“Trời thu mưa bay bay, mà lòng ai như say
Hoa lá rơi đầy, từng giọt mưa rơi rơi
Hòa nhịp tim chơi vơi, gió cuốn mây trôi
Ai đi ngoài mưa…
Ngậm ngùi nghe mưa rơi, giọng hò ai buông lơi
Chan chứa u hoài, lệ sầu ai hoen mi
Lạnh lùng nhịp chân đi, tiếc nhớ thương chi
Lướt đi ngoài trời, gió mưa tơi bời…
Ai đi ngoài sương gió tả tơi chớ buồn vì mưa
Ai đi ngoài sương gió chớ nức nở nhạc sầu
Ai đi ngoài sương gió hỡi ai trôi nổi niềm đau
Ai ơi mộng tàn xưa không vương lụy thời gian.
Ngoài trời mưa rơi rơi, mà hồn ai chơi vơi
Sao nhớ nhung hoài, từng giọt mưa rơi rơi
Là lời ca xa xôi, thắm thiết thương ai
Lướt đi ngoài mưa.
Dù trời còn mưa rơi, đừng buồn lòng ai ơi
Ta vẫn tươi cười, rồi ngày trời thôi mưa
Đời lại đẹp như thơ, quyến luyến trong mơ
Ấm êm tâm hồn, hát câu yêu đời.”
AI ĐI NGOÀI SƯƠNG GIÓ là một nhạc phẩm buồn du dương như một lời tâm tình cho chính mình như bài báo có nói: “Khi vẽ nên hình ảnh người đi ngoài sương gió trong nhạc phẩm trên, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đã ngầm ví đó chính là mình – người đang bươn chải trên con đường cầm ca, bị gió mưa dập tơi bời…” Tuy nhiên, kết thúc bài hát vẫn là một niềm tin hi vọng vào một mai ngày mưa thôi rơi:
“Dù trời còn mưa rơi đừng buồn lòng ai ơi
Ta vẫn tươi cười rồi ngày trời thôi mưa
Đời lại đẹp như thơ quyến luyến trong mơ
Ấm êm tâm hồn hát câu yêu đời.”
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng có một sáng tác cùng tên Ai Đi Ngoài Sương Gió, có dịp Nhạc Vàng sẽ mạn phép giới thiệu lần nữa với quý vị yêu nhạc.
XIN GIỚI THIỆU ĐÔI CHÚT VỀ NHẠC SĨ NGUYỄN HỮU THIẾT VÀ VỢ – CA SĨ NGỌC CẨM
Nói về những đôi song ca nổi tiếng của làng ca nhạc Việt Nam thì trước hết phải kể đến đôi song ca Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm bởi họ không chỉ tỏa sáng rực rỡ bằng tài năng mà đức độ và lòng chung thủy của họ cũng đáng được ngưỡng mộ.
– Hát những bài hát yêu nước giữa Sài Gòn –
Khoảng đầu thập niên 1950, khi các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn còn đang thịnh hành kiểu hát phụ diễn (hát trước giờ chiếu phim) thì có một đôi uyên ương từ Huế vào và ngay lập tức tạo nên sự “bùng nổ” trên sân khấu.
Chàng vóc người cao dong dỏng, ôm guitar thùng và chất giọng trầm ấm thiên phú hòa vào tiếng hát lảnh lót, thoảng nhẹ như gió của nàng. Làng giải trí Sài Gòn xôn xao bởi họ không hát nhạc Tây (lời Pháp hoặc đặt lời Việt) như nhiều ca sĩ bấy giờ mà dân Sài Gòn lần đầu tiên nghe được những bài hát yêu nước do chính người Việt sáng tác. Đó là những Lời người ra đi, Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Bà mẹ quê, Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy), Có một đàn chim (Phan Huỳnh Điểu)… và cả những ca khúc trữ tình, thấm đẫm phong vị làng quê như Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu (Hoàng Thi Thơ)…
Thời ấy, báo chí Pháp ngữ và Việt ngữ ở Sài Gòn hầu như ngày nào cũng viết bài, đăng ảnh của đôi uyên ương này. Rồi những hãng đĩa ghi âm vào cuộc. Chỉ tính 2 ca khúc Gạo trắng trăng thanh và Trăng rụng xuống cầu do hãng đĩa Asia phát hành trên khắp Đông Dương đã bán được hàng triệu đĩa (con số này vẫn là kỷ lục cho đến nay). Đến nỗi một hãng ghi âm khác đã đề nghị tặng Nguyễn Hữu Thiết chiếc xe hơi Consul mới cáu để ông chuyển qua ghi âm cho hãng này.
