Có một thi sĩ Việt mà đến hai thành phố đặt tên ông cho những con đường, đó là Hàn Mặc Tử. Tôi đã từng đi trên hai con đường mang tên ông ở Quy Nhơn – Bình Định, nơi thi sĩ lớn lên rồi mất ở đó và ở Đồng Hới – Quảng Bình, nơi ông chôn nhau cắt rốn. Một con đường mang tên Nguyễn Trọng Trí và một mang bút hiệu Hàn Mặc Tử. Thế cũng là một an ủi với vong linh thi nhân…
Bây giờ khi tôi ngồi viết về người thi sĩ mệnh bạc thì cũng là lúc ông xa rời cõi thế bảy chục năm tròn. Thi sĩ kiệt xuất Hàn Mặc Tử đã hoàn tất sứ mệnh thi ca của mình và đi quá sớm vào cõi thiên thu, nhưng sau lưng ông còn những huyền thoại về thơ ca và những chuyện tình đẫm nước mắt vẫn thường được kể…Thương tiếc người thi sĩ tài hoa ấy, bảy mươi năm qua không thể đong được bao nhiêu lệ đã nhỏ xuống mồ ông, nhỏ xuống thơ ông…
Phong Trần – thi sĩ tài năng
Năm 1931 trên Thực nghiệp Dân báo xuất hiện ba bài thơ lạ: Chùa hoang, Gái ở chùa và Thức khuya ký tắt là P.T. (Phong Trần). Sau những bài thơ là lời tác giả đề nghị: Mấy bài thơ sau này xin cảm phiền ngài ấn hành vào báo Thực nghiệp để chuyển giao cho Mộng Du thi xã ở Huế, rất đội ơn!”.
Ba bài thơ ấy sau đó đã được chính cụ Phan Bội Châu, người chủ trương Mộng Du thi xã viết bài họa nên Phong Trần từ đó bỗng nổi tiếng. Với Hàn Mặc Tử, ngay từ đầu đời đã đi tiên phong trong cách tân chữ nghĩa, và cách mệnh trong tư tưởng:
Chùa không sư tụng cảnh buồn teo
Xác Phật còn đây chuỗi Phật đâu? (Chùa hoang).
Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối
Gió Thu lọt cửa cọ mài chăn.(Thức khuya).
Khó có thể tin được rằng Hàn, khi ấy mới qua tuổi 19, cái tuổi mà thời đó người ta còn coi là thiếu niên ấy, đã viết những câu thơ tuyệt bút, gợi cảm tận cùng và hoàn toàn mang hơi thở lạ. Cái nhục cảm, và nhạy cảm cho đến khi ấy mấy ai đã dám tả, dù kín đáo vùi trong trăng với gió! Gọi Hàn Mặc Tử là thiên tài bởi từ thuở thiếu thời, thơ anh đã như Mùa xuân chín, với những câu thơ mới mẻ lạ lùng…
Trong khi mãi một năm sau, năm 1932 thì Phan Khôi mới cho in trên Phụ nữ Tân văn bài thơ Tình già. Nhưng Phan Khôi cũng mới chỉ cách tân ở chỗ bỏ đi niêm luật gò bó của thơ cổ điển… Trong khi trước đó, Hàn đã đi rất xa vào sự cách tân tư tưởng, nhưng chàng đã như ngôi sao chưa tỏ, danh tánh chàng còn ẩn khuất đâu đó cuối trời Nam… Nhưng cũng từ đó mới thấy sự tiên phong của cụ Phan Bội Châu đã sớm nhận ra tài năng khi đánh giá các tuyệt phẩm của Tử và còn gọi Tử là “Tiên sinh”.
Bị hành hạ đến quằn quại đớn đau vì tật bệnh, Tử càng điên cuồng yêu cuộc đời này tươi đẹp. Nhưng “Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình” (L.Tolstoi). Vũ trụ gió trăng đã là nỗi bạn bầu chia sẻ những đớn đau thân phận.
Còn điều này nữa: Trăng nhiều đến thế trong thơ Tử vì mỗi khi trăng sáng thì bệnh phong hành hạ Tử nhiều hơn (?). Và trong thơ Tử, sông núi, thiên nhiên còn đáng yêu trong một vẻ đẹp tuyệt diệu nhất. Tử đã viết những câu thơ diễm lệ: Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu… Hàn Mặc Tử là một thi sĩ lớn… Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy.
