Nếu chỉ nói riêng về nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, trong số lượng nhạc khúc và phẩm chất nghệ thuật phải viết bằng một tiêu đề rất dày trang, bởi tài năng của Nhật Trường rất phong phú, đều đặn và hầu như toàn diện trong cõi riêng anh. Ở đây, người viết chỉ khoanh tròn một vòng nhỏ quanh nhạc khúc “Tình Thiên Thu”. Một sáng tác chưa phải là tiêu biểu cho tài năng Trần Thiện Thanh. Hy vọng người đọc nhìn ra nét rạng rỡ trong tác phẩm này và dung đó làm nền về ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh.
Trần Thiện Thanh có một người bạn quen nhau từ thuở nhỏ: Phạm H. Châu Thái (Phạm Thái). Đất nước trong thời chiến chinh, mỗi người mỗi nẻo. Trần Thiện Thanh phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, Phòng Văn Nghệ (Thời Tạ Tỵ, Tô Thùy Yên làm trưởng phòng). Phạm Thái sau mời gian miệt mài nơi quân trường, anh tình nguyện sang binh chủng Biệt Động Quân. Anh Phạm Thái có người yêu tên Mộng Thường, cô ta yêu lính, chấp nhận những cách ngăn, những đợi chờ, những mòn mỏi nhưng đậm đà tha thiết như màu áo trận, tình chung và gắn bó như đôi giày hành quân. Tâm Tình đó được Trần Thiện Thanh viết :
Vẫn biết trên cõi đời
thường yêu thường mơ lứa đôi
Nếu biết sống giữa trời
tình yêu là con nước trôi
Trôi lang thang qua từng miền
Lúc êm ái xuôi đồng bằng.
Cũng có lúc thác cùng ghềnh
chia đường con nước êm
Và Trần Thiện Thanh đã mời các bạn nghe một sự thật trong phần nhỏ thảm sầu của mối tình trai tiền tuyến, gái hậu phương :
Mời bạn nghe chuyện thê lương
Khóc cho người lỡ yêu đương
Trời già nhưng còn ghen tuông
Cách chia người trót thương.
Cả hai yêu nhau được ba năm, mà chỉ gần nhau trong ngắn ngủi trong những ngày phép vội vàng của người lính chiến. Chiến chinh, cách xa là chiếc lăng kính lọc trong mầu thủy chung cho mối tình lứa đôi. Khói thuốc, giao thông hào, những đêm nhìn hỏa châu rơi không làm cho Phạm Thái tránh được những bồi hồi vọng tưởng đến người yêu ở phương trời xa đèn màu giăng mắc. Tình yêu của hai người được nấu chin bằng những giấc mộng êm đềm, nằm gối tay nghìn trùng xa cách. Tình yêu của hai người vẫn là mầu hồng của áo cưới qua những cách thư chim nhạn đi về.
Trần Thiện Thanh biết được điều này, anh thương và quý hai người, anh muốn cả hai có một đám cưới để tròn câu mơ ước. Anh đề nghị Phạm Thái xin những ngày phép đặt biệt để về làm đám hỏi với Mộng Thường, chờ đến mùa xuân năm sau sẽ đốt pháo rước dâu. Phạm Thái trở ra mặt trận, vùng địa đầu giới tuyến. Mức độ chiến trường ngày càng ác liệt, Phạm Thái hiên ngang dủng cảm chiến đấu bất chấp mọi hiểm nguy, chàng được thăng cấp trung úy tại mặt trận. Trước tin này, Mộng Thường mừng vui vì người chồng sắp cưới. Nàng sắp xếp công việc, xin phép đến mặt trận để dự lễ thăng cấp của Phạm Thái. Và trên chuyến xe đò định mệnh chưa kịp đến với người yêu, một quả mìn ác động đã nổ tung, cắt ngang tình đôi lứa. Trần Thiện Thanh kể trong nhạc khúc :
Em xinh em tên Mộng Thường
mẹ gọi em bé xinh
Em tên em tên Mộng Thường
cha gọi em bé ngoan
Đến lúc biết mơ mộng
như những cô gái xuân nồng
Nàng yêu anh quân nhân Biệt Động
trong một ngày cuối đông
Chuyện tình trong thời giao tranh
vẫn như làn khói mong manh
Chàng về đơn vị xa xăm
nàng nghe nặng nhớ mong
Yêu nhau lúc triền miên khói lửa
Chuyện vui buồn ai biết ra sao
Nhìn quanh mình sao lắm thương đau
Khi không thấy người yêu trở lại
Tình yêu tìm không thấy ban mai
Người không tìm ra dấu tương lai
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ phương xa
Một xuân buồn có gió đông qua
Xin cho yêu trong Mộng Thường
nhưng mộng thường cũng tan
Xin cho đi chung một đường
sao định mệnh chắn ngang
Xin ghi tên chung thiệp hồng
Phút giây bỗng nghe ngỡ ngàng
Cô dâu chưa về nhà chồng
Ôi lạnh lùng nghĩa trang
Chàng thề không còn yêu ai
dẫu cho ngày tháng phôi phai
Nhiều lần chàng mộng liêu trai
Nàng hẹn chàng kiếp mai.
Nhạc khúc Tình Thiên Thu, được sáng tác sau bài thơ “Mầu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, và sau này được Dzũng Chinh, Phạm Duy, Song Ngọc, Duy Khánh phổ nhạc. Chuyện tình của người lính chiến và em gái hậu phương có vài nét giống nhau. Tuy nhiên ở Tình Thiên Thu của Trần Thiện Thanh là một sự thật, sự thật không cần pha chế cho thêm đầm đìa nước mắt, mà tự nó đã là một dòng suối lệ. Tự nó đã là hình ảnh phũ phàng gang tấc cho người ngoài cuộc lẫn trong cuộc. Trần Thiện Thanh đã kể bằng nhạc, bằng những nốt ký âm. Ở đó, người nghe bàng hoàng, tức tưởi, xót xa cho một cơn mơ có thật. Tự mối tình này đã làm đá nát vàng phai, và với tài năng Trần Thiện Thanh, anh đã tròng thêm vào đó những tiếng kêu thống thiết của định mệnh. Chắc chắn chỉ có Trần Thiện Thanh làm được điều này, bởi anh đã là một chiếc cầu bắc ngang dòng sông vĩnh biệt.
Bây giờ, tháng ngày chia ly đó đã xa, nắm xương tàn của Mộng Thường chắc đã nở thành những bông hoa cô độc giữa phù du của tình yêu không bao giờ trốn chạy. Và giờ đây , có đêm này bạn nằm nghe Thanh Tuyền hát nhạc khúc Tình Thiên Thu, người ta sẽ thấy sống dậy ở lòng mình một xót thương miên viễn. Hình ảnh cô gái Mộng Thường và chàng trai lính chiến sừng sững trở về làm rực rỡ mối tình mặn nồng oan nghiệt giữa âm u của màn đêm xứ người.
Mối tình thiên thu vẫn còn đó, cỏ cây có ngậm ngùi chăng từ âm thanh bão tố của nhạc khúc. Ngày mốt, ngày mai, ngày dài nữa, đời đời trong cõi vô thường không bao giờ vẹn toàn cho một giấc mộng bình thường.
“Bờ còn đó, sông còn đây nước chẩy
Trời trên cao, mây thấp một đời chung
Sầu ly biệt tơ giang buồn cõi nhện
Nghe đâu đây đàn đứt một dây chùng!”
Lâm Tường Dũ