Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao.
Vui thú không quên học đâu, nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo, em đánh vần thật mau.
Chiều vương tiếng diều, trên bờ đê vắng xa
Đường về xóm nhà, chữ i, chữ tờ.
Lùa trâu nhốt chuồng, gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp nóng, ngon hơn là vàng.
Em mới lên năm, lên mười, nhưng em không yếu đuối
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ, làm việc rất say sưa.
Em biết yêu thương đời trai, đời hùng anh chiến sỹ
Ước mong sao em lớn lên mau, vươn sức mạnh cần lao.
Kìa trăng sáng ngời, đêm rằm trung, trung thu
Đời vui trống ròn, tiếng ca lẫy lừng.
Từ ngõ ngách làng, đèn đuốc rước triền miên
Bao người đóng góp, vui chung một miền.
Trâu hỡi trâu ơi đi cầy, trâu ơi đi cấy nhé
Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia, là của những dân quê.
Em bé dân quê việt nam, là mầm non tươi thắm
Sức mai sau xây đắp quê hương, cho nước giầu mạnh hơn.
Vàng lên cánh đồng, khi trời vươn ánh dương
Trẻ thơ lớn dậy, giữ quê, giữ vườn.
Đời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy đồng.
Bài Em Bé Quê, một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Đây là tiền thân của thể loại bé ca sau này, những huyền thoại Tuổi Thơ, nhạc sĩ Phạm Duy lúc nào cũng chỉ muốn nhắc nhở tới sự trinh trắng rất cần thiết cho con người, đang phải sống liên miên trong một xã hội thời ấy điên đảo vì chiến tranh và thù hận :
Vàng lên cánh đồng, khi trời vươn ánh dương
Trẻ thơ lớn dậy giữ quê, giữ vườn
Đời vui thái bình, cây lúa trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức trâu ăn đầy đồng…
Trích lời của nhạc sĩ Phạm Duy xin gửi đến cho quý vị như sau :
Trong ấn phẩm do nhà xuất bản TINH HOA phát hành vào năm 1954, tôi có đề tựa như sau:
1.- BÀ MẸ QUÊ tượng trưng cho lòng hi sinh, chí kiên nhẫn, tình thương yêu và biểu tượng cho dĩ vãng;
2.- VỢ CHỒNG QUÊ tượng trưng cho tình yêu trong sạch, sức làm việc, niềm hạnh phúc chỉ dành cho những kiếp người lành mạnh, biểu tượng hiện tại;
3.- EM BÉ QUÊ là mầm non lớn mạnh, kiến thiết xã hội, biểu tượng tương lai.
Thái Salem Tổng Hợp.