Tôi với nàng, hai đứa nguyện yêu nhau
Tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu
Để giao ước tôi trao nàng nhẫn cưới
Em cũng tặng tôi khăn hồng thêu cành hoa mai.
Tôi vốn nghèo, em cũng chẳng cao sang
Tay trắng cùng nhau hai đứa dệt mộng vàng
Ngày hôn lễ, em không đòi châu báu
Chỉ ước một đôi áo thêu để nhớ duyên đầu
Ngờ đâu, giây đứt lìa đàn
Nụ hoa chưa thắm vội tàn
Chưa vui, đã sầu chia phôi
Vội đi bỏ đôi áo mới, ai mặc bây giờ em ơi ?
Tôi thẫn thờ, nghe tiếng hàng thông reo
Thương quá là thương khi nắng ngã về chiều
Nhìn đôi áo tôi thương về dĩ vãng
Nhưng vẫn còn trông thấy em mặc lễ tơ hồng.
“Áo Em Chưa Mặc Một Lần” là bài hát trữ tình nhẹ nhàng sâu lắng, được sáng tác năm 1971 bởi Hoài Linh, một người nhạc sĩ tài hoa. Giai điệu lời bài hát mang tới cho người nghe nhạc những cảm xúc vô cùng lắng đọng. Đó là một câu chuyện tình đầy lãng mạn nhưng cũng rất bi thương, chàng và nàng yêu nhau tha thiết, tuy nghèo họ vẫn nguyện cùng nhau dệt mộng vàng nhưng cuối cùng nàng đã vĩnh viễn rời xa chàng, để lại cặp áo cưới mà nàng sẽ không được mặc nữa. Đây là một số ít bài hát có kết thúc buồn mà nhạc sĩ Hoài Linh đã viết.
“Tôi với nàng, hai đứa nguyện yêu nhau
Tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu
Để giao ước tôi trao nàng nhẫn cưới
Em cũng tặng tôi khăn hồng thêu cành hoa mai”.
Lời nguyện yêu thương của chàng và nàng là một giao ước tình yêu với một lòng chung thủy sắt son, mãi mãi vững bền không phôi phai mà cả hai dành cho nhau. Ở lời nguyện ước đó, là sự yêu thương gắn bó, hi sinh vì nhau và phải đồng cảm cộng khổ cùng nhau. Để cùng vung đắp cho tình yêu dài lâu, đến ngày ngón tay gầy đi, tóc cũng bạc màu vẫn nguyện một đời yêu nhau. Vì lẽ đó, ta cũng không thể nào cân, đo, đong, đếm được, tất cả nằm ở trái tim một lòng hướng về nhau của hai người. Để minh chứng cho lời giao ước, minh chứng cho tình yêu chàng trao nàng chiếc nhẫn cưới, nàng tặng chàng chiếc khăn thêu để làm kỷ vật định tình cho nhau.
“Tôi vốn nghèo, em cũng chẳng cao sang
Tay trắng cùng nhau hai đứa dệt mộng vàng
Ngày hôn lễ, em không đòi châu báu
Chỉ ước một đôi áo thêu để nhớ duyên đầu”.
Tình yêu thực sự là khi hai người dù nghèo khó, cơ hàn nhất vẫn muốn bên nhau, nguyện ý nắm tay nhau đến cuối cuộc đời, không một lời thở than hay trách móc. Giữa cuộc đời dài rộng, ta vẫn bắt gặp được tình yêu bình dị, đẹp đẽ giữa đời thường và chân tình vì nhau như vậy. Hai người bên nhau vì cảm giác của hai trái tim, vì sự hòa hợp, sự cảm thông chứ không màn đến vẻ bề ngoài, hay vì tiền tài, vật chất giàu sang. Trong ngày cưới nàng chỉ ước một đôi áo thêu để lưu nhớ cho tình đầu của mình. Khi ta yêu ai đó thật lòng thì cho dù gia cảnh của họ có thế nào, chúng ta cũng cam tâm, nguyện ý chấp nhận để rồi cùng nhau thay đổi và cùng nhau gây dựng mọi thứ từ đôi bàn tay trắng ấy.
“Ngờ đâu, giây đứt lìa đàn
Nụ hoa chưa thắm vội tàn
Chưa vui, đã sầu chia phôi
Vội đi bỏ đôi áo mới, ai mặc bây giờ em ơi ?”.
Nhưng nào ngờ đâu, cuộc sống khó nói không ai biết được chuyện sau này, niềm vui vừa mới ngỏ, hạnh phúc vừa mới chạm, thì đôi áo cưới đã chưa kịp mặc, tình ta đã vội chia lìa. Đau đớn nào bằng đôi áo cưới thêu dành cho em để “ai mặc bây giờ em ơi?”. Hạnh phúc đã ngỡ trong tầm với, nhưng ai nào có ngờ nay đã không còn tới vì mãi không có em trong đời. Một nỗi buồn sâu thẳm, làm ta nhói trái tim đau.
“Tôi thẫn thờ, nghe tiếng hàng thông reo
Thương quá là thương khi nắng ngã về chiều
Nhìn đôi áo tôi thương về dĩ vãng
Nhưng vẫn còn trông thấy em mặc lễ tơ hồng”.
Có cuộc chia ly nào mà không xót xa, không để lại một niềm đau khổ cho người ở lại. Hình ảnh ngồi thẩn thờ nhìn về xa xăm, nhìn kỷ vật mà nhớ về quá khứ có ai mà không chua xót. Cứ ngỡ đôi ta nên duyên nên nợ nhưng bây giờ tất cả chỉ còn là ký ức, là kỷ niệm để mỗi khi ta nhớ về chuyện dĩ vãng mà tìm lại bóng dáng người xưa. Bởi vì anh chỉ có thể nhìn em mặc lễ tơ hồng với ai khác không phải là anh.
Ca khúc tạo một cảm giác xúc động cho người nghe vì một chuyện tình lãng mạn, một tình yêu đẹp mà hai người đã nguyện yêu, tha thiết được ở bên nhau nhưng đã vội chia cắt tình duyên.
Lưu Hương.