“Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím
Nghe gió êm qua trái tim từng hoàng hôn
Anh chỉ muốn duyên tình hai chúng ta
Như ánh sao cao vút cao xa trần gian.
Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím
Gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu
Xin không thiếu trăng vàng trên áo em
Khi sánh sao trời đầy mắt người yêu.
Anh từ lửa khói quê hương
Đường hun hút biên cương
Một mình ngắm trăng suông.
Em về bên ấy thương mong
Từng chiều rớt bên sông
Anh biết em mơ gì không?
Anh biết em, em mơ về nơi chân trời tím
Nghe đáy tim mơ ước khi ta tròn đôi
Nhưng anh biết muôn đời muôn kiếp sau
Anh với em không hề đến gần nhau.”
Với riêng tôi, ‘chân trời tím’ là một nơi mà ai ai trong chúng ta cũng đã từng, đang và có thể sẽ luôn ấp ủ, ao ước, nhớ về và chôn giấu sâu thật vào lòng. Mỗi một chân trời tím lại có câu chuyên riêng của chính nó. Nơi mà chỉ riêng ta và ai đó cùng ước hẹn, nơi để thương nhớ cho những niềm yêu bất thành, nơi để an ủi con tim đã chai sần mỏi mệt sau bao giông tố và thăng trầm của cuộc đời.
Nơi mà khi nhớ đến, ta có thể sẽ mỉm cười và cũng có thể rơi nước mắt trong lặng thầm… Một màu tím buồn…
“Những anh biết muôn đời muôn kiếp sau
Anh với Em không thể đến gần nhau…”
Nhắc đến tác phẩm ‘CHÂN TRỜI TÍM’, không biết mọi người sẽ nghĩ đến điều gì, một câu chuyện, một bài hát, hay một bộ phim?
Có lẽ đa số lớp người trẻ thường biết nhiều đến nhạc phẩm ‘CHÂN TRỜI TÍM’ của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Tuy nhiên, trong câu trả lời của phần lớn những người thuộc thế hệ đi trước, ngoài bài hát ‘Chân trời tím’, sẽ có thêm tiểu thuyết ‘Chân trời tím’ và bộ phim ‘Chân trời tím’.
Nhà văn Duy Quang (tên thật Nguyễn Quang Tuyến, sinh ra ở Thái Bình năm 1933) Ông sáng tác khoảng hai mươi tác phẩm, có bốn tiểu thuyết được chọn dựng phim. “CHÂN TRỜI TÍM” được viết năm 1964, tổng cộng 17 chương và 1 chương kết, là một trong bốn tiểu thuyết được dựng phim vào khoảng cuối năm 1969 với kinh phí khá cao thời bấy giờ.
Cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa (1933-2012) – người được nhắc đến nhiều trên báo chí với tiêu đề ‘Đạo diễn của “Ván Bài Lật Ngửa” qua đời’ với sự tiếc thương vào ngày 30/07/2012 – cũng chính là đạo diễn của bộ phim cinemacope đầu tiên và rất nổi tiếng trước năm 1975 này.
Ngay khi đọc được tiểu thuyết này, cố ca nhạc sĩ Nhật Trường đã có cảm hứng để sáng tác nhạc phẩm cùng tên ‘CHÂN TRỜI TÍM’ năm 1967 nhưng đây lại không phải là nhạc phim chính cho bộ phim cùng tên. Chung quy lại, để mọi người dễ nhớ hơn:
– 1964, nhà văn Văn Quang sáng tác tiểu thuyết ‘Chân Trời Tím’.
– 1967, cố ca nhạc sĩ Nhật Trường sáng tác nhạc phẩm ‘Chân Trời Tím’ dưới tên Anh Chương – Nguyễn Văn Hạnh.
– 1969, cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng êkip thực hiện cảnh quay đầu tiên cho bộ phim ‘Chân Trời Tím’.
