Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo
Làn mây xanh vây quanh ánh vầng hồng chiếu xuống niền tin
Đàn chim non tung tăng như đón chào ngày vui thế gian
Chúc ai vừa tìm được bến mơ.
Mừng cho đôi uyên ương sống sum vầy vui trong hạnh phúc
Và đôi tay thân yêu sẽ là nguồn sống của đời ta
Nhiều khi mong trăng lên, chung chén trà kể chuyện thuở xưa
Bên bếp hồng đùa vui trẻ thơ.
Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền
Đêm về nghe con khóc vui triền miên
Lời ru trong đêm vắng, với tình thương chứa chan
Còn mong ước gì, vì ta vẫn bên nhau.
Ngày em lo nương khoai, dưới mưa dầm anh lo cày cấy
Dù cho bao gian lao nhưng tình nghèo góp sức mà vui
Cầu mong cho mai sau gió đưa thuyền tìm về bến mơ
Phút bạc đầu đẹp lòng lứa đôi.
Tác phẩm Ngày Hạnh Phúc, đây là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương. Ca khúc này ra đời khi ông vừa kết hôn với ca sĩ Túy Hồng, lúc đó ông viết nhiều tác phẩm vui tươi và yêu đời, điển hình nhất là tác phẩm Ngày hạnh phúc. Bài hát này cũng được chọn làm nhạc hiệu Chương Trình Gia Binh của Đài Phát Thanh Quân đội và được người dân dùng rất nhiều trong các đám cưới. Sáng tác này nổi tiếng với câu hát “Đêm về nghe con khóc vui triền miên”. Tiếng con khóc ở đây là con gái đầu lòng của nhạc sĩ, cô Ánh Hằng.
Ở tuổi 23 vào năm 1960, nhạc sĩ Lam Phương từ một cậu bé nghèo đã có sự nghiệp mà tất cả các nhạc sĩ cùng thời phải ngưỡng mộ : vợ đẹp, con gái đầu lòng, cùng sự vững chắc về tài chính. Đặc biệt hơn, tên tuổi của nhạc sĩ Lam Phương đã rực rỡ trên nền trời âm nhạc miền Nam và là một trong những tác giả ăn khách bậc nhất Sài Gòn.
Trước đó, ông sống một cuộc sống thật kham khổ khi cha ông đã rời bỏ ông từ nhỏ và ông phải sống một cuộc sống cơ cực kham khổ cùng mẹ với bầy em. Sau này lên Sài Gòn trọ học, ông cũng chẳng khá hơn là mấy khi sống trong một khu lao động nghèo và phải làm đủ thứ việc, cũng như vay mượn tiền bạn bè để sáng tác và in nhạc. Thì khi viết ca khúc Ngày Hạnh Phúc này đây, má và các em Lam Phương đã có cuộc sống đàng hoàng hơn. Ước mơ về một ngôi nhà khang trang của ông đã thành hiện thực. Quan trọng hơn hết là tình cảm của người con lớn Lâm Đình Phùng và người cha Lâm Đình Chất đã nồng ấm hơn.
Một tâm hồn chan hòa yêu thương cộng hưởng với niềm hạnh phúc trong đời, nhạc Lam Phương đã có những ca từ vui tươi và yêu đời hơn như “Đêm về nghe con khóc vui triền miên” ….. thay vì “Trời cao có thấu, cúi xin người ban phước cho đời con” như trước đó.
Nhật Hà. (Trong bài có mượn tư liệu từ tác phẩm : Trăm Nhớ Ngàn Thương)