Ca sĩ Duy Khánh sinh năm 1938 ở Quảng Trị. Ông nổi danh từ thập niên 1950 với giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Phát Thanh Pháp Á. Ban đầu ông nổi tiếng với những bài hát mang âm hưởng dân ca xứ Huế, nhạc về quê hương. Về sau ông được xem là một trong bốn giọng ca nam của nhạc vàng thời kỳ đầu. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét “ Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống Cổ Thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.
Ngoài tài năng ca hát, ông còn là một nhạc sĩ tài năng với hơn 30 ca khúc do ông sáng tác, nổi bậc nhất có để nói đến là bài hát ‘Lối Về Đất Mẹ” được ông viết vào năm 1965. Ca từ bài hát mang đậm chất miền trung, nội dung tha thiết về một nỗi niềm sâu thẳm, thương dân tộc, quê hương, và thương người mẹ già đang ngày ngày ngóng chờ tin con. Trên sheet nhạc trước 1975, ông đã có ghi :
– Gửi Những Ai Đang Sống Thương Yêu Bên Giòng Thạch Hãn –
—Duy Khánh 1965 —
Ngày qua giã từ đất mẹ mà đi
Vì nghe tình quê tình nước đôi bề
Nước chia hai đường nước chưa về
Trót thương cho người lỡ câu thề
Lên đường từ ly, hỏi lòng mình lưu luyến gì.
Đó là tình cảm của một người con với mẹ, của người con với đất nước. Mẹ và đất nước đều ở trong tim con. Nhưng mẹ ơi! nước chia hai đường nước chưa về, thân làm trai sao con có thể đứng nhìn tình cảnh đất nước đang nguy nan. Lòng con quyết tâm với câu thề với non sông nên con phải lên đường mà từ ly mẹ.
Mẹ ơi chỉ còn đất mẹ mà thôi
Để con, còn đi gìn giữ cho đời
Đã mang trong lòng kiếp con người
Phải thương nhau hoài chớ quên lời
Mong một ngày mai chan hoà đất mẹ niềm vui.
“Mẹ ơi chỉ còn đất mẹ mà thôi” chỉ ngần ấy thôi nghe sao mà thiết tha, thiêng liêng và cao đẹp quá. Đất mẹ là gì? Là nơi mà chúng ta được sinh ra, là nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ ta được sinh ra. Là quê cha, là đất mẹ, là đất tổ, là tổ quốc, là quê hương ta. Tất cả gắn liền với máu thịt, là sinh mệnh của mỗi chúng ta trong cùng một mạch máu.
Người nhạc sĩ đem hình ảnh người mẹ cao quý ghép vào mảnh đất này để gọi tên quê hương, để truyền đạt thông điệp mẹ và đất là một, là duy nhất, là quý giá nhất. Để kêu gọi mỗi người trong chúng ta phải có tinh thần, trách nhiệm của kiếp con người thì phải yêu, phải quý, phải trân trọng và bảo vệ, gìn giữ điều quý giá ấy. Đứng trước tình cảnh của đất mẹ đang bị đe dọa thì là một người con, không thể đứng nhìn, phải góp sức, góp lòng để “Mong một ngày mai chan hòa đất mẹ niềm vui”
Hò ơi ơi à à ơi
Mẹ thương con ra cầu ái tử
Vợ trông chồng lên núi vọng phu.
Chiều chiều, chiều chiều trông về biên khu
Lòng căm hờn oán quân thù
Ơi à à ơi ơi à ơi.
Tiếng hò thân thương nhưng nghe sao ai oán. Tình cảm của người mẹ nơi quê nhà một lòng hướng đến chồng, đến con nơi biên khu, ngày ngày mong ngóng họ trở về. Đồng thời nói lên lòng oán hận, sự căm hờn quân thù đã gieo nên nỗi lầm than, để vợ xa chồng, mẹ xa con, gia đình chịu cảnh ly tan.
Chiều nay lối về đất mẹ là đây
Đường xưa còn ấp ủ bóng trăng gầy
Có nghe đêm trường tiếng ru hời
Có nghe đêm trường tiếng ai cười
Suối lệ đoàn viên giữa lòng đất mẹ triền miên.
Kết thúc bài hát là niềm hi vọng, khát khao chiến thắng trở về. Người nhạc sĩ vẽ nên một bức tranh của lối về đất mẹ là đây, trên con đường xưa vẫn còn đó bóng trăng gầy, có tiếng ru hời của mẹ cho con giấc ngủ bình yên vang trong đêm dài, có tiếng ai cười vang trong đêm sum quầy, có suối lệ đoàn viên giữa lòng đất mẹ. Có tiếng khóc, nụ cười cho bao ngày gian khổ, cho bao ngày chia xa..
Lưu Hương.