Sau đây là đoạn tâm sự ngắn của nhà văn Văn Quang về nhạc phẩm ‘CHÂN TRỜI TÍM’ của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường mà chúng tôi đã thu thập được:
“Trong số những ca khúc của anh (Trần Thiện Thanh) có “Chân trời tím,” anh làm ngay sau khi đọc truyện dài đó của tôi và tôi nhớ không lầm thì người hát đầu tiên bài này là nữ danh ca Minh Hiếu và đó cũng là một ca khúc thành công nhất của cô. Nhưng tôi lại nhớ rất rõ là hồi đó, vào khoảng những năm 1966-1967, mỗi khi tôi đi cùng các bạn lên vũ trường Paramount hoặc Đại Nam của ông chủ Tú Vopco thì Minh Hiếu thường hát bài này. Nhật Trường còn cẩn thận ghi thêm cả một đoạn tôi để ngay trang đầu của truyện dài “Chân trời tím” và Minh Hiếu cũng không bao giờ quên đọc lời giữa ca khúc như một lời nhắn gửi cho một cuộc tình không bao giờ đến đích:
“Anh yêu những chân trời tím; màu tím thắm thiết của yêu thương, của hai đứa chúng mình đi vào tình yêu, đi vào kỷ niệm. Anh sẽ đưa em tới đó, anh sẽ sống bên em như màu tím và chân trời, nhưng anh biết không bao giờ chúng mình tới đó.”
Nghe như tiếng thở dài của những người yêu nhau nhưng lại biết chắc rằng tất cả chỉ là vô vọng. Họ gặp nhau quá muộn hoặc… có hàng ngàn lý do để họ không bao giờ được ở bên nhau. Một thời bản nhạc đó cũng đã vẫy vùng trong làng ca nhạc của miền Nam VN. Nhưng có nhiều người hỏi tại sao một bản nhạc hay như thế lại không phải là nhạc chính cho phim. Vì Trần Thiện Thanh không bán ca khúc cho hãng phim hay vì một lý do nào khác?
Khi Trần Thiện Thanh cho trình làng bản nhạc đó thì chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện làm phim “Chân trời tím.” Một hai năm sau, hãng phim Liên Ảnh mới được ông Tổng giám đốc Quốc Phong tập hợp lại để làm phim. Bản nhạc của Trần Thiện Thanh ra đời được mấy năm nên đã trở thành cũ. Trong khi Liên Ảnh có tới 7 ông chủ hãng phim nên mỗi người một ý, nhiều ông muốn có một bản nhạc mới cho cuốn phim CinemaScope đầu tiên ở VN. Vì thế nên họ quyết định nhờ Phạm Đình Chương làm nhạc chính cho phim. Bởi vậy mới có chuyện tréo ngoe là bản nhạc Chân Trời Tím thì không phải là nhạc chính cho phim, thay vào đó là “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương với câu mở đầu “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ thương chất ngất…”
Tôi cho rằng Hoài Bắc cũng gửi tâm sự thật sâu kín nhất của mình vào ca khúc đó.
Với tôi, cả hai bản nhạc đều có giá trị rất riêng nhưng cùng một tâm sự và đều xứng đáng là nhạc chính của phim. Tuy nhiên, nếu tôi có toàn quyền chọn ca khúc cho phim thì tôi chọn “Chân trời tím” của Trần Thiện Thanh và người trình bày ca khúc là Minh Hiếu. Bởi dù sao bản nhạc đó cũng đánh dấu thời kỳ ra mắt của cuốn truyện và nó cũng đã góp phần vào việc làm cho cuốn truyện được nhiều người biết đến và nhắc đến hơn. Nhưng tôi không có quyền hành gì trong việc lựa chọn này. Tất nhiên nói như thế không phải không thích nhạc Phạm Đình Chương mà thật ra tôi “mê” nhạc của Chương hơn cả nhiều ca khúc tiền chiến khác.”
Bài viết có tham khảo nhiều nguồn tư liệu xưa và nay. Xin chân thành cảm ơn những ai đã thực hiện phỏng vấn và đăng tải các nguồn thông tin quý báu đó.