Ly hôn vợ và sống một mình hơn mười năm, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân vẫn không nguôi mơ ước về một mái ấm có đầy đủ các thành viên trong gia đình.
Người dân trong con hẻm trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP HCM quen với hình ảnh một ông già sống âm thầm trong căn nhà nhỏ. Mỗi khi có việc đi chợ, đi viện hoặc buồn quá muốn lái xe chạy vòng vòng thành phố, ông mới ra khỏi nhà. Đó là nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân, tác giả nhiều tình khúc Bolero được ái mộ như Hái Hoa Rừng Cho Em, Bạc trắng lửa hồng, Những ngày hoa mộng, Xé thư tình…
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân bắt đầu cảnh sống cô đơn cách đây 15 năm, sau khi ly hôn vợ. Căn nhà ông đang ở chưa đầy 20 m2. Tầng trệt vừa là phòng khách, vừa là chỗ để xe và nhạc cụ. Không gian dành cho bếp và nhà vệ sinh liền kề vẻn vẹn chừng 5 m2. Nhạc sĩ ngủ trên gác lửng bên cạnh vô số sách, tài liệu cá nhân và những kỷ vật gia đình.
Trong căn phòng khách nhỏ nhưng gọn gàng, chiếc đàn piano và những cây guitar nằm bám bụi. Từ lâu Trương Hoàng Xuân ngừng sáng tác vì không còn cảm hứng. Hai năm trở lại đây, sức khỏe không cho phép để dạy học và chơi nhạc, nhạc sĩ cũng không màng đến nhạc cụ. Ông nói: “Tôi không muốn chạm vào đàn nữa bởi chúng gợi quá nhiều ký ức đau buồn. Chính mẹ tôi còn nói ‘xướng ca vô loài’. Vì quan niệm đó mà tôi chịu nhiều thị phi khi vừa làm thầy giáo, vừa chơi nhạc. Nhiều người đặt điều, nhờ danh nhạc sĩ, tôi có nhiều mối quan hệ ngoài luồng. Nếu có, chắc giờ tôi đã hạnh phúc vì ít nhất, cũng có đứa con rơi nào đó ở cùng”.
Buổi sáng, nhạc sĩ dậy sớm tập thể dục, nghe đài, xem tin tức. Ông thường nấu một bữa rồi dành ăn cả ngày. Trường Hoàng Xuân hiếm khi ra khỏi nhà vì sợ trộm đột nhập, lấy mất những kỷ vật cất giữ trên căn gác. “Khi nào buồn quá, tôi lái xe máy khắp thành phố, len lỏi vào những con hẻm nhỏ cho đến khi mệt thì quay về”, nhạc sĩ chia sẻ về thú vui duy nhất của tuổi già.
Sinh trưởng trong một gia đình mà bố mẹ sớm chia lìa, anh em tan rã, Trương Hoàng Xuân coi vợ và các con là những người thân yêu nhất kề cận bên mình. “Tôi vào đời sớm, năm 16 tuổi đã lo được cho mẹ và hai em gái nhờ đi chơi nhạc tại nhà hàng. 22 tuổi, tôi lấy vợ. Tiền bạc kiếm được bao nhiêu, tôi đem về đưa hết cho vợ nuôi sáu đứa con”, nhạc sĩ tâm sự.
Đời sống hôn nhân không suôn sẻ khi vợ chồng nhạc sĩ bất đồng quan điểm, đặc biệt là việc dạy con. “Tôi nghiêm khắc trong việc giáo dục con bao nhiêu thì vợ dễ dãi bấy nhiêu. Các con không ưa tôi, nói tôi quá khắt khe. Tôi cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”, Trương Hoàng Xuân cho biết. Năm 2000, mâu thuẫn tới đỉnh điểm buộc ông phải đưa ra quyết định ly hôn. Nhượng lại căn nhà rộng rãi cho vợ con, nhạc sĩ gom góp tiền dành dụm, mua ngôi nhà nhỏ, dọn ra ở riêng.
Một hàng xóm của ông chia sẻ: “Nhạc sĩ sống hiền lành, nhân ái, thậm chí hơi nhút nhát. Bác thường đóng cửa ở cả ngày trong nhà. Thi thoảng có quà biếu của học sinh, nhạc sĩ đều chia sẻ với bà con trong xóm”.
Rơi vào cảnh cô đơn mười mấy năm, nhạc sĩ không có ý định cưới người phụ nữ khác. Trong thâm tâm, ông vẫn mong ngày gia đình đoàn tụ.
“Tôi luôn ý thức mình là nhà giáo, phải sống sao cho học trò, đồng nghiệp cũ nể trọng. Hơn nữa, vợ chồng sống với nhau một ngày nên nghĩa, huống chi bà ấy từng mang nặng đẻ đau sinh cho tôi sáu đứa con. Khi xưa tôi ly hôn vì ngoài mâu thuẫn trong việc dạy con, chúng tôi còn nhiều bất đồng khác khó giải quyết. Giờ cô ấy thay đổi nhiều rồi”, nhạc sĩ giải thích về quyết định không tiến thêm bước nữa trong hôn nhân.
Nhạc sĩ mắc một số bệnh gan, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng. Khi trò chuyện, ông thường xuyên thở dốc. Bác sĩ khuyên ông nên nhập viện điều trị. Nhưng vì không yên tâm với sự an toàn của những tài sản tinh thần trong nhà, ông chọn cách uống thuốc và điều trị tại gia.
Niềm an ủi và cũng là động lực giúp ông nuôi hy vọng gia đình đoàn tụ những năm gần đây là các con đã phần nào hiểu và đón nhận tình cảm nơi ông. Năm 2012, trước khi sang nước ngoài định cư, các người con tổ chức họp mặt gia đình và mời ông tham dự. “Khi các con trưởng thành, hiểu và thông cảm cho bố cũng là lúc chúng kéo nhau đi xa. Tôi không đi theo vì thấy chỉ có sống ở nơi mình sinh ra, lớn lên mới thật sự thoải mái, dù một mình”.
Nhạc sĩ hớn hở khoe, con gái út và vợ ông có ý định về lại Việt Nam: “Tôi định sửa sang căn phòng trên gác làm chỗ ở khi vợ tôi về nước. Tôi nhắc các con sớm giục mẹ quay về”. Ông nói, đến khi đó ông mới yên tâm vào viện điều trị bệnh vì đã có người chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà nhỏ.
Theo Châu Mỹ và Hồng Phúc