Nguyễn Hữu Thiết (sinh năm 1927, có tài liệu ghi năm 1928, mất năm 2002) tại Phan Thiết (quê gốc Triệu Phong, Quảng Trị). Từ nhỏ đã có năng khiếu ca hát, nên khi theo học bậc trung học ở Huế và được bà giáo sư âm nhạc người Pháp tận tình dạy bảo ông rất vững về nhạc lý. Khi Cách mạng Tháng 8 bùng nổ thì Nguyễn Hữu Thiết đang theo học ban Tú tài, ông bỏ học ôm đàn cùng bạn bè (Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Bùi Công Kỳ…) tham gia phong trào văn nghệ yêu nước ở Huế. Khi chiến tranh lan đến Huế, Nguyễn Hữu Thiết đã cùng nhóm bạn bè văn nghệ này kéo nhau lên chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục phục vụ kháng chiến. Chính tại đây, ông gặp lại cô ca sĩ Ngọc Cẩm (sinh năm 1931, quê Phú Vang, Huế) mà trước đây họ đã từng mến mộ nhau trong những ngày tháng sinh hoạt văn nghệ ở Huế. Họ chính thức kết hôn vào năm 1948, lễ cưới diễn ra ngay trong chiến khu. Tuy nhiên, đến cuối năm 1953 do sức khỏe của Ngọc Cẩm không cho phép theo đuổi cuộc kháng chiến trường kỳ nên cấp trên đã cho phép vợ chồng họ được trở về hoạt động ở Liên khu 4. Đầu năm 1954, họ trở về Huế.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát, Nguyễn Hữu Thiết còn là một nhạc sĩ sáng tác tài hoa.Từ tác phẩm đầu tay Đợi con về (viết năm 1946), cho đến nhạc phẩm cuối cùng Anh Nhớ về thăm mẹ (2002) là một quãng thời gian hơn nửa thế kỷ miệt mài lao động nghệ thuật, với những ca khúc đã trở nên quen thuộc và được công chúng ưa thích như: Chàng là ai?, Nàng là ai?, Ai đi ngoài sương gió, Gởi người tôi yêu, Giọt mưa chiều hay nước mắt em?, Tìm mãi thương yêu, Tình trao xuân nữ, Mưa chiều nhớ nhau…
Những ngày ở Huế, đôi uyên ương Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm lao vào khổ luyện, quyết tâm tạo cho mình một phong cách song ca thật độc đáo. “Gia tài” quý hiếm của họ chính là những ca khúc yêu nước mà trước đây đã từng theo họ rong ruổi trên bước đường phục vụ chiến đấu. Các ca khúc này được họ thổi vào những vùng tạm chiếm như một luồng gió mới và được công chúng say sưa đón nhận. Tuy nhiên, mảnh đất Thần kinh vốn chật hẹp, hầu như không đủ chỗ để đôi uyên ương này vẫy vùng, múa hót và thế là họ đưa nhau vào Sài Gòn. Và như đã kể ở trên, người Sài Gòn đã đón nhận họ một cách nồng nhiệt.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người cùng hoạt động văn nghệ ở khu bốn với Nguyễn Hữu Thiết, nhớ lại: “Lúc ấy, hầu như ai cũng biết tiếng Nguyễn Hữu Thiết hát hay và có người yêu rất đẹp là Ngọc Cẩm”. Chất giọng ấm áp, nồng nàn của Nguyễn Hữu Thiết như một thứ chân mây dìu dặt nâng thanh âm trong vắt, thoảng nhẹ như gió của Ngọc Cẩm lên tầng cao của cảm xúc mà nhạc phẩm Trăng rụng xuống cầu là một ví dụ.