Vâng! Tài tình muôn đời vẫn là cái lụy(?). Chao ôi, trong lịch sử thơ ca Việt, có lẽ thơ Hàn là khúc bi ca lớn về thân phận con người. Tài năng xuất chúng của Hàn như một vầng sáng, nhưng nghiệt ngã thay, định mệnh của chàng đã không cho chúng ta được hiểu thêm nhiều tuyệt phẩm khác chưa được viết ra khi người vội đi vào thiên thu ở tuổi thanh niên…
Bây giờ Tử đã đi xa tròn 70 năm. Thơ Tử ngày càng được ca tụng và như vậy là công bằng. Hẳn xưa kia Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh cũng như nhiều người khác nữa, làm sao cảm và hiểu hết được tâm sự và nỗi niềm Tử gửi trong thơ mình. Hoài Thanh dù chỉ đặt Hàn Mặc Tử gần giữa tập Thi nhân Việt Nam nhưng dẫu sao cũng cần ghi nhận con mắt xanh của nhà phê bình. Rõ ràng Hoài Thanh lấy làm băn khoăn lắm lắm khi đặt bút viết chân dung thơ Hàn. Và bởi cái bâng khuâng ấy mà phần lời bình và thơ dành cho Hàn dài nhất, với 16 trang in…
Bình tập thơ Máu cuồng và Hồn điên, Hoài Thanh đã viết: Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử, ta không hiểu được và chắc không bao giờ hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp… Một tác phẩm như thế, ta không thể nói hay hay dở. Nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán”.
Và… Hãy xem cái việc Chế Lan Viên viết về Hàn Mặc Tử: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này một chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”. Có lẽ Chế đã nhìn thấy lấp lánh tài năng và chất thơ lạ lùng cùng tư tưởng những bài thơ Tử viết.
Chung cái bi kịch của thế hệ các nhà thơ thời kỳ Thơ mới, hẳn Hàn có cái đau chung của một thế hệ thanh niên dưới gầm trời nô lệ lúc ngày tàn phong kiến lạc hậu cổ hủ… Người bạn của Hàn là Chế Lan Viên cũng từng viết nên những câu thơ cuồng điên muốn gào thét, bứt phá. Bi kịch của Hàn lớn hơn, thơ Hàn điên loạn hơn khi thi nhân gánh thêm sự cùng quẫn của thân phận…
Và như tiên lượng về cuộc đời mai sau, Hàn từng trải lòng: “Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi”, và người thừa nhận là đã: “Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh”. Không! Hàn đâu có lỗi gì. Ngoài những câu thơ đau đớn đến điên dại, Tử còn những thi phẩm đẹp và hiếm, về quê hương đất nước, những Mùa xuân chín, những Đây thôn Vĩ Dạ… đấy thôi!
Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt
Hàn Mặc Tử tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 tại ngôi làng Lệ Mỹ bên dòng Nhật Lệ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Nhưng gốc gác Tử, ông nội là Phạm Bồi người Thanh Hoá, vì có liên quan đến phong trào Cần Vương chống Pháp sau khi thất bại đã trốn vào miền rừng núi Thừa Thiên.
Đến đời thân phụ Hàn Mặc Tử, để tránh rắc rối về lý lịch, cụ Phạm Bồi đã đặt tên là Nguyễn Văn Toản. Sau khi cha mất sớm, Nguyễn Trọng Trí được mẹ đưa vào sống với người anh cả Nguyễn Trọng Nhân lúc này đương là công chức Sở Cầu đường ở Quy Nhơn, Bình Định. Năm 16 tuổi, Trí được mẹ cho ra Huế học. 18 tuổi đoạt giải nhất cuộc thi thơ do một Thi xã tổ chức lấy bút hiệu Lệ Thanh và Phong Trần…
Năm 20 tuổi, Hàn Mặc Tử làm công chức Sở Đạc Điền Quy Nhơn dưới quyền của cha người yêu Kim Cúc là Thương tá Hoàng Phùng. 22 tuổi theo Thúc Tề vào Sài Gòn viết báo làm thơ, lấy bút danh Hàn Mặc Tử. Năm 24 tuổi thấy mình lâm bệnh, Tử lui về Quy Nhơn xuất bản tập thơ đầu Gái quê. Khi xác nhận bệnh phong, Tử gần như cô biệt với bên ngoài.
