Bài viết trên tạp chí Phổ Thông bộ mới từ số 1 (ngày 18-10-58) đến số 5 (ngày 10-1-59)
LỜI GIỚI THIỆU : Mười ba năm qua đã biến đổi hẳn tâm hồn của Dân-tộc Việt-Nam. Một thế-hệ thanh-niên mới về đời nhưng đã thử-thách đời, chưa yêu cầu đã biết khổ, hoặc chưa biết yêu đã yêu.
Những nhà xã-hội tâm lý học đã lưu tâm đến những trạng thái biến chuyển sau một lộn nhào của Lịch-sử, như bên Pháp sau Đại-chiến 14-18 và 39-45, như ở Việt-Nam hiện nay, đều nhận thấy một tình-trạng tâm-lý não-nuột, không tránh khỏi, một nét đậm của Luật biến-cải trong tâm-hồn con người, rõ-rệt nhất trong tâm-hồn của bạn trẻ.
Chính ở trong những biến-chuyển ấy đã nảy-nở trên lĩnh-vực văn-hóa một lớp văn-nghệ-sĩ thanh-niên mới, nam và nữ, từ 16 đến 80 tuổi. Một số các bạn chưa kịp hấp-thụ ảnh-hưởn sâu-xa của văn-học Âu-tây và Á-Đông như thế-hệ Thi-văn tiền-chiến, các bạn ấy, sau khi lăn-lộn nhiều hay ít trong 10 năm khói đạn vì tín ngưỡng ái quốc hoặc vì hâm mộ phiêu-lưu, ngày nay đã trở về trong một cảnh thái-bình còn hỗn-độn. Như một thành-trì vừa cháy rụi mà trên các đống tro tàn còn ngổn ngang những pho tượng đồ-bể, những đồ xưa tan-vỡ và cả một dĩ-vãng tan-tành mà chính các bạn trẻ ngày nay vẫn chưa quen biết mấy ! Ở một quá-khứ hãy còn gần gũi quá nhưng đã chết hẳn rồi, các bạn đã bở-ngỡ, bồi-hồi, như chưa tìm ra được một định-hướng rõ rệt trong hiện-tại còn đầy mâu-thuẫn.
Nếu các bạn ấy không hẳn khinh-miệt nếp dĩ-vãng vừa bị sụp- đổ, thì các bạn cũng không sao thông cảm được mau-lẹ với nó, vì mối liên- tục lịch- sử đã đứt rồi. Than ôi!.
Chúng ta chưa nhận được những dấu hiệu của một Hồi-xuân gần-gũi tưng bừng.
Vì thế, trên bình diện tâm-lý xã-hội, chúng tôi thấy rằng thế-hệ văn-nghệ-sĩ hiện đang bồng-bột từ 1954, không tránh khỏi chứng bịnh của thời-đại, và sẽ biến-hóa dần-dần trong 10 hay 15 năm tới đây, trước khi gặp thời-cơ thích hợp để vươn lên thật-sự, mãnh-liệt, nẩy-nở hoàn-toàn theo hòa-âm mới của nhân- loại.
Để ghi lại những điểm thâm- đậm nhất, tiêu-biểu văn-nghệ thanh- niên hậu chiến, chúng tôi xin giới-thiệu lần-hồi trong tạp-chí Phổ thông những tài hoa mới trổi dậy của Việt Nam mà chúng tôi nhận thấy được thấm-nhuần nhiều nhất hương-vị của thời-thế mới hiện-tại.
Chúng tôi muốn người giới-thiệu các bạn là một thi-sĩ thanh niên của thế-hệ, đang sống với các bạn, và thông cảm với các bạn rất nhiều, là anh Lâm-vị-Thủy.
NGUYỄN-VỸ
Hà Liên Tử tên thật Nguyễn Ngọc Biện ; Sinh năm 1928 tại Vĩnh Công – Tân An, trong một gia đình trung lưu về nông nghiệp. Cảnh gia đình sa sút từ khi anh lên ban trung học. Anh hằng rơi nước mắt nhận tiền mẹ vay mượn từng tháng để đóng học phí.
Hà Liên Tử lần lượt theo học các trường Lê Bá Cang, Sài Gòn, và Nam Hưng, Cần Thơ, khoảng 1942-1945. Rồi vì thời cuộc anh bị gián đoạn sự học luôn từ đó.
Từ 1948-1949, anh làm thơ gửi đăng rải rác trên các báo.
Giữa năm 1954 anh được lệnh gọi nhập ngũ, với chức vụ một biên tập viên của tuần báo Quân Đội.
Cuối năm 1956, anh trở về nếp sống trước. Hiện anh là công chức ngạch hành chánh, lòng sự tại Nha Dinh Thự Bộ Kiến Thiết.
