Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm
Nhớ chuyện xưa vào đời…
Đó là ca từ một bài hát khá phổ biến vào những năm đầu thập niên 60 của nhạc sĩ Trúc Phương – chàng lãng tử xứ dừa Trúc Giang (Bến Tre) khe khẽ ngân nga trên bước đường khởi nghiệp, khi đặt chân tới chốn phồn hoa đô hội Sài Gòn, khá quen thuộc đối với lớp trẻ thời ấy mãi tới bây giờ có người vẫn còn nghêu ngao.
Giữa đường phố hoa đèn
Thế mới hiểu ra từ nửa cuối thế kỷ 20 của một Sài Gòn xa lắc đã từng có những bước lang thang “nửa đêm ngoài phố” của những mảnh đời… để mà nhớ, để mà thương, để mà hình dung được phần nào về “Hòn Ngọc Viễn Đông” trong quá khứ – Một quần thể văn hóa hội tụ dân tứ xứ, xin được chọn nơi này làm quê hương, gắn bó một đời cật ruột. Và cho tới hôm nay, Sài Gòn – thành phố bây giờ đã thay da đổi thịt, nhưng cái hồn xưa vẫn thế vẫn trẻ trung sống động, vẫn hồn nhiên vô tư…
Vang những bước chân khuya
Nói như thế có người cho rằng Sài Gòn bây giờ là Sài Gòn cơ giới, người ta đi xe ô tô, xe gắn máy chớ mấy ai lại lê gót bách bộ đâu mà vang những bước chân khuya trên ngõ vắng, nghe ham! Thật vậy khi cuộc sống quá tất bật của một thành phố công nghiệp phát triển như hiện nay mà nói tới chuyện đi bộ dạo phố như thuở nào quả là điều hoang tưởng “xưa rồi… Diễm”. Đâu còn ai có thời gian để nhớ tới cái thú tản bộ lang thang qua những con đường có lá me bay, lặng ngắm thân cổ thụ sù sì như nhà thơ Hoàng Trúc Ly một thời đã từng ngẩn ngơ để có được câu thơ bất hủ , nghe lãng mạn làm sao!
“Người yêu tóc xõa tròn vai
Nửa đêm da thịt quên cài áo khuya”
Tưởng vậy mà không phải vậy! Ít ai nhận ra ở một góc phố nào đó, ở một quãng đường nào đó giữa lòng Sài Gòn bây giờ hãy còn vang những bước chân khuya.
Khi màn đêm buông xuống mọi sinh hoạt thường nhật của Sài Gòn được coi như chìm vào giấc ngủ, lại chính là thời khắc những hoạt động khác của Sài Gòn bắt đầu không kém phần sôi động huyên náo. Có người cho đây là mặt trái của Sài Gòn nhưng cũng có không ít người bảo đấy mới là bộ mặt thật của thành phố công nghiệp… – Một thành phố không ngủ yên, mà thao thức trắng canh rộn ràng náo nhiệt.
Còn đó những bước chân khuya khoắc lặng lẽ của những chị, những anh ánh lên trong lớp áo dạ quang ngời sáng vang từng nhịp bước theo tiếng chổi xào xạc qua những đường phố vắng tanh. Sương đêm trở lạnh mà họ vẫn miệt mài thấm đẫm mồ hôi với bao công việc quét dọn thu gom hàng đống rác rưởi trong một góc tối nào đó, ở một giao lộ nào đó mà đèn xanh, đèn đỏ đã tắt ngấm tự bao giờ. Chốc chốc lại thấy “người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”… không phải lắng nghe tiếng “đại bác đêm đêm dội về thành phố” của một thời tao loạn, mà họ ngẩn ngơ trước bao “ghềnh thác thanh âm” thét gào, cuồng bạo giữa một thời thanh bình được toát ra từ những tầng cao “hộp đêm” rậm rật đến buồn nôn.
Thế mới hiểu được ở Sài Gòn này bao giờ cũng còn đó những bước chân lao động cần cù quanh năm suốt tháng lấy đêm làm ngày nhưng mong sao cho đẹp mắt phố phường, bình yên cho cuộc sống. Bên cạnh đó Sài Gòn cũng không thiếu những bước chân khuya quay cuồng thác loạn bởi những điệu “bóp – ráp” trên các sàn nhảy sau cánh cửa quán bar, vũ trường… Họ nào hay đâu ở phía sau lưng họ còn có biết bao những bước chân khuya của lực lượng dân phòng tuần tra khép kín địa bàn phòng chống các loại tội phạm cho nhà nhà yên giấc. Thật vô cùng thiếu sót, nếu như đề cập chuyện “Sài Gòn – nửa đêm ngoài phố”, mà không kể tới điểm dừng.
