“Tôi dìu em về đường về nhà em
Qua phiến đá xanh xao
Con đường buồn hun hút mắt em sâu
Mưa nhạt mưa nhoà mưa đổ mưa ngâu.
Tôi dìu em về
Đường xa nhà em mưa ướt lá trên cao.
Lưng đồi buồn heo hút gió kêu ca
Mưa nhạt mưa nhòa mưa đổ mưa sa.
Mưa tuôn trên lá khô mòn
Mưa rơi trên bước em về
Mưa như nước mắt đêm nào,
Mưa lem mất gót son rồi, mưa ơi!
Tôi dìu em về, đường về nhà em
Mưa lất phất mưa bay
Con đường buồn hun hút đá xanh xao
Mưa nhạt mưa nhòa mưa đổ trên cao.”
Đây là ca khúc MÙA MƯA ĐI QUA của DU UYÊN.
Được biết, nhạc sĩ Hà Phương tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Năm 19 tuổi, ông được học nhạc với nhạc sĩ Lâm Tuyền và đây cũng là thời điểm ca khúc đầu tay mang tên “Đường Khuya” ra đời với bút danh Hà Phương – cái tên hình thành từ cuộc sống “rày đây, mai đó” của mình, như ông tâm sự với nhà báo Hà Đình Nguyên. Từ đó, cái tên Hà Phương luôn gắn bó với sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ của ông. Duy nhất một lần, ông kí tên dưới một bài hát với cái tên Du Uyên. Và bài hát đó chính là nhạc phẩm nổi tiếng “MÙA MƯA ĐI QUA” mà khá nhiều người yêu nhạc xưa nằm lòng.
Như vậy, Du Uyên của ‘MÙA MƯA ĐI QUA’ không ai khác hơn là Nhạc sĩ Hà Phương của ‘Mưa đêm tỉnh nhỏ’ hay ‘Mưa qua phố vắng’. Theo cá nhân mình cảm nhận, Du Uyên thật là một cái tên đẹp. Được biết, Du Uyên là cách biến tấu chơi chữ của từ “Duyên”, người yêu đầu đời của nhạc sĩ.
Ông tâm sự: “Tình yêu đầu đời là những kỷ niệm sâu sắc. Đó là những đêm trên sân khấu tôi đệm đàn cho nàng hát tình khúc do tôi sáng tác. Sau đó, hai đứa dìu nhau dưới những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ, ánh đèn mờ ảo, phố vắng thưa người… Ôi nhớ sao là nhớ!”
Sau một thời gian dài tạm quên đi chuyện nghệ thuật để xoay sở mưu sinh, mãi đến những năm 1990 Hà Phương mới sáng tác trở lại. Đó là giai đoạn ông cùng người bạn thân là nhạc sĩ Thanh Sơn được Trung tâm băng nhạc Vafaco mời về hợp tác. Ông bộc bạch: “Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông điên điển, Em về Miệt Thứ, Nhớ đất quê, Chiều mưa qua sông, Đồng sâu xứ lạ, Bông lục bình, Chuyện tình hoa cát đằng… Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam: Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”
“Tôi chỉ viết được vài chục bài nhưng mỗi ca khúc viết ra đều thể hiện được điều mình muốn gửi gắm nên dù viết ít, vẫn được mọi người mến mộ, yêu thích. Tuy nhiên, dù sao tôi vẫn tâm đắc với những ca khúc “Mùa mưa đi qua”, “Mưa đêm tỉnh nhỏ” hơn vì nó thể hiện được tâm trạng, tiếng lòng thời trai trẻ và làm sống lại kỷ niệm về những cuộc tình trong quá khứ nhưng vẫn luôn hiện hữu trong tôi.”
Hiện tại, sức khỏe của nhạc sĩ Hà Phương đã tạm ổn sau cơn tai biến giữa cuối năm 2019, ông đã có thể tự đi lại trong nhà. Thay mặt toàn thể gia đình Nhạc Vàng , ban Admin xin thương chúc Nhạc sĩ Hà Phương vẫn sống vui sống khỏe bên gia đình trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa còn đập nhịp ngày nào thì vẫn sẽ có những tác phẩm tinh thần vô giá ra đời để lại cho người yêu nhạc muôn đời sau …
Một số trích dẫn lời tâm sự của NS Hà Phương từ bài viết “MƯA VÀ HOA VÀ NHẠC SỸ HÀ PHƯƠNG” của nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên.