Sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó, nhạc sĩ Hàn Châu luôn mang trong mình nỗi mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Nhất là đối với tình yêu, chàng nhạc sĩ nghèo đã phải nhận không ít bẽ bàng chỉ vì thực trạng “hai bàn tay trắng”. Đó cũng là lý do tại sao gia tài sáng tác của ông lại nhiều bài hát nói về phận nghèo như vậy.
Ám ảnh bới cái nghèo
Nhạc sĩ Hàn Châu cũng là một cây bút lớn của dòng “nhạc vàng” với rất nhiều ca khúc được khán giả yêu thích tới ngày nay. Đó chính là Cây cầu dừa, Hạ thương, Mực tím mồng tơi, Mèo hoang, Tình nhỏ mau quên, Về quê ngoại, Tội tình, Thành Phố sau lưng, Những Đóm Mắt Hỏa Châu .… Ông là em vợ của cố nhạc sĩ Thanh Sơn, bạn thân của nhạc sĩ Đài Phương Trang. Nhạc sĩ Hàn Châu cho biết, ông vốn tên thật là Lê Đình Nam, sinh năm 1947 tại mảnh đất miền Trung nhiều nắng và gió (Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định). Ngay từ nhỏ, bốn chị em ông đã thiếu vắng tình thương của cha, sống với mẹ và bà ngoại trong cảnh nghèo khó. Khi mẹ và hai người chị lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, ông ở lại quê nhà với bà ngoại. Năm 1960, người chị hai lấy chồng là nhạc sĩ Thanh Sơn, ông được anh chị đón vào tiếp tục học trung học. Cũng chính từ đây, năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc của chàng trai nghèo mới được khơi gợi.
Chẳng là khi ấy, nhà nhạc sĩ Thanh Sơn là điểm tập dượt của một số nghệ sĩ cho chương trình thu thanh trên đài phát thanh. “Nghe các anh chị hát hò, lòng tôi rộn ràng ham thích, nhưng làm gì có tiền để học nhạc? Vậy là tôi bắt đầu học lỏm, kết hợp mày mò tìm trong sách vở rồi tập tành cùng cây đàn Guitar mà anh rể treo trên vách. Nhưng chỉ chơi đàn đứng, không dám tháo lấy hẳn ra khỏi tường vì nhạc sĩ Thanh Sơn là người khó tính, lỡ bị anh bắt gặp thì chỉ có ăn mắng. Những ngày tháng ấy cũng trôi nhanh, tôi đã biết đàn Guitar sau một thời gian tự học, thông thuộc các hợp âm và điệu thức. Sau đó, tôi lại tiếp tục mày mò học xướng âm và ký âm cùng thủ pháp viết nhạc. Thời gian này, tôi cũng đã sáng tác nhiều bài hát nhưng biết còn non nớt nên chẳng dám cho ai xem, đành xếp lại cất kỹ”, – nhạc sĩ Hàn Châu hồi tưởng kể lại.
Nhạc sĩ Hàn Châu tâm sự, ông bị ám ảnh nhiều bởi cái nghèo. Vì nghèo mà ông chỉ được học hết lớp đệ nhị (tương đương lớp 11 bây giờ), không được học sáng tác bài bản, phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh và nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc. Cũng bởi vậy mà nhiều sáng tác của nhạc sĩ Hàn Châu đề cập tới thân phận của những người “nghèo rớt mồng tơi”. “Tôi sinh ra nghèo rớt mồng tơi, cha tôi qua đời tôi còn nằm trong nôi/ Mẹ tôi vất vả trăm chiều thân cò, mẹ sống hẩm hiu nuôi con thơ trong cảnh khó nghèo/ Tôi thân trai nghèo từ chốn đồng quê, tôi lên phố thị xin việc lập thân…”. Đó là những lời ca trong bài hát Mẹ ơi! Con nhớ mẹ mà nhạc sĩ Hàn Châu lấy cảm hứng từ chính hoàn cảnh của mình.
Về quê ngoại cũng là một nhạc phẩm mà nhạc sĩ Hàn Châu viết dựa trên những ký ức tuổi thơ nghèo khó sống bên người bà cả đời nặng gánh con cháu. Ông kể: “Bà tôi vất vả cả đời, trẻ thì còng lưng cày cấy nuôi con, đến khi về già cũng không được nhàn nhã vì đàn cháu nheo nhóc. Khi vào Sài Gòn, quay cuồng với công việc mưu sinh, tôi rất ít khi về thăm ngoại. Bởi vậy mà mỗi lần về, tôi lại cảm nhận rõ sự già đi của bà, tóc bạc hơn, lưng còng hơn. Trong nỗi xúc động, tôi đã viết Về quê ngoại như lời tri ân sâu sắc nhất gửi tới người đã bao bọc mình từ thủa ấu thơ”.
Không dám mở lời yêu đương
Không chỉ mang tới sự vất vả trong cuộc sống, cái nghèo còn khiến nhạc sĩ Hàn Châu phải chịu nhiều thiệt thòi trong tình yêu. Nhạc sĩ kể, suốt thời đi học, ông không dám đến gần cô gái nào bởi mặc cảm về hoàn cảnh của mình. “Tôi từng rất thích một cô bé cùng lớp. Nhưng đó là tiểu thư con nhà giàu sang, có xe đón đưa đi học. Nhiều lần muốn tiếp cận nàng nhưng nghĩ tới thân phận của mình, tôi lại cố gắng quên tình cảm đó đi. Ngày ấy sự phân biệt giàu – nghèo giữa các tầng lớp còn lớn lắm. Dù còn trẻ tuổi nhưng tôi cùng biết chắc chắn rằng dù cô ấy có tình cảm với mình thì cũng chẳng đi tới đâu. Không chỉ với cô gái ấy mà nhiều năm về sau, tôi cũng không dám mở lời yêu đương với ai. Tuổi đôi mươi trôi qua chỉ có công việc và niềm đam mê âm nhạc”, nhạc sĩ chia sẻ.
