“Tôi đã gặp anh, người anh quá hiên ngang
Đi xây cuộc đời vì lứa tuổi đôi mươi
Biên cương xa xôi, anh vì yêu sông núi
Đem vinh quang gieo ngàn nơi.
Tôi đã gặp em chiều nao chốn quê xưa
Lúa ngô hai mùa chờ bóng người xa xưa
Quê hương thân yêu em về vui khoai sắn
Hay bên nương dâu ban chiều.
Gặp nhau cầm tay nói vài câu
Thương mến trao nhau, “Anh đi về đâu?”
Rừng sâu đồi cao dốc, đèo nao hiểm nguy
Chớ sờn bền tâm tranh đấu.
Gặp nhau rồi thương nhớ dài lâu
Nhớ lúc ra đi không vương sầu chi
Ngày mai, ngày sông núi vẻ vang niềm vui
Xóm làng lời hát vang vang.
Ôi! Nhớ nhiều khi gặp nhau biết nhau chi
Nhớ bao nhiêu người vì xóm làng ra đi
Đem thân nam nhi vui cuộc đời sương gió
Quên đi bao câu từ ly.
Trên khắp nẻo đường đất nước mến yêu
Ta biết nhau đây rồi lại tháng ngày phôi pha
Nhưng vui đi anh, mai bình yên sông núi
Ta chung vui câu thanh bình.”
Chỉ vọn vẹn 45 năm nặng nợ trần thế (1930 – 1975) nhưng đó là tất cả khoảng thời gian mà cố nhạc sĩ Minh Kỳ đã ưu ái mang đến nhiều món quà tinh thần vô giá cho dòng nhạc vàng. Tuy ông chỉ lưu lại chốn này một thoáng chốc nhưng những sáng tác của ông đều mang giai điệu tạo nên tiếng vang vào tận sâu tâm thức và làm thổn thức bao nhiêu con tim người yêu nhạc, cũng như rất nhiều nghệ sĩ đã từng cống hiến cho dòng nhạc quê hương này…
“Tôi đã gặp anh, người anh lính chiến hiên ngang
Tôi đã gặp em, người em má thắm xinh xinh…”
TÔI ĐÃ GẶP là một trong vô vàn những sáng tác của cố NS Minh Kỳ bày tỏ sự trân trọng cũng như tình thương những người thân nam nhi “vui cuộc đời sương gió” khắp cùng chốn rừng sâu đồi cao đèo dốc hiểm nguy gian khổ và niềm trăn trở xót xa cho quê nhà tan tác trong khói lửa. Đó là hình ảnh chinh nhân quá đỗi hiên ngang, cương quyết “quên đi bao câu từ ly” để lòng “không vương sầu chi”, dẫu biết ngày sau rồi sẽ in dấu giày trong những tháng ngày phôi pha mịt mờ mà vẫn “bền tâm tranh đấu”… Đan xen vào đó là hình ảnh người em chốn quê nhà, sớm hôm đồng lúa nương dâu nhưng vẫn “chờ bóng người xa xưa”; là hình ảnh rất đẹp của người con gái hậu phương thân tình chào hỏi người lính chiến đầy phong sương: “Anh đi về đâu?” như cách mà những người quen biết lâu ngày tình cờ được gặp nhau và vui mừng hỏi thăm nhau…
Đối với cá nhân mình, tất cả các bản thu của các nghệ sĩ trình bày nhạc phẩm này đều rất có hồn, và đây cũng là bài hát mình nghe nhiều lần nhất và khiến mình thấy xúc động trong thời gian gần đây.
Huỳnh Thy.