Hoa niên đã vượt quá tầm tay, Hà Liên Tử bây giờ 30 tuổi. Cái tuổi mà Trần Quang Dũng độ nào đã định nghĩa bằng mấy câu thơ:
Vui như trẻ lên mười
Yêu như tuổi mười bảy
Buồn như sắc năm mươi.
Tuy Hà Liên Tử cũng có viết phóng sự, tùy bút, truyện ngắn…nhưng người ta chỉ biết đến anh nhiều hơn trên bộ môn thơ.
Thi phẩm TIẾNG BÊN TRỜI gồm 28 bài, là tâm sự cô đọng mười năm của Hà Liên Tử.
Mười năm trên đất nước này, có lẻ còn dài hơn mười thế kỷ, vì biết bao biến chuyển đã diễn ra.
Mười năm với những kỷ niệm se lòng, đã tạo Hà Liên Tử thành một con người trầm lặng. Con người chưa bao giờ thấy vui trọn nụ cười.
Tính tình ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến thơ ảnh. Hà Liên Tử luôn nhìn đời bằng khía cạnh đau buồn:
Ai hát đâu đây
Nghẹn ngào qua ngõ tối ;
Ánh điện mờ….
Mưa dầm lụt lội.
…………………..
Bằng sự tiếc nuối quãng thời gian cũ. Quãng thời gian mà, thế nào chăng nữa, phần đông ai cũng cho rằng êm đẹp :
Ngày xưa…ừ nhỉ, ngày xưa..
Dòng đời thanh lặng, hồn chưa bão bùng ;
Khắng khít niềm vui trang sách,
Mái trường hoa mộng lên hương…
Tương lai hẹn nở ngàn xuân thắm
Mắt sáng chưa cay lớp bụi đường.
(Tiếng hát trong mưa)
Âu thời thiếu thốn, cực khổ, khiến Hà Liên Tử dễ cảm thông với những kiếp người bị xã hội bỏ quên :
Em cơ hàn, thân xác ốm xanh xao;
Không mấy tuổi sớm nhọc nhằn cuộc sống.
Em cô độc giữa kinh thành bích mộng,
Bên chợ đời không có một tình thân;
Em dửng dung nhưng hẳn biết bao lần
Em cảm thấy thiếu tình thương ấp ủ…
Một tình thương bao la như vũ trụ
Cũng ít nhiều hong ấm được lòng em
Đang triền miên tăm tối như trời đêm
Không có lấy một ánh đèn nho nhỏ;
Tôi đau xót nghe lòng em rỉ máu !
Và lòng dâng ngào nghẹn một niềm thương…
Trong xa hoa tấp nập khách qua đường..
(Em bé mồ côi)
Nhưng anh không khinh ghét, oán thù giai cấp. Dù giai cấp ấy đáng mỉa mai :
Đêm về huyền ảo mê ly mộng hồn
Nhạc dâng chầm chậm, xôn xao,
Lơi lơi, khắng khít kép đào từng đôi.
Nhịp nhàng chân bước chơi vơi
Tĩnh say, nghiêng ngửa mộng đời đảo điên.
Mê ly sóng nhạc triền miên
Hồn quay trong phút mơ tiên tuyệt vời..
Nhạc dâng, tiếng nhạc dồn lơi
Về khuya càng đắm say người truy hoan
(Kiếp phũ phàng)
Về tâm tình, Hà Liên Tử chưa từng được nếm qua hương vị của chữ yêu. Dù rằng anh yêu rất nhiều, nhưng những người ấy không hề biết đến. Có lẽ bởi vì anh thành thực quá ! Và mất mát, ân hận là dĩ nhiên :
Từng phen ngùi say thơ rượu,
Chập chờn nhọc giấc cô mien !
Mắt xanh chừ cay bụi gió,
Mày râu chừ thẹn thùng kiên !
Lửng lơ đề bạt hướng thuyền
Ngàn khơi vùi mộng hoa niên mất rồi !
Chuyện đời, ừ gió mây trôi
Ai đau mà xót, ai mời mà thương !
(Tiếng hát đêm thu)
Đôi khi, Hà Liên Tử ước ao, hy vọng :
Tôi sẽ trở về sống giữa quê hương
Trong một ngày xuân gió hiền nắng đẹp.
Tôi mở rộng tâm hồn ra đón tiếp
Một trời tươi vừa mở cửa còn thanh bình,
Một vườn đời hoa sắc ngát hương trinh
Một nguồn mới vừa vươn cao mạch sống…
Tôi say đắm giữa cánh đồng xa rộng
Nhìn trời mây lồng lộng, bao la…
(Ngày về)
Niềm hy vọng, tôi cho rằng đã bắt nguồn từ sự chàn nản tột cùng vậy.
