Tôi có người yêu tuổi ngọc vừa tròn
Vì chinh chiến ngược xuôi ít về để hẹn hò
Nơi phố cũ bây giờ em có còn
Nhìn hoa rơi cuối đường
Rồi buồn riêng cho mình không?
Thương quá là thương kỷ niệm thật nhiều
Và yêu quá là yêu áo đẹp chiều hẹn hò
Phương đó nếu bây giờ mưa gió nhiều
Đường trơn chân gót nhỏ
Cậy nhờ ai đón đưa về?
Đọc thư em hay hờn hay dỗi
Trách tôi yêu tay sú.ng hơn nàng
Tại sao yêu sa trường hiểm nguy
Hơn phố phường với bao chiều lang thang.
Xa quá người ơi kỷ niệm ngọc ngà
Vòng tay ấm bờ môi mắt nhìn thật đậm đà
Nhưng thép sú.ng tay còn say má.u thù
Hẹn em khi khắp trời nở đầy hoa có tôi về.
Ca khúc “Lính Xa Nhà” được hai nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân hợp soạn sáng tác và lấy bút danh chung là Trịnh Lâm Ngân. Bài hát ra đời vào khoảng những năm 66 – 67, nói về mối tình của những người lính thuở đó với các em gái hậu phương. Ca khúc sớm được giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt, bởi vì ca từ rất gần gũi và dễ thương, tạo cảm giác bồi hồi xúc động cho người nghe.
Bài hát là câu chuyện của người lính xa nhà trong thời chiến chinh, mặc cho gian khó, hiểm nguy có kề cận cũng không màn nhưng vẫn một lòng nhung nhớ người yêu nơi hậu tuyến. Tình yêu người lính luôn trong tình cảnh gian khó, nhưng lại là tình yêu đẹp hơn bao giờ hết. Đó là tình cảm không hào nhoáng hay phô trương mà thật bình dị và đậm sâu đủ để tình yêu đôi lứa nơi hậu tuyến và nơi chiến tuyến chờ đợi, gắn kết với nhau.
Mặc cho cuộc chiến có như thế nào thì người lính ấy vẫn luôn mong nhớ và lo lắng cho người yêu nơi quê nhà, không biết người con gái mình yêu có còn “Nhìn hoa rơi cuối đường/ Rồi buồn riêng cho mình không” hay “Phương đó nếu bây giờ mưa gió nhiều/ Đường trơn chân gót nhỏ/ Cậy nhờ ai đón đưa về”. Và đôi khi từ nơi sa trường nhận được những dòng thư hờn dỗi từ em trách tôi yêu sa trường hơn những chiều lang thang bên nàng, chắc có lẽ người lính ấy chỉ mong người mình yêu hiểu cho nỗi lòng của mình mà thôi, làm trai không thể đứng ngoài thế cuộc của đất nước, người lính đang bảo vệ đất nước cũng là đang bảo vệ người mình yêu.
“Xa quá người ơi kỷ niệm ngọc ngà/ Vòng tay ấm bờ môi mắt nhìn thật đậm đà ….”. Người nghe có thể cảm nhận được tình yêu của người lính thời ấy luôn cao thượng và cả sự hy sinh. Tình yêu em và tình yêu đất nước đều tồn tại trong anh. Nhưng, giặc thù còn hung bạo và tàn ác, dân ta chịu cảnh gian khổ, đau thương trong khói lửa, đất nước ta còn bị đe dọa thì chí khí người trai thúc giục anh lên đường chống giặc. Tình em trong anh và đất nước trên vai anh, dẫu rằng xa nhau thì nhung nhớ, nhưng chỉ biết “hẹn em khi khắp trời nở đầy hoa có tôi về” đó là lúc đất nước chung một niềm vui, ngày thắng trận anh sẽ về với em.
Trường Giang.