Từ ngày xa đất Tiền Giang
Em theo anh về xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu mà như sáo thổi
Đĩa lềnh tựa bánh canh
Em yêu anh nên đành xa xứ
Xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau.
Gió lao xao thổi vào mái lá
Như ru tình cô gái Tiền Giang
Yêu quê hương thương miền cổ cựu
Vấn vương tình đất tổ quê cha
Đêm đêm ra đứng hàng ba
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.
À ơi ! bông bần rụng trắng bờ sông
Lấy chồng xa xứ khó mong ngày về
Xa xưa con ở dựa kề
Bên ba mà bên má vỗ về ca dao.
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu mà vượn hú biết nhà má đâu
Sương khuya ướt đẫm giàn bầu
Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai.
“Em Về Miệt Thứ” là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hà Phương sau năm 1975. Bài hát được nhạc sĩ viết về nỗi lòng của một người bạn khi lấy chồng về miệt thứ. Trong một lần có dịp về xứ Cà Mau, ông ghé thăm người bạn cũ, và cảm tác viết nên ca khúc này.
Bài hát là tình cảnh của người con gái đất Tiền Giang vì tình yêu mà đành xa xứ, để theo chồng về miệt thứ Cà Mau. Ở đó “muỗi kêu mà như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh” như một đặc trưng của vùng đất ấy khi những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò vì rất nhiều muỗi, khó khăn, khổ cực trăm bề lại thêm xa xôi cách trở. Dẫu biết là vậy nhưng người con gái không ngại gian khó, vì yêu mà chấp nhận tất cả theo chồng về miệt thứ. Nhạc sĩ cho ta thấy một hình ảnh rất đẹp về người con gái Việt Nam.
Xa xứ để được hạnh phúc trọn vẹn với tình yêu, nhưng rồi người con gái ấy làm sao tránh khỏi được cảm giác mong ngóng, nhớ nhung quê nhà, nhớ nơi mình được sinh ra, nhớ ba nhớ má mà “đêm đêm ra đứng hàng ba, trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn”. Đã qua rồi những ngày tháng được gần kề bên ba bên má, được vỗ về yêu thương, mà giờ đây chỉ còn là nỗi buồn và nỗi nhớ da diết mà thôi vì nay biết tìm đâu của những ngày xưa, ngày chưa xa xứ.
Chỉ có những ai lấy chồng xa mới thấu hết cái nỗi nhớ nhung, thấu hết cái nỗi buồn khi phải rời xa thật xa nơi mình sinh ra, rời xa vòng tay của ba của má. Để rồi càng thấu thêm lời ru của má cho con ngày còn bé “má ơi đừng gả con xa, chim kêu mà vượng hú biết nhà má đâu”. Buồn lắm, xót xa lắm cho kiếp chồng xa vì nay con đã không biết đâu là ngày về, dù nhớ nhà, nhớ ba nhớ má đấy nhưng… vẫn là chuỗi dài của nỗi mong nhớ mà thôi vì “lấy chồng xa xứ khó mong ngày về”.
Bên cạnh đó, ta thấy nhạc sĩ Hà Phương luôn đưa những thứ đơn giản “à ơi bông bần rụng trắng bờ sông” như vậy vào ca khúc của mình, không chỉ cho người nghe có cảm giác gần gũi, mộc mạc mà còn tác động trực tiếp vào cảm xúc của những người con xa xứ. Hình ảnh của quê hương mà ta từng gắn bó và nhớ sao hai tiếng “à ơi” lời ru của mẹ, của đất tổ quê nhà mà lòng nức nở nghẹn ngào.
Mỹ Hương.