Âm nhạc của Nguyễn Hữu Thiết cùng với phong cách song ca của họ nghe dân dã, gần gũi và đầy hình tượng, dễ gợi lên trong ta hình ảnh thân thương của xóm làng miền quê, sông nước. Tiếng hát của họ quyện vào nhau từ khi còn son trẻ cho đến lúc có với nhau đến tám mặt con.
– Hiện tượng” Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm –
Trên sân khấu ca nhạc Sài Gòn vào nửa cuối thập niên 1950, có đến ba cặp uyên ương gồm: Mạnh Phát – Minh Diện, Châu Kỳ – Mộc Lan và Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm. Mỗi cặp đều có nét đặc sắc riêng, nhưng cặp Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm hoạt động “rầm rộ” hơn cả. Ngoài “hiện tượng” ghi âm hai bài hát Gạo trắng và Trăng rụng (thời đó, người mua thích gọi tắt như vậy), còn có sự ra đời của Ban dân ca Nguyễn Hữu Thiết (Ban Hương Giang) hát ở đài phát thanh với sự cộng tác của nhiều ca sĩ tài danh: Thái Thanh, Mai Hương, Thanh Thúy, Tuyết Hằng, Thanh Tuyền… Nhạc công có: Nghiêm Phú Phi (piano), Y Vân (contre bass), Nguyễn Hiền (flute), Đan Thọ, Nguyễn Quý Lãm, Đặng Văn Hiền (violon), Xuân Lôi, Xuân Tiên (saxo)…
Hoạt động âm nhạc của Nguyễn Hữu Thiết – Ngọc Cẩm không chỉ có “bề nổi” làm người ta chú ý mà chính sự chung thủy, bền bỉ sát cánh bên nhau của hai ông bà mới khiến cho công chúng quý trọng, nể phục. Tiếng hát của họ quyện vào nhau từ thời còn son trẻ cho đến lúc ông bước qua ngưỡng “cổ lai hy”, được người khác dìu lên sân khấu, ngồi vào chiếc ghế gỗ.
Ca sĩ Hồng Hạnh kể rằng khi chị lớn lên và bắt đầu nhận biết đã nghe người ta nói ba mẹ mình là “một đôi song ca… nhiều con!” Tối tối, ba mẹ chở nhau đi hát, chị em Hồng Hạnh ở nhà đứa lớn trông đứa nhỏ.Sáng ra, mẹ xách giỏ đi chợ lo cơm nước, ba vào góc nhà ôm đàn sáng tác. Có hôm mẹ than: “Nhà hết gạo làm sao đây?!”, ba liền ngồi vào bàn viết cấp tốc một bài đem đi bán. Cuộc sống gia đình của đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết suốt hơn nửa thế kỷ cứ êm ấm, hòa quyện một cách nhịp nhàng giữa nghệ thuật và đời thường và diễn ra tự nhiên, giản dị; gần gũi như hơi thở vậy.
Không “hợp, tan” như nhiều đôi uyên ương khác, đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết đã dìu nhau đi hết chặng đường nghệ thuật và cả trọn đường trần. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 31.10.2002 trong vòng tay của vợ con, thọ 75 tuổi.
[ Nguồn tư liệu: trích từ bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên ngày 13/02/2011; “Hồng Hạnh – Con gái và Cha” của nhà báo Cát Vũ đăng trên báo Người Lao Động ngày 9/9/2006.]