Ca khúc “Tàu Về Quê Hương” là một sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Vân, ca khúc này được viết vào khoảng năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết. Bài hát có lời nghe rất vui và dễ thương , tiết tấu nhộn nhịp, mang ý nghĩa về mong ước một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, rời xa chốn phồn hoa đô hội để cùng nhau lên chuyến tàu trở về thôn quê xây dựng một gia đình mới, một cuộc sống mới, thong thả, bình dị hơn nhưng
ngập tràn tình yêu của riêng hai người.
“Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen
Đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn
Về đây mình cưới nhau hơn
Về đây mình sống vui hơn
Về đây mình có nhau hơn chẳng bao giờ buồn”
Mở đầu bài hát là lý do mà cô gái đưa ra để thuyết phục người yêu hãy cùng mình từ bỏ phố thị, cùng nhau về sống ở chốn làng quê. Và chắc chắn rằng sẽ không một chàng trai nào từ chối lời yêu cầu này của người yêu của mình đâu, khi khẳng định cuộc sống nơi thành đô cô sống không quen. Thêm vào đó, về quê thì hai người sẽ cưới nhau, sống sẽ vui hơn và quan trọng nhất là về quê cả hai sẽ được bên nhau mãi mãi không bao giờ buồn.
“Không ai thương mình bằng tim hai đứa đâu anh
Không ai cho bằng tình yêu em có cho anh
Về đây mình sống như tiên
Một con đường trắng trinh nguyên
Một căn nhà bé xinh xinh, một khu vườn tình”
Cô gái còn đưa ra lý do càng thuyết phục hơn khi khẳng định không ai yêu anh bằng em đâu, đừng đắng đo suy nghĩ hãy theo em về sống ở vùng quê êm ả, thanh bình, một cuộc sống thong thả, thoải mái như thần tiên không có chút xô bồ nào như nơi đô thành. Cô gái cũng đã vẽ ra bức tranh mới về cuộc sống khi hai người về đây, cùng nhau bắt đầu cuộc sống mới, cùng nhau đi trên con đường mới của hai người đã chọn, ở đó sẽ có căn nhà tuy bé xinh xinh nhưng lại chan chứa cả một khu vườn tình của riêng hai người. Cô gái mong muốn cả hai cùng nhau về quê bắt đầu một cuộc sống mới, tuy sống đơn giản nhưng sẽ luôn ngập tràn tình yêu của hai người, chỉ hai người mà thôi.
“Em là dâu ngày cưới, còn anh là chú rể mới
Em đi theo anh, em đi theo anh, em theo anh về
Em là mây mười hướng, còn anh là trăng là bướm
Anh đi nơi đâu, anh đi nơi đâu, là em ở đó”
Em sẽ là cô dâu cưới, còn anh là chú rể mới ở đây, anh đi đâu em sẽ theo đó, sống cuộc sống tự to tự tại khi em sẽ như mây trôi mười hướng, còn anh sẽ như trăng như bướm. Một cuộc sống tự do, vui tươi, hạnh phúc, không chút vướng bận, không ôm nổi muộn phiền, mặc kệ sự đời, mặc kệ nhân tình thế thái, chỉ cần tìm về nơi hạnh phúc dành riêng cho hai ta.
“Nơi nào yên mình tới và nơi nào thơ mộng nhất
Anh đưa em đi anh đưa em đi anh đưa em lại
Chim còn bay về núi thì ta tìm nơi hạnh phúc
Em đi theo anh, em theo anh về, làm dâu nhà anh”
Không gì có thể ngăn cản bước chân hai ta, chỉ cần là anh yêu em, miễn là anh đưa em đi thì dù là bất cứ nơi đâu em cũng sẽ theo anh, về làm dâu nhà anh. Khẳng định tình yêu bất duyệt của người con gái dành cho người mình yêu, không gì là không thể làm chỉ cần có tình yêu thì sẽ làm được tất cả.
“Em theo anh về cùng đi trên khắp quê hương
Xem quê ta nằm mộng mơ trong nắng trong sương
Về đây để thấy quê hương mình đang rộng lớn thênh thang
Dọc ngang một cõi mênh mang cùng trên mọi làng”
Về là để hai ta cùng nhau vun đắp hạnh phúc tương lai, về là để xem quê hương mình đang vươn mình với bao điều tốt đẹp, và vể là để hai ta cùng nhau thỏa mình góp sức xây dựng phát triển mảnh đất quê hương sau bao năm tan hoang vì chiến tranh.
“Thương cho con tàu cùng chung như kiếp sân ga
Sinh ra trong đời làm thân đưa khách đi xa
Tàu đi tàu bỏ sân ga, tàu đi tàu vẫn đi xa
Tàu đi tàu đến quê ta để ta về nhà.”
Tác giả đã tinh tế dùng cách ẩn dụ để ví mình như con tàu còn sân ga chính là quê hương. Tàu có thể rời bỏ sân ga, đến rồi đi đoàn tàu cứ thế mà rời bỏ sân ga, còn sân ga vẫn sẽ mãi mãi ở đó chờ đợi chào đón chuyến tàu cập bến. Tự bao đời nay, ta có thể từ bỏ mảnh đất nơi mình sinh ra, nhưng có bao giờ quê hương từ bỏ ta, quê hương luôn luôn dang rộng yêu thương chào đón ta trở về nhà. Kết thúc ca khúc như một ngụ ý của người nhạc sĩ, chúng ta xa quê lâu rồi, đã đến lúc cùng nhau lên chuyến tàu đưa ta trở về.
Hà Mỹ.