Nơi quê nhà có người em gái nhỏ trông chờ hay người thiếu phụ ngày ngày ôm con đợi chồng về. Hình tượng đó qua các câu truyện “Thiếu phụ Nam Xương” hay bài hát “Hòn Vọng Phu” cốt nói lên sự trông chờ mỏi mòn của người thân yêu ngóng tin người chinh phu từ chốn mịt mùng khói lửa… Đó là chuyện từ ngàn năm trước và dường như lịch sử luôn lập lại một câu chuyện.
Ngàn năm sau vẫn còn những cuộc chia ly vì chiến tranh nhưng với tiêu đề khác, tên gọi khác, ngôn ngữ cũng khang khác.. Không khác chăng là những giọt nước mắt và những cảm xúc của con người. Những lời tình tự nhắn gió gửi mây. Nỗi khát khao đợi chờ, trông ngóng đến ngày tao ngộ được trùng phùng cùng người thân yêu dấu. Điều đó không chỉ đến từ người lính chiến mà kể cả người nơi hậu phương cũng có cùng tâm trạng. Tiền tuyến và hậu phương có chung một ước nguyện thầm kín.
– Mong người đi yên lành ngày trở về bình an.
– Đợi đến ngày nghỉ phép, Anh và Em sẽ tay trong tay, môi tìm môi kết nụ hôn.
– Về thăm Mẹ. Con của Mẹ còn nguyên vẹn hình hài…… Ôi thật khủng khiếp khi từng ngày từng giờ con người ta phải sống trong sự lo âu hồi hộp kinh khủng đó! Nơi phồn hoa đô thị… Một số người sống bên lề cuộc chiến vẫn đêm đêm phòng trà, vũ trường với những cuộc vui cho đến cuối giờ. Giờ giới nghiêm. Còi hụ đầu để báo trước, còi hụ sau là đã hết giờ đi rong ngoài đường. Ai về nhà nấy. Có lẽ vào thời khắc đó, người thành phố mới nhớ ra rằng mình đang sống trong chiến tranh.. Về nhà thôi kẻo bị ‘hốt’!
Có đáng trách chăng, những người thành phố sống ích kỷ, truy hoan qua những cuộc vui phù phiếm? Hay chăng nỗi sợ hãi với điều bất trắc thường trực vây quanh và cái sự bất lực hèn kém đó của con người như con đà điểu vùi đầu trong cát để tìm quên như không thấy – như không có chiến tranh hiện diện đâu đây?
Nhắc lại một thời chiến tranh không để công kích một ai mà cho thấy một miền Nam sống trong Tự Do thật sự không kềm kẹp hay bị nhồi sọ bởi các tín điều và cũng để tri ân những người chiến sĩ đã hy sinh trong gian lao để hậu phương được sống trong thanh bình hạnh phúc thật sự.
Trở lại với hậu phương thanh bình, khoảng đầu năm 70 người viết có dịp hát chung với nam danh ca Nhật Trường và Tứ ca nữ tại phòng trà Ritz của Jo Marcel. Nhạc Trần Thiện Thanh già trẻ bé lớn ai cũng thuộc, cũng biết. Giọng hát Nhật Trường tựa vỗ về như lời trần tình của người lính thủ thỉ cùng người yêu dấu, thì ai cũng rõ.. nhưng cái đậm nét khiến người nghe nhớ mãi và người viết khó quên về anh… đó không phải đơn thuần là giọng hát làm mềm lòng người nghe – cũng không phải là nhân dáng điển trai bắt mắt người nhìn ngắm mà là giọng nói ngọt ngào với những ngôn từ thật khiêm cung để nói với khán giả.
Trong cuộc nội chiến khốc liệt giữa hai miền Nam Bắc, cả hai phía đều có những luật lệ cấm cản người dân nghe thông tin từ bên kia chiến tuyến. Mặc luật pháp, miền Nam vẫn bắt được những tần sóng phát thanh từ miền Bắc thì ngược lại người miền Bắc cũng làm được điều đó, mặc dù trong lén lút. Điều gì càng cấm đoán thì cái ép phê ngược lại là chuyện phổ biến nhất.
