Em nghe gì không hỡi em
Con chim nó hót vang đầu hè
Em thấy gì không hỡi em
Con chim nó múa trên cành tre.
Hót đi chim, hót đi chim
Hót cho mặt trời hồng quê ta
Hót đi chim, hót đi chim
Hót cho đời nhọc nhằn trôi xa.
Chim trên đồng chim trên non
Chim tung cánh xoá tan sương mù
Chim trong hồn chim trong tim
Ôi thương quá tiếng chim việt Nam
Hoa cúc vàng trên sân anh
Xinh như áo mới em ngày nào
Hoa nắng hồng trên quê anh
Xinh như má thắm em ngày xanh.
Nắng lên đi, nắng lên đi
Nắng lên hồng nụ cười quê em
Nắng lên đi, nắng lên đi
Nắng lên hồng ruộng mạ xanh thêm.
Hoa tim người hoa yêu thương
Hoa thơm ngát thế gian đêm buồn
Hoa trên đời hoa trên môi
Ôi thương quá cánh hoa Việt Nam
Trăng sáng ngời trên môi hoa
Trăng lên tiếng hát vui đêm già
Trăng sáng ngời trên non xa
Trăng xua bóng tối trong hồn ta.
Sáng lên trăng, sáng lên trăng
Sáng cho người tìm về bên nhau
Sáng lên trăng, sáng lên trăng
Sáng cho tình người nở đêm sâu.
Trăng muôn đời trăng muôn nơi
Trăng đem bóng mát cho muôn người
Trăng thanh bình trăng yêu vui
Ôi thương quá ánh trăng Việt Nam.
Bao nhiêu đèn bao nhiêu hoa
Bao nhiêu nến thắp lên trong hồn
Yêu quê Mẹ yêu quê Cha
Yêu luôn những mái tranh làng xa
Thắp tim lên thắp tim lên
Thắp cho tình người dậy trong ta
Thắp tim lên thắp tim lên
Thắp cho mặt trời dậy trong ta
Yêu thương người yêu thương ta
Yêu luôn những thú hoang rừng già
Yêu bạn bè như yêu ta
Ôi thương quá trái tim Việt Nam.
Xin giới thiệu đến quý vị ca khúc Thương Quá Việt Nam, một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, được sáng tác và phát hành vào cuối năm 1972. Bài hát được ra đời khi hiệp định Paris sắp được ký kết, nó ra đời đúng thời điểm như muốn nói lên tâm tư tình cảm và sự yêu mến hòa bình của tác giả, và của mọi người từ người dân thường cho đến anh lính chiến, từ phụ nữ cho đến đàn ông, từ con nít cho đến người già …..
Hiện nay, tôi thiết nghĩ chúng ta nên lấy 4 câu cuối trong bài hát để giáo dục cho học sinh hiện nay là phù hợp nhất. Học chi nhiều, chỉ cần thực hiện được 4 câu đó là đủ rồi.
Phúc Ben.