Những quán ăn khuya
Không phải đến tận bây giờ Sài Gòn mới xuất hiện những dịch vụ ăn uống giữa đêm thâu, mà trước đó rất xa hàng 4-5 chục năm trước, người Sài Gòn đã từng quen thuộc kiểu ẩm thực trong những “quán nửa khuya đèn vàng theo hơi khói”… “trút tâm tư vào đêm vắng canh trường”… Nếu như Sài Gòn xưa chỉ nổi tiếng ăn đêm ở một vài khu vực: khu chợ cũ, ngã tư Quốc Tế, ngã sáu Sài Gòn (tức ngã sáu Phù Đổng bây giờ), chợ Đuổi, chợ Trương Minh Giảng, Tân Định, Đa Kao, Bà Chiểu… thì nay có nơi còn, có nơi biến hẳn, hình thành khu vực bổ sung mới vô số kể.
Càng về sau này, kỹ nghệ ăn uống càng phát triển đa dạng phong phú hơn. Thu hút thực khách ngày càng đông hơn. Khi thành phố đã lên đèn, là lúc mọi hoạt động ăn uống trở nên tấp nập rộn ràng hơn cả ban ngày. Những người sống về đêm, nhận rõ điều này hơn ai hết, về những loại hình ăn uống được hình thành theo từng khu vực gọi là “ẩm thực đường phố” giữa đêm khuya. Không chỉ là những hàng quán nằm quanh một số khu vực bến bãi như Xa cảng Miền Đông, Xa cảng Miền Tây hay trước cổng một vài bệnh viện như Ung Bướu, Nhân Dân Gia Định, Chợ Rẫy… nhằm phục vụ khách có nhu cầu 24/24; cũng chẳng phải những hàng phở, hàng bún bình dân mọc lên ven đường dành riêng cho số thực khách là dân lao động thức khuya dậy sớm như xích lô, ba gác, hốt rác… Chúng tôi muốn nói tới những khu vực, những hàng quán khá quen thuộc đối với thực khách đêm khuya. Từ những quán sang trọng cho tới những hàng ăn tềnh toàng nhưng tất cả đều nổi tiếng tập trung ở một số nơi nhất định nằm rải rác giữa lòng thành phố này. Trước lúc 0 giờ một số điểm ăn uống còn vắng vẻ thưa thớt, chỉ lai rai đôi ba người nhưng kể từ sau 0 giờ trở đi thực khách kéo tới tấp nập, thậm chí có nơi còn không đủ chỗ ngồi.
Giả như chỉ cần tranh thủ bỏ bụng chút gì đó qua loa, vội vã về nhà quay ra ngủ cho kịp sáng ra tới sở làm thì người ta tiện đường tạt qua hông chợ Tân Định, chợ Phú Nhuận, Bà Chiểu hoặc tấp vào ngã sáu Phù Đổng, ngã bảy Sài Gòn hay ghé lại ngã tư Nguyễn Thiện Thuật – Nguyễn Đình Chiểu sau chợ Bàn Cờ… những nơi này thức ăn rất đa dạng đủ món trên đời vừa rẻ lại vừa ngon. Từ nghêu, sò, ốc, hến, cua ghẹ… đến hủ tíu, bò viên, mì xào thập cẩm, bánh canh, bún bò Huế, bột chiên hột gà, hột vịt lộn, cháo quảng, cháo tiều… không thiếu giống chi. Đó là chưa kể tới các món chè: nào đậu đỏ bánh lọt, tào thưng, tào soọng; nào hạt sen, bạch quả, sâm bổ lượng… ngọt ngào bổ khỏe biết bao!
Cũng giống như những điểm trên, hàng quán chen nhau san sát. Đèn đóm sáng trưng là khu Tân Bình – đường Trường Sơn và góc Hoàng Văn Thụ – Lê Văn Sỹ. Đặc biệt ở đây “chuyên trị” các món gà: gỏi gà, xôi gà, cháo gà, miến gà, chân gà… Ngoại trừ “gà móng đỏ” không có trong thực đơn, nhưng đó đây cũng thấy thoáng ẩn thoáng hiện gọi mời với những nụ hồng héo hắt trên môi.