Những ai rơi vào hoàn cảnh bị người yêu rời bỏ vì nghèo khó chắc hẳn đều biết tới bài hát Tội tình, với những lời ca vô cùng sầu thảm, đau khổ: “Sao em bỏ ra đi anh nào có tội tình gì? Sao em bỏ ra đi anh nào có lỗi lầm chi? Sao em bỏ ra đi để anh thương nhớ hoài ôm kỷ niệm/ Buồn lên mấy nẻo hẹn hò em biết không?… Trong bơ vơ trong nỗi đau vùi/ Anh chợt biết rằng đời tội anh nghèo rớt cái mồng tơi/ Mà trèo cao vướng sợi tình rồi nên té giữa đời ôm trái sầu buồn đơn côi…”. Nhạc sĩ Hàn Châu cho biết, bài hát này cũng bắt nguồn từ một cuộc tình tan vỡ của ông vì cái nghèo. “Nàng chính là mối tình đầu đúng nghĩa của tôi. Hai đứa không có sự khác biệt về địa vị vì nàng cũng sinh ra trong gia đình bình dân. Nhưng rồi cuộc sống khốn khó đã đẩy tình yêu của chúng tôi xuống vực thẳm. Nàng quyết định kết hôn với người đàn ông giàu có hơn tôi. Tôi không trách gì, chỉ buồn cho thân phận mình thôi”, nhạc sĩ chia sẻ. Ngoài Tội tình, những bài hát như Tình nhỏ mau quên, Cây cầu dừa của nhạc sĩ Hàn Châu cũng phảng phất dư vị buồn của cuộc tình tan vỡ này. Tuy bẽ bàng đường tình duyên nhưng các ca khúc trên lại mang về cho nhạc sĩ Hàn Châu sự thành công trong sự nghiệp sáng tác. Chúng chính là những nhạc phẩm đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với khán giả và đến nay vẫn được nhiều ca sĩ lựa chọn thể hiện.
Sau khi nổi tiếng với những ca khúc “ăn khách”, cuộc đời của chàng nhạc sĩ nghèo đã bước sang một trang mới. Nhưng ông không chuyên tâm theo nghiệp sáng tác mà sau 1975 ông làm việc cho công ty CADIVI (dây và cáp điện Việt Nam) tới tận khi về hưu năm 2006. “Bởi sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, ý thức được rõ ràng ý nghĩa của cơm áo gạo tiền nên tôi không muốn “đánh cược” cuộc đời mình với đam mê âm nhạc. Ai cũng biết nhạc sĩ nào cũng chỉ có thời, sáng tác được vài ba ca khúc nổi danh cũng chẳng đủ để sinh nhai cả đời. Hơn nữa, tôi còn có gia đình, không thể để họ phải sống cuộc sống bấp bênh theo sở thích của mình được. Cũng may là bên cạnh công việc chính, sự nghiệp sáng tác của tôi cũng thuận lợi khi nhiều ca khúc vẫn được tồn tại và lưu hành từ “khai sinh” đến tận bây giờ”, nhạc sĩ cho hay.
Chia sẻ về cuộc sống gia đình, nhạc sĩ cho biết vợ ông là một người phụ nữ bình thường, không có gì nổi trội nhưng hết mực yêu thương, chăm sóc chồng con. “Đó âu cũng là may mắn lớn đối với tôi rồi. Bởi vợ chồng hạnh phúc bên nhau đến già, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành không phải là điều dễ làm, nhất là với những người làm nghệ thuật có tâm hồn bay bổng, lãng mạn. Có lẽ việc lựa chọn môi trường làm việc chính là trong cơ quan nhà nước cũng giúp tôi kiềm chế được bớt bản năng nghệ sĩ”.
Nhung Đinh
Nói về dòng nhạc mang lại thành công cho mình mà nhiều người cho là nhạc “sến”, nhạc sĩ Hàn Châu bày tỏ: “Ở miền Nam trước đây, loại nhạc thịnh hành nhất, được nhiều người hát nhất là nhạc boléro, mà boléro cung thứ (Mineur) lại càng phổ biến bởi nó buồn buồn dễ đi vào lòng người hơn là cung trưởng (Majeur), nhiều người cứ đổ vấy cho nó là loại nhạc “sến”. Thực ra “sến” là loại nhạc “mì ăn liền” viết theo thị hiếu, thị trường chứ không phải viết ra bởi cảm xúc thật sự. Những nhạc sĩ có lòng tự trọng chẳng ai viết như thế. Tôi luôn tâm niệm với bản thân, viết được ca khúc thành công đã khó, viết để được đông đảo người hát và nghe lại càng khó hơn. Bởi vậy những nhạc phẩm có “tuổi thọ” cao thì không thể đánh giá thấp được”. Ngoài các ca khúc về tình yêu, nhạc sĩ Hàn Châu còn sáng tác rất nhiều về quê hương, đất nước và đặc biệt là nhạc Phật giáo. Những ca khúc như Lạy Phật Quan Âm, Diệu pháp Liên hoa, Chấp tay lạy Phật, Dược sư… cũng nhận được sự yêu mến của đông đảo công chúng.