Nhắc lại vào năm 2006, nhân ngày giỗ đầu của ca nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh. Trung tâm Asia đã phát hành video ca nhạc số 50 để tưởng niệm cố ca nhạc sĩ như một Lễ Truy điệu người Lính miền Nam. Điều không ngờ là số bán ra doanh thu vượt trội, từ Nam ra Bắc thiên hạ đi săn lùng cho bằng được cái sản phẩm bị cấm. Thế là một người mua, hai người mượn.. rồi cả xóm chuyền tay nhau xem cho bằng được cái sản phẩm đó.
Trở lại với phòng trà Ritz là nơi duy nhất danh ca Nhật Trường trình diễn vào đầu năm 70. Hằng đêm người viết háo hức chờ đến tiết mục Nhật Trường và Tứ ca. Nhóm ca này do anh thành lập thật xuất sắc từ nội dung đến hình thức đều mới lạ. Tứ ca Nhật Trường là một trong những tuyệt chiêu của anh.
Rất tiếc, Anh đã rời bỏ sân khấu phòng trà thật sớm, còn lại bốn cô gái đổi thành Tứ ca Bốn Phương, và từ đó không thấy anh xuất hiện trong bất cứ phòng trà nào. Đừng nói chi đến Vũ trường cho mất công, người ta chỉ còn thấy anh trên màn hình, có khi solo và thường thì song ca với ca sĩ Thanh Lan, làm thành một cặp “Em Hậu phương anh Tiền tuyến” hoà quyện rất đẹp đôi bắt mắt. Không dám khẳng định vì lý do nào mà anh rời bỏ phòng trà nhưng bạn đọc sẽ suy ra điều đó nhanh chóng thôi.
Phòng trà Queen Bee vào những năm 71-72 do Nhạc sĩ Ngọc Chánh điều hành gồm những tên tuổi thượng đẳng trong đó phải kể đến giọng hát vàng ròng Thái Thanh với Kỷ vật cho em (Phạm Duy) và Julie Quang với Tưởng như còn người yêu (Phạm Duy). Hai bài hát kể trên có nội dung phản chiến nên bị kiểm duyệt gắt. Đêm nào có người của ban văn hoá thông tin hiện diện là đêm đó chúng tôi không được hát những bài đại loại phản tuyên truyền, làm “mềm” lòng chiến sĩ.
Một tối kia, khi danh ca Thái Thanh đang hát bài “Kỷ vật cho em” đến giữa bài bỗng dưng không biết từ đâu tới 2 quả lựu đạn lăn tròn trên sân khấu làm mọi người thất kinh tìm chỗ nấp, cũng may đó là lựu đạn cay không gây tử vong thương tích nhưng đủ cho mọi người một trận khiếp vía, nước mắt nước mũi choàm ngoàm! Lúc đó người viết tự hỏi – vì sao lại có hành động trên? bắt mọi người phải khóc một trận nên thân? vì sao? mãi về sau có thêm nhiều tuổi đời, người viết mới tìm được câu trả lời tương đối cho câu hỏi trên, vì sao?
Chẳng vì sao cả, để trả lời vẫn là giả thuyết bởi không có ai có tư cách để trả lời thật chính xác ngoài những người từng khoác chinh y xông pha nơi chiến trận. Và để kết thúc bài viết tưởng niệm, nhớ đến anh – người trên ngôi Thần tượng của Lính, với Anh không chết đâu anh, Người ở lại Charlie v.v… như anh đã viết quả thật không sai, Anh không Chết đâu Anh và anh đã ở lại trong lịch sử âm nhạc Việt vào một thời chinh chiến. Mùa Xuân có đi qua nhưng “mùa Đông của anh” sẽ ở lại với hàng hàng lớp lớp thế hệ của ngày mai mãi nhớ đến anh, một Nhật Trường -Trần Thiện Thanh của Tình và Ý.
(trích bài Julie Quang trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 66 phát hành ngày thứ sáu 13 tháng 5 năm 2016)