Xin giới thiệu đôi nét về nhạc sĩ Lam Phương. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc miền Nam Việt Nam với hơn 160 tác phẩm đã phổ biến. Cho đến tận bây giờ khi xem lại những bài nhạc của mình, ông vẫn vô cùng cảm động, những bài nhạc cùng hoàn cảnh của chúng là những kí ức đẹp đẽ giúp ông vượt qua rất nhiều nỗi cô đơn, trăn trở trong cuộc đời.
Ông bắt đầu sự nghiệp rất sớm vì tự cảm nhận được mình có năng khiếu về âm nhạc, nhạc phẩm đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết vào năm 15 tuổi. Ông đi gặp nhiều ca sĩ, nhờ họ hát tác phẩm của mình, ngoài ra ông còn vay tiền của bạn bè để mướn nhà in in nhạc, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn suốt 1 năm trời mới hoàn lại được tiền. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền những người bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc. Những tác phẩm tiếp theo như Trăng Thanh Bình, Kiếp Nghèo, Chuyến đò vỹ tuyến, Nhạc rừng khuya, Đoàn người lữ thứ, Nắng đẹp miền Nam ….. đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Lam Phương và giải quyết cho ông vấn đề về tài chính.
Thành công với những tác phẩm đầu tay, ông vẫn tiếp tục niềm đam mê sáng tác, 2-3 năm sau, Lam hương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa. Sau khi bắt đầu nhen nhóm thành danh, ông bắt đầu bán được đĩa, các ca sĩ bắt đầu tìm đến ông và xin hát nhiều bài nhạc của ông.
Ông có từng chia sẻ rằng mình viết nhạc trong mọi hoàn cảnh, lúc vui cũng viết, buồn cũng viết, thời gian sáng tác các bài hát tuy ngắn dài khác nhau nhưng tất cả đều là những đứa con tinh thần của ông.
Một trong những bài hát được nhiều người mến mộ, đó là bài Chiều Tây Đô. Nhạc sĩ chia sẻ Tây Đô vốn là quê của người tình cũ của ông, bài hát được ông sáng tác vào khoảng năm 1984 ông đi “tị nạn ái tình” ở Pháp, sau một loạt những biến cố lớn trong cuộc đời, đồng cảm với những người tha hương xa xứ, ông đã viết ra bài này.
Mỗi bài hát của ông đều có những hoàn cảnh sáng tác riêng, đều truyền tải những ý nghĩa riêng. Một mình là một trong những số ít bài hát nhạc sĩ viết cho chính bản thân mình. Sau khi đương đầu với rất nhiều những vất vả khó khăn ở Mỹ quốc, ông chuyển về sống ở một căn nhà nhỏ vùng ngoại ô Pháp, ông viết bài hát trong tâm trạng vô cùng cô độc, buồn nhiều hơn vui.
Đầu năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm; em gái của ông bỏ hết công việc bay sang Mỹ để chăm sóc cho người anh, có một người yêu nhạc từ bên Úc mua cho ông một căn nhà và ngày nào cũng gọi điện để bắt ông phải nói chuyện, có bà con đến tận nhà, bắt ông tự đi. Những tình cảm đó giúp nhạc sĩ Lam Phương đã dần bình phục. Vào năm 2003, ông viết bài hát cuối cùng là bài Hạnh phúc mang theo với ý nghĩ sẽ mang theo tất cả những kỉ niệm buồn vui của mình để đi đến cõi vĩnh hằng vì khi ấy ông nghĩ rằng mình sắp chết rồi.
Trải qua cơn bạo bệnh, ông vẫn vui vẻ sống cho đến tận tuổi bát tuần với nụ cười luôn nở trên môi.
“Mình có buồn cũng vậy thôi, sao mình không vui cho những ngày cuối cùng của mình đẹp!”
“Nhiều ca sĩ nổi danh trình bày nhạc của mình, mình sung sướng lắm, mình hát không được thì nghe người ta hát”
Khi chợt hỏi ông về niềm mong ước của mình, ông thật lòng chia sẻ bản thân chỉ cần một người bạn để tâm sự hết quãng đời ít ỏi còn lại.
Thanh Thiên.
NGHE NHẠC CHÚ LAM PHƯƠNG BÊN HỒ TÂY
Ngồi nghe nhạc chú Lam Phương …
Dưới trời đại dịch thấy thương kiếp người !
Lời ca lưu nhớ trong đời
Mãi còn vang vọng đất tời Quê hương …
Lòng buồn nhớ chú Lam Phương
Tây Hồ sưương khói vấn vương chiều vàng …!
Trung Lê FB