Tử đã dốc tàn lực viết nên những thi phẩm nổi tiếng, trong đó có bài Đây thôn Vĩ Dạ để tặng người yêu là Kim Cúc. Hàn Mặc Tử đã trút hơi thở cuối vào sáng sớm một ngày cuối năm 1940 tại nhà thương Quy Hoà trong tiếng chuông nhà nguyện đưa anh về thế giới bên kia… Có lẽ khi viết Trường tương tư tặng Mai Đình, Tử đã linh cảm đến sự chia lìa: “Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt”…
Giã từ cõi nhân gian vừa lúc 28 tuổi xuân xanh bởi sự nghiệt ngã của tật bệnh, Hàn đã ra đi trong cơn đau điên loạn không phải của thể chất mà ở tâm hồn. Ngôi sao ấy xoẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Bảy mươi năm, bây giờ đọc thơ Tử vẫn một màu đau thương nhưng bất tử ở chất lãng mạn nhân bản. Đọc thơ Tử trước hết hãy đọc đời Tử để hiểu nỗi đau của một kiếp người sớm bộc lộ tài thơ nhưng vận đời quá ngắn ngủi. Đời người trai ấy với những mối tình đẹp và buồn càng làm cho trái tim Tử đau khổ đến điên cuồng rớm máu.
Trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX, Hàn là thi nhân trẻ nhất và cũng là người bỏ đi đầu tiên. Nhưng Hàn đã kịp để lại những áng thơ tuyệt bút, kết tinh từ tài năng và tình yêu cùng với thương đau. Nhà thơ Hồng Thanh Quang từng nói: “Khi mọi sự bất lực thì thơ xuất hiện”. Có lẽ đúng như vậy. Con người ta thường khi tột cùng hạnh phúc và tận cùng thương đau thì cái tinh tuý nhất của tâm hồn còn lại là những câu thơ.
Nói như Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Đây là một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng, vườn thơ Hàn rộng không bờ, bến, càng xa càng ớn lạnh…”. Có thể nói, Hàn là một người tình lý tưởng. Tình yêu của chàng luôn là tình cảm chân thành, lại vô cùng mãnh liệt. Những bóng hồng đi qua đời Hàn đã làm say đắm những câu thơ.
Nhờ tình yêu, Hàn đã cống hiến cho chúng ta những thi phẩm vừa lãng mạn vừa dữ dội. Năm người con gái bước vào đời Hàn đều để lại dấu ấn thi ca, dù có những đau tình hận, những hờn trách tình phụ. Đời Tử hẩm hiu không phải vì Tử mà vì cảnh huống số phận bắt Tử phải thế. Là người yêu chân thành nên có lúc Tử rơi vào tuyệt vọng: “Họ đã đi rồi không níu lại/ Lòng thương chưa đã mến chưa bưa/ Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…”.
Nhưng cũng đừng hiểu Tử thất tình mà viết như vậy, đừng bảo Tử cô đơn và tuyệt vọng bởi tình yêu không thành ấy. Không! Tử viết hay đến vậy là bởi sự tuyệt vọng trước cuộc đời. Tử muốn sống, khát sống và khát khao sáng tạo đến vô cùng…
Bảy mươi năm tròn Tử đi vào cõi mộng, nhưng đáng mừng thay, thơ Người vẫn đương đồng hành cùng văn chương Việt, vẫn được ngâm lên, được đọc lên rõ tiếng hay âm thầm đâu đó từ những tâm hồn đồng điệu, của những người yêu mến Tử… Nơi Tử nằm, nơi mà khi bình sinh, Người đã tiên liệu: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sương sao anh nằm chết như trăng” ấy, nay là đồi Thi Nhân ở Ghềnh Ráng, thành điểm hẹn của những người yêu thơ Hàn. Bao nhiêu người đến Quy Nhơn đều lên đồi Thi Nhân để thắp lên mộ Hàn nén nhang tưởng nhớ.
Bên mộ Hàn có một người trai Quy Nhơn khác ngày ngày ngồi khắc thơ Hàn lên gỗ bằng bút lửa để tặng du khách. Dzũ Kha lập dị, hay quá yêu Hàn mà ở luôn bên mộ Hàn mười mấy năm nay, ngày chép thơ Hàn tặng du khách, đêm uống rượu và đổ rượu xuống mộ Hàn… Mái tóc dài vương vấn điều chi mà mắt Kha buồn đến vậy?
Tân Linh (Sài Gòn Xanh Ký Ức)