Nhật Thực, đây là một sáng tác nổi tiếng được thính giả yêu thích từ trước và sau 1975. Bài hát là tác phẩm của nhạc sĩ Viễn Chinh, được sáng tác vào khoảng những năm 1971 và được trình bày rất thành công qua giọng hát trầm buồn của “Nữ hoàng sầu muộn” ca sĩ Giao Linh.
Cho tôi một lần thôi được thăm viếng mộ em
Từ khi quen biết đến khi em giã cõi đời, chúng mình không một lần vui
Chuyện tình hai đứa ươm bao là sầu và bao chua xót
Hay tin lần đầu tiên ngày em đã thành dâu
Trời chưa tắt nắng, khổ đau chưa lắng cuối hồn, đã được tin người yêu mất
Nhật thực che phủ tương lai cuộc đời cả trời âm u…
Ngưu Lang cùng Chức Nữ còn trông thấy mặt nhau
Mình mang nặng khối sầu đến thuở nào đây mới biết tin nhau
Xin chờ tôi nhé người mến yêu đến kiếp sau
Cho tôi một lần thôi được thăm viếng mộ em
Chồng em hay biết, chắc không nỡ xua đuổi người đã thiệt thua từ dạo đó
Nhật thực che phủ tương lai cuộc đời ai thắng ai đây.
Nhạc sĩ Viễn Chinh tên thật là Nguyễn Quốc Việt, sinh ngày 26 tháng 12 năm 1946 tại Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Thuở nhỏ ở bên ngoại thuộc Chợ Mới An Giang, đến năm 1961 khi ông 16 tuổi mới được về ở lại cùng cha mẹ ở Vũng Tàu. Tại đây ông được học nhạc với một Ma soeur dòng nữ tu và đồng thời cũng tự học Guitar và sáng tác. Năm 1965-1966 ông viết bài hát đầu tiên là “Tóc thề người yêu” để tên thật, được ca sĩ Thanh Vũ trình bày nhiều lần trên đài phát thanh Sài Gòn.
Cuối năm 1969 nhạc sĩ lấy tên là Viễn Chinh (tên ghép của 2 người bạn thân thuở nhỏ) chính thức bước chân vào giới nhạc sĩ Sài Gòn bằng những bài nhạc vui, lúc ấy hay gọi là “nhạc kích động”. Những năm 1971, nhạc sĩ Viễn Chinh đã chuyển sang viết nhạc tình cảm, một trong số đó là Bài hát Nhật Thực, dựa trên câu chuyện có thật do người bạn của ông kể lại. Gặp gỡ nhạc sĩ Viễn Chinh tại tư gia ở Thủ Đức chúng tôi được chính “cha đẻ” của bài hát kể lại như sau :
Câu chuyện trong bài hát là một chuyện tình sinh ly tử biệt buồn. Ở An Hữu Cái Bè xưa, có Đôi trai gái được sinh ra trong hai gia đình có mối nợ thâm thù từ nhiều đời vì tranh chấp đất đai. Lớn lên họ học chung trường chung lớp, rồi thời gian dần trôi đôi trai gái đã cảm mến và yêu nhau. Tưởng từ đây có thể xóa bỏ mối hận thù của gia đình, nhưng thật là ngang trái tình yêu ấy bị ngăn cấm quyết liệt.
Thời gian sau, cô gái bị gia đình ép gả cho người ở làng bên. Sống bên chồng nhưng không quên tình xưa nên cuộc sống không hạnh phúc, không lâu sau đó cô gái đã tự chấm dứt đời mình… Ngưu Lang cùng Chức Nữ dù có bị chia lìa và ngăn cách nhưng dù sao mỗi năm họ còn được trông thấy nhau. Còn đôi tình nhân trong bài hát thì mang nặng khối sầu đến thuở nào mới biết tin nhau.
Vì những mâu thuẫn giữa 2 gia đình đã được khởi nguồn từ nhiều đời mà không được hòa giải, nên từ khi quen biết cho đến khi cô gái từ giã cõi đời, cuộc tình của họ chưa từng một lần nào được vui, cuộc tình chỉ ươm bao là sầu và bao chua xót.
Nhạc sĩ Viễn Chinh giải thích về ý nghĩa của tựa đề “Nhật Thực” trong bài hát: đó là khi nghe tin người yêu không còn nữa, thì với chàng trai, bầu trời như tối sầm lại, từ đó cho đến về sau chỉ còn là bóng đêm che phủ. Nỗi đau người yêu đi lấy chồng chưa nguôi thì nỗi đau lớn hơn lại ập tới đó là mất đi người yêu mãi mãi… Ở cái tuổi đáng lẽ là tương lai rộng mở, nhưng những oan khiên của cuộc đời đã làm cho tất cả trở thành một màu u ám, không khác gì nhật thực làm cho bóng đêm buông xuống ngay ở giữa ban ngày.
Có rất nhiều câu chuyện đằng sau những tác phẩm nổi tiếng, càng hiểu về hoàn cảnh sáng tác và những câu chuyện phía sau một bài hát chúng ta lại càng cảm và thấu được ý nghĩa cũng như tiết tấu và giá trị của bài hát. Chúng tôi mong rằng sau khi biết được tình sử của nhạc khúc “Nhật Thực” quý thính giả sẽ trân trọng tác giả tác phẩm và có những giây phút nghe nhạc thư giản.
Mời quý bạn đọc và thính giả lắng nghe nhạc phẩm Nhật Thực qua những giọng ca vang bóng một thời:
Tổng hợp: Nhật Hà
Bản quyền bài viết của dongnhacvang.com