Một “điểm sáng” (bởi đèn đóm sáng choang) về ẩm thực sau lúc 0 giờ không nhắc tới là vô cùng thiếu sót. Ấy là khu vực dưới gầm cầu Kiệu, cạnh quán Ng.H đường Hai Bà Trưng, Q.3 là một dãy liên tiếp 3 quán mang tên Mười Trí, thực khách ra vào tấp nập đông nghẹt, đến nỗi ngồi kín cả những bàn kê ra lề đường, xe cộ chiếm cả lòng cầu Kiệu mà có thấy ai nhắc nhở chủ quán chấp hành NĐ 36/T.Tg bao giờ đâu. Có lẽ giờ này không ảnh hưởng gì tới phần lề đường dành cho người đi bộ cũng nên. Khách ẩm thực tới đây đủ mọi thành phần: từ lao động chân tay đến lao động trí óc. Có cả y bác sĩ, kỹ sư làm ca đêm ra đây thưởng thức những món ăn ban ngày tìm mãi không ra. Nếu như có ai đó “khoái” hương vị miền Bắc thì lập tức thẳng tới đường Hải Triều vùng chợ cũ Q.1, ở đây vừa ăn no bụng vừa được nghe mấy em tíu tít giọng Hà Nội ngọt như mía lùi. Khác nào lời ru quan họ trên đất Thăng Long. Giá như có người không thích hương vị miền Bắc mà thèm tô phở kiểu Nam đầy ắp tái-nạm-gầu-gân-sách-sữa… thì ngược lên đường Pasteur tìm đến phở Hòa, phở Ngân, phở Bình gì đó, ních một bát-ô-tô, no tới sáng…
Dân ăn đêm có bộ nhớ lưu lại những địa chỉ ăn uống trong đầu còn hơn IBM. Thèm bánh cuốn nửa đêm thì tới bánh cuốn Cầu Bông đường Đinh Tiên Hoàng – Bình Thạnh. Muốn thưởng thức món cháo trắng hột vịt muối, cá bống kho khô hay dưa mắm thì đến ngã ba Lý Chính Thắng – Huỳnh Tịnh Của. Còn thèm món hải sản kiểu Nhật thì có khu vực ngã sáu Ngô Gia Tự đường Nguyễn Tri Phương, Q.10. Chỉ cần vào một trong các quán Bà Mập, Tri Phương, Phụng Vĩ, Quý Thành… là có đủ các loại hải sản tươi sống đang lội trong bể nước. Muốn thưởng thức hương vị Tàu thì chịu khó lên đường Phan Xích Long – một khu ẩm thực khuya rộn rịp chẳng thua phố nhậu Thi Sách buổi tối – là có ngay món gà ác tiềm thuốc bắc, vịt tiềm ngũ quả, súp vi cá măng cua… trong các quán có tên như người Hoa Chợ Lớn: Chấn Phát – Thuận Phát – Hồng Phát, Lâm Ký, Lương Ký, Dương Thành, Hải Sơn…
Rôm rã nhất trong hoạt động ăn uống từ nửa đêm về sáng có lẽ phải kể tới khu vực “trọng điểm” giữa địa bàn giáp rang Q.1 – Q5, đường Nguyễn Văn Cừ. Một dãy hàng quán ăn nhậu bình dân được hình thành san sát nhau từ đầu đường Phạm Viết Chánh ngó ra (ngã sáu Cộng Hòa còn gọi là vườn bông Khải Định trước đây, nay là quãng trường Hạnh Phúc) nổi tiếng khu vực hột vịt lộn… đạm bạc nhất. Từ 0 giờ kéo dài tới 3-4 giờ sáng lúc nào cũng ì xèo bát nháo, bởi những bóng dáng nàng kiều mạc hạng, ế độ trì kéo xà nẹo với khách hàng vớt vát cú chót kiếm chút tiền còm.
Cách đó một quãng trên đoạn Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Trãi là nơi khá sang trọng, đèn đóm sáng choang, bàn ghế kê ra mặt đường dọc 2-3 căn nhà mà chẳng còn chỗ ngồi cho thực khách. Nơi đây có quán Sao Đêm với các món ăn được chế biến từ nai, thỏ, bò, heo, gà, chim đến cá, lươn, ếch, mực… thơm lừng hấp dẫn mà giá cả cũng phải chăng. Thực khách tới đây đa phần thuộc tầng lớp khá giả. Một số cặp tình nhân, sau khi rời khỏi vũ trường, ra ghé vào đây tìm thứ gì nhẹ bụng ăn cho lợi sức trước khi về “động hoa vàng”. Không thiếu những khuôn mặt diễn viên, ca sĩ hết “sô” kéo nhau tới quán Tân Hải Vân trên đường Nguyễn Trãi Q.1 – một trong những quán ăn khuya lý tưởng nhất Sài Gòn hiện nay để thưởng thức lần lượt hằng loạt sao cho hết hàng trăm món ăn vừa rẻ, vừa hợp khẩu vị. Có thể nói cánh nghệ sĩ coi nơi đây là “điểm hẹn” gặp nhau để vừa ăn vừa kể chuyện đêm khuya một cách hưng phấn.
Cái thú ăn đêm
Cái gì cũng có cái thú của nó. Ăn đêm là cái thú của người sống về đêm. Không ăn chịu không nổi, nó trở thành thói quen, không đói cũng kéo nhau đi ăn vì một nỗi nhớ nhung nào đó không tiện thổ lộ. Chẳng hạn như nhớ tới khung cảnh chỗ ngồi, nhớ tới bạn bè thân tình; và cũng đôi khi nhớ tới cô chủ, bà chủ quán duyên dáng ân cần, cô tiếp viên xinh xắn trong sáng dễ thương… Nói một cách khác, người có thú ăn đêm là để cảm nhận cái hồn quê, hồn phố, hồn quán và hồn người qua cái hồn của thực phẩm, của các món ăn được chế biến từ những tay đầu bếp có tâm hồn.
Sài Gòn nửa đêm ngoài phố, không chỉ dành cho những người có cái thú ăn đêm, mà còn biết bao mảnh đời cơ nhỡ không cửa, không nhà, lang thang nửa đêm ngoài phố giữa lòng Sài Gòn!
T.H