Mưa khóc thương ai, mưa rơi nức nở lòng tôi tê tái
Mưa khóc thương ai, mưa rơi âm thầm gọi ai giữa đêm
Mưa khóc thương ai, có phải mưa khóc nhân loại
Đang chìm vào trong vũng sâu, không biết nơi đâu là bến.
Mưa khóc thương ai, mưa rơi từng giọt lòng tôi đau đớn
Mưa khóc thương ai, hay khóc nước mình còn đang chiến chinh
Mưa khóc thương ai, ai còn gieo oán gieo sầu
Máu đầu còn vòng khăn sô, ai biết ra sao tình người.
Tiếng mưa rơi ngoài hiên, như khóc thương ai lầm than
Tiếng mưa rơi triền miên, thương cánh chim non lìa đàn.
Ai nỡ đan tâm chia non nước này thành ra đôi ngã
Nghe tiếng mưa khuya, mưa rơi nức nở lòng tôi xót xa
Mong đến mai đây không còn ngăn cách đôi bờ
Để người người thôi ghét nhau
Để tiếng mưa không ngậm ngùi.
“Giọt Mưa Khuya”, một sáng tác nổi tiếng trước 1975 của nhạc sĩ Thăng Long, được ca sĩ Khánh Ly thu âm đầu tiền. Tuy nhiên sau này, ca khúc đã bị thất truyền và ít thấy thu thanh nữa. Bài hát được nhạc sĩ viết theo tiết tấu độc đáo của điệu Tango âm ỉ, nhen nhúm rồi bập bùng ngây ngất. Nội dung bài hát là tâm tình của người dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong thời chinh chiến, đêm khuya nghe tiếng mưa như là tiếng khóc thương của hàng triệu con người Việt Nam đang sống trong cảnh đau thương, chết chóc, chia cắt của chiến tranh. Để khao khát một ngày thanh bình không xa về trên quê hương, để cùng quên đi thù hận mà xây dựng lại đất nước tươi đẹp hơn.
Ngược trở về quá khứ khi “ai nỡ đan tâm chia non nước này thành ra đôi ngã”, đó là hành trình kéo dài đau khổ, tan thương và chết chóc khi hai miền Bắc – Nam bị chia cắt sau Hiệp định Geneve năm 1945. Cuộc phân ly mà dân ta cứ ngỡ rằng chỉ kéo dài trong 2 năm, nhưng không niềm đau thương ấy đã kéo dài tận 21 năm nồi da xáo thịt, dân chúng sống trong bom đạn, khói lửa
Tác giả đã sử dụng hình ảnh của cơn mưa và màn đêm, để khắc họa nên tâm trạng chung của bao người con Việt Nam đang sống trong cảnh lầm than của binh đau thời ấy. “Mưa khóc thương ai”, được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong bài hát, như mưa cũng đang thấy và cũng đang khóc thương cho cảnh phân ly này mà “mưa khóc nhân loại, khóc nước mình còn đang chiến chinh”. Và như thể tiếng mưa là tiếng khóc thương, là giọt nước mắt của bao người dân đang quặn thắt nỗi đau trước tình cảnh của đất nước “đang chìm vào trong vũng sâu, không biết nơi đâu là bến”.
Nhạc sĩ Thăng Long đã ví “tiếng mưa rơi ngoài hiên, tiếng mưa rơi triền miên” kia như “mưa rơi từng giọt lòng tôi đau đớn, mưa rơi nức nở lòng tôi xót xa” để khóc thương cho số phận, cho kiếp người, cho nhân tình thế thái. Và trách sao cùng chung số kiếp con người nhưng sao “ai còn gieo oán gieo sầu, máu đầu còn vòng khăn sô, ai biết ra sao tình người”. Người với người cớ sao quen với thói đời gieo nỗi đau thương cho nhau.
Và rồi sau cơn mưa trời lại sáng, như “mong đến mai đây không còn ngăn cách đôi bờ”, chia cắt rồi sum họp Bắc – Nam một nhà, “để người người thôi ghét nhau, để tiếng mưa không ngậm ngùi”. Là niềm mong ước của tác giả, của bao người con nước Việt, không binh đau, sống trong bình yên để người với người chan hòa tình thương và để tiếng mưa nghe không còn khóc thương như thể lòng ta đã khóc.
Lưu Hà.