Thức trắng đêm nay ghép lại nhật ký của hai đứa mình
Đường yêu anh bước chân vào gặp em là muôn bức tranh
Tình ta ngày ấy có anh như đêm có ngày
Có em như chiều có mây
Hai đứa yêu trong tình đắm say.
Đã nói cho nhau những lời âu yếm nhất trên cõi đời
Nhiều đêm hai đứa vui đùa nhìn trăng vàng nghe sóng khơi
Ngày mưa ngày nắng sát vai câu ca tiếng cười
Dấu chân in mòn khắp nơi
Hai đứa như chim trời có đôi.
Giờ đây, mỗi người mỗi nơi
Nàng về đâu sánh đời với ai
Tay trắng tôi đi tìm tương lai.
Đời tôi, chuỗi ngày nhớ mong
Nay đã thay cho ngày tang bồng
Chỉ còn yêu tình yêu núi sông.
Xé nát trong tay những giòng nhật ký chép lâu lắm rồi
Chuyện tình năm trước thôi đành vùi chôn từ đây thế thôi !
Còn đâu mà nhớ ái ân mây đen xóa mờ,
Dứt đi cung dàn thiết tha,
Thôi cũng như qua một giấc mơ.
Ca khúc “Nhật Ký Hai Đứa Mình” được nhóm nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác dưới bút danh Anh Bằng – Trúc Ly vào khoảng năm 1966. Bài hát được hãng dĩa Sóng Nhạc thu thanh, hòa âm bởi ban nhạc Nghiêm Phú Phi và phát hành dưới giọng ca của cô Hà Thanh. Bài hát là lời âm sự cuối cùng của người con trai nhắc nhớ về tình yêu của mình, quyết tâm xóa bỏ kỷ niệm, ký ức đã có với người con gái mình yêu, vì người nay đã thay lòng, xé bỏ nhật ký kết thúc tình yêu để thôi vương vấn, để được một lòng ra đi vì đất nước.
Mở đầu bài hát là khoảng thời gian cuối cùng mà người con trai cho phép mình được nhớ về người mình yêu. Trằn trọc, thao thức trắng đêm để mà nhớ và mà quên. Nhớ về tình yêu với bao kỷ niệm đẹp mà hai người đã có, hạnh phúc cùng nhau. Quên là xóa đi ký ức của tình yêu, “ghép lại nhật ký của hai đứa mình”.
Nhớ lúc anh bước vào đường yêu gặp em, đời anh như muôn bức tranh được em tô vẽ. Nhớ ngày ấy đôi ta yêu say đắm, tình đẹp biết bao khi đã cùng cho nhau là lý tưởng, là nguồn tin trong cuộc đời “có anh như đêm có ngày, có em như chiều có mây”. Nhớ bao “lời âu yếm nhất trên cõi đời” đã nói cho nhau, nhớ bao ngày dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm cùng nhau vui đùa, cùng nhau hát vang câu ca tiếng cười, kề vai sát cánh có nhau “dấu chân in mòn khắp nơi”. Ngày ấy “hai đứa như chim trời có đôi” đẹp biết bao.
Nhưng giờ đây thì sao “mỗi người một nơi”, em giờ đã về sánh bước cùng ai còn tôi tay trắng đi tìm tương lai. Đến đây ta thấy người nhạc sĩ đã rất tinh tế trong cách dùng từ đó là thay đổi cách xưng hô của người con trai, khi cho phép nhớ thì xưng là anh, nhưng khi muốn quên đi, không mong chờ tình yêu ấy nữa thì xưng là tôi, dùng cách xưng hô dành cho những người xa lạ. Thay đổi này thể hiện được sự quyết tâm, dứt khoát không luyến lưu gì về tình yêu nữa. Vì chuỗi ngày mong nhớ ấy “nay đã thay cho ngày tang bồng, chỉ còn yêu tình yêu núi sông”, sẽ không còn tình yêu trai gái nào tồn tại nữa, mà thay vào đó là lý tưởng đời trai, tung hoành khắp nơi, góp sức cho đời, cho đất nước khi khoác lên người màu áo lính bảo vệ non sông.
Tình yêu nay “thôi cũng như qua một giấc mơ”, không còn mong nhớ, luyến lưu, xin chôn vùi ký ức, xóa hết đi dĩ vãng, “xé nát trong tay những dòng nhật ký chép lâu lắm rồi” để khép lại câu chuyện tình yêu đôi ta từ đây.
Lưu Hương.
Tôi chỉ thích nghe nhạc trước 75.