Về sự nghiệp nghệ thuật của Hà Liên Tử, nhận xét riêng tôi sau khi đọc trọn thi phẩm TIẾNG BÊN TRỜI của anh, Hà Liên Tử có một hồn thơ phong phú. Nguồn rung cảm rất thành thực, vì thế thơ anh tế nhị không có tính cách gượng ép giả tạo, không chạy theo thị biếu thời đại.
Điều đáng tiếc là Hà Liên Tử sáng tác không đều tay ; tham lam diễn đạt cảm hứng, nên dù trong thơ anh có nhiều đoạn hay, đọc nghe cảm động :
Mười năm xưa, mười năm sau,
Một hình bóng cũ xóa màu thời gian…
Cầm như đã lỗi nhịp đàn,
Cố nhân ơi, mấy ngỡ ngàng…
Cố nhân !
(Bóng chiều xuân)
………………………………
Đôi mắt xanh thơ
Còn người em xa lạ
Lâu rồi ám ảnh hồn tôi :
Đêm nao tình cờ gặp lại
Thoáng qua…
Và đã mất rồi !
(Mất)
………………………….
Vắng đêm
Lọt nửa tiếng cười
Nhẹ tan trong gió
Ai người chợt nghe ?!
(Bài thơ lệch cả nhan đề
Khách thơ chưa nghĩ quay về xóm đêm).
(Đẹp thơ)
Những chữ dùng khéo, làm nổi bật được ý muốn diễn tả :
Đêm nao
Lá gió
Đường sương,
Vầng trăng huyền ảo
Tơ vương xóm nghèo.
Vó gầy
Từng cánh vàng gieo,
Băng khuâng lòng khách chuôi theo lá vàng…
(Tiếng hát đêm thu)
………………………….
Đã thoáng nghe buồn với tiếng ve,
Nắng ngày oi bức ngả sang hè.
Bâng khuâng mây trắng lười xê động,
Đợi gió, muôn cành đứng ủ ê.
(Sang hè)
……………………………………….
Giữa một chiều sương
Ngang qua xóm nhỏ,
Ba-lô xười nghiến áo mốc bụi đường,
Tình ai khép nép,
Mắt nhìn lưu luyến chút tơ vương…
(Hẹn)
Thì cũng có những đoạn không lấy gì làm đặc sắc lắm:
Chiều hôm nao
Trên đường về ngoại ô,
Mỏi bước, dừng chân quán lạ,
Bỗng dung mà hồn thơ xao xuyến..
Một dáng kiều ? Từ nơi nao xuất hiện ?
Không, không, không ! – Một thoáng động qua hồn..
Tôi chưa say mà ngây ngất,
Chưa kịp thấy mà si mê !
Gió trăng lếch thếch tư bề,
Hồn thơ khấp khểnh đi về xa xưa…
(Nhớ xưa)
Những điệp ngữ làm người đọc khó chịu :
Tôi viết bài thơ trên bến TRẮNG,
Ngày xưa áo TRẮNG đẹp tinh hoa;
Mùa trăng về ngợp trên sông TRẮNG,
Màu TRẮNG ngày xưa vẫn thiết tha.
(Bến trắng)
Trong các thể lục bát, bốn chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ và phá thể, Hà Liên Tử thành công hơn ở lối thơ sau cùng:
Bỗng dưng…
Em khóc !
Tôi cười !
Chuyện mười năm cũ với người hôm nay…
(Bóng chiều xuân)
…………………………………………..
Áo hoa thôi lượn phố phường;
Lòng không hẹn nhớ mà vương vấn nhiều…
Áo hoa thiên hạ dập dìu,
Trong tôi, thiếu một dáng kiều quen xưa…
Bài thơ viết giữa chiều mưa
Mãi không trọn vẹn, buồn chưa…hỡi người!
(Trọn vẹn)
Hơn bao giờ hết, phong trào làm thơ, in thơ rất nhiều, nhất là các thơ “Tự do”, phá-thể. Ở đây, tôi không phải là lý-thuyết-gia của Thi-văn, tôi không binh-vực nó, cũng không công-kích nó, vì đó là việc làm của nhà văn-học-sử sau này. Tôi chỉ giới-thiệu Thơ của Hà- Liên -Tử, một trong số các Thi-sĩ tài-hoa của Thế-hệ Thanh-niên Hậu-chiến, như tôi sẽ lần lượt giới-thiệu, công bằng, và khách quan, một số các nhà Thơ khác vậy.
Cũng xin nói thêm, Hà Liên Tử là tác giả của bài thơ “Đến Đây Là Chỗ Rẽ Lòng”, được nhạc sĩ Anh Sơn phổ thành ca khúc nổi tiếng Nhà Anh Nhà Em.
Tờ báo gốc :
Nguồn Tư Liệu : Thùy Trang.