre, con đê, cánh đồng… cho đến những đứa trẻ vui đùa, người nông dân chất phát dù nghèo nhưng vẫn tươi vui… tất cả đã hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình mà ai cũng phải yêu.
Mở đầu bài hát: “ Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh”. Tự bao đời tre đã gắn liền với làng quê Việt Nam, lũy tre còn là biểu tượng cho sự thanh bình yên vui, là khúc nhạc bất tận của bốn mùa xuân hạ thu đông, khi gió nhẹ thì vi vu, khi gió mạnh lại réo rắt, khi bão tố như gầm thét và kẽo kẹt đã gắn liền với tuổi thơ bao người. “Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình”. Ôi! Con sông quê “nước gương trong soi tóc những hàng tre… con cá dưới sông, cây trồng trên bãi” chảy dài da diết. “Yêu trăng buông lơi trên má cô hàng đẹp xinh”, ơi! vầng trăng kỳ diệu tỏa ánh sáng muôn nơi, tỏa ánh sáng ngàn năm mà vẫn sáng trong kí ức tuổi thơ, vẫn dịu hiền như khúc hát lời ru của mẹ. Dù vật đổi sao dời thì trăng muôn đời vẫn có người làm bạn, vẫn sáng soi mà thành nhạc nên thơ. “Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây đang dựng mùa hoa”, dòng sông dù bên lở bên bồi nhưng không cách trở, bởi nối liền đôi bờ đã có chiếc cầu tre. Cầu tre là cầu nối gắn liền với nhịp sống của người nông dân tăng gia sản xuất. Cầu tre còn đi vào tiềm thức của tuổi thơ qua lời ru êm ái, ngọt ngào của mẹ trong những buổi trưa hè “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”. Yêu làm sao hình dáng quê tôi có lũy tre dài, có con sông xanh, có ánh trăng vàng soi sáng, cùng mấy nhịp cầu tre nối liền đôi bờ. Đã vẽ cho ta một khung cảnh thật bình dị, êm ả và nên thơ đậm nét làng quê Việt Nam.
“Tôi yêu đơn sơ qua mái tranh nghèo mẹ quê
Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề
Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng quê
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây em chờ anh về.”
Làng quê ta với bao mái nhà tranh nghèo đã che nắng che mưa, đi qua giông bão che chắn cuộc đời ta, có người mẹ hiền tần tảo nuôi ta khôn lớn. Làng quê ta, đêm thanh trăng sáng có tiếng xa quay vo vo, có tiếng thình thịch của vồ đập chày nêm là bao tiếng hò trao duyên của đôi trai gái, khi trữ tình đằm thắm, khi dí dỏm khôi hài làm cho làng xóm trở nên sống động, vui tươi xua đi bao nỗi mệt nhọc. Cũng từ những lời ca tiếng hát ấy đã kết tóc se duyên cho bao đôi trai gái nên nghĩa vợ chồng. Làng quê ta có con đê đưa lối qua chợ làng, đê âm thầm uốn lượn theo dòng sông, xuôi mãi giữ cho xóm làng bình yên mùa màng tươi tốt và bên triền đê có những chiều gió lộng, cánh diều tuổi thơ cứ thỏa sức bay cao. Và làng quê ta có mấy nhịp cầu tre để anh chờ đón em về.
“Kìa cùng đùa chơi trẻ thơ ca hát say đời
Dù nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười
Mưa nắng ơn trời luống cày thắm đẹp lúa ngời
Xóm làng đón mùa chiêm mới ấm no ấp ủ lòng tôi.”
Làng quê tôi có lũ trẻ em thơ, trong sáng vui ca yêu đời, dù cuộc sống làng quê tuy nghèo nhưng vẫn lạc quan tươi cười. Làng quê tôi có nắng mưa hai mùa cho cây tươi tốt cho đồng thêm xanh. Cho xóm làng vào mùa gặt mới, mang theo hi vọng ấm no cuộc đời.
“Tôi yêu quê tôi yêu mãi bây giờ còn yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hoà
Yêu anh yêu em yêu nước yêu trời gần xa
Và yêu mối tình nở hoa ngàn năm không hề phai nhoà.”
Khẳng định tình yêu bất diệt, một lòng hướng về nguồn cội. Bởi vì làng quê ta mang bóng dáng của người mẹ hiền, của ký ức tuổi thơ ta gắn bó, của cuộc sống thanh bình, mộc mạc và giản dị nhất. Là nơi khơi nguồn, hun đúc và là điểm tựa cho sức mạnh tinh thần của những người con xa quê. Chính vì thế, trong tâm khảm mỗi người con xa xứ, dù họ đi đâu, về đâu đều một lòng hướng về xóm làng thân thương của mình. Vì lẽ đó, quê hương cũng luôn giang rộng vòng tay yêu thương chờ đón ta trở về.
Hương Giang (Dongnhacvang.com).