(Trích bài viết của MC Trần Quốc Bảo trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 174 phát hành ngày 8 tháng 6 năm 2018)
Không những chỉ nổi tiếng với bài hát Lối Về Xóm Nhỏ, Trăng Soi Duyên Lành.. từng được rất nhiều ca sĩ trình bày, nhạc sĩ Trịnh Hưng còn được biết đến qua nhiều nhạc phẩm khác như Tôi Yêu:
Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi trên má cô nàng đẹp xinh
Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây đang dựng mùa hoa..
(Tôi Yêu – Trịnh Hưng)
Hoặc Lúa Mùa Duyên Thắm từng được đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết trình bày:
Chiều dần rơi sau mái đồi ánh trăng buông lả lơi
Nhịp chày rơi như tiếng ca thiết tha xây cuộc đời
Làng thôn tôi mừng hát vui mùa lúa lên màu tươi
Hát lúa thơm vị thấm bao mồ hôi và sớm hôm ra sức ta cầy xới
(Lúa Mùa Duyên Thắm)
Cách đây tròn 10 năm, tin nhạc sĩ Trịnh Hưng vĩnh viễn ra đi vào ngày 10 tháng 5 năm 2008 tại Pháp đã làm người viết chợt nhớ về Ông – nhớ về hình dáng một người nhạc sĩ tuổi đã già.. nhưng độ yêu nhạc của Ông vẫn còn cao vòi vọi. Lần cuối, khoảng năm 2004 – từ Pháp sang Hoa Kỳ thăm bằng hữu, Ông đi với chị Lang (thân mẫu nhạc sĩ Trung Tín) ghé thăm Trần Quốc Bảo tại vũ trường Bleu trong một không khí thật ồn ào chẳng tâm sự được gì nhiều. Lần thứ nhì, tại Hội Quán Thùy Dương cũng vậy, chẳng được nghe Ông căn dặn gì nhiều.. ngoài một tập vở ghi lại những chặng đường văn nghệ của Ông thời trai trẻ mà Ông ký tên gửi tặng.
Qua những giòng hồi ký đó, nhiều người yêu nhạc về sau này biết được thêm chút ít về Ông và những điều lý thú từng được loan tải. Ông sinh năm 1924 và Trịnh Hưng là tên thật nhưng khi làm lại giấy tờ thì đổi họ Nguyễn và khai sụt đi 6 tuổi, tức là sinh năm 1930.
Về lý do đổi họ từ Trịnh thành Nguyễn, ông Đỗ Bình người bạn thân nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết: “Trong thời gian ở vùng chiến khu miền Thanh Hóa, Trịnh Hưng ở chung với gia đình ông bà Lê Khải Trạch và nhận ông bà này là anh chị nuôi. Cũng chính ở đây ông gần gũi và thân với nhà thơ Quang Dũng, vì nhà thơ Quang Dũng là bạn thân với ông bà Lê Khải Trạch. Lúc trước ông đã từng gặp gỡ nhà thơ Quang Dũng và nhà thơ Hữu Loan, nhưng chưa có sự giao tình đậm đà. Nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết: “ Nhà thơ Quang Dũng rất đẹp trai và đa tài. Ông cũng như nhạc sĩ Văn Cao nhà thơ Quang Dũng biết Cầm, Kỳ, Thi, Họa, ngâm thơ và hát rất hay”. Ông thường độc tấu đàn cho nhà thơ Quang Dũng nghe, cũng vì thế ông trở thành em kết nghĩa của nhà thơ Quang Dũng. Và cũng từ điểm này ông cũng trở thành em kết nghĩa với ông Trần Chánh Thành (thời đệ nhất Cộng Hòa giữ chức Bộ trưởng Thông Tin), ông Trần Chánh Thành là bạn thân của vợ chồng ông bà Lê Khải Trạch.. Những người này đang chuẩn bị để trở về thành.Trên đường về thành phải qua những trạm kiểm soát của công an Việt Minh, để tránh bị phiền nhiễu, bà Nguyễn Thị Chi, vợ của ông Lê Khải Trạch (từng đảm nhận chức Ðổng lý văn phòng bộ trưởng bộ Xã Hội, Lao Ðộng thời đệ nhất Cộng Hòa), đã nhận Trịnh Hưng là em ruột, từ đó Trịnh Hưng đổi thành Nguyễn Văn Hưng”.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng thuật lại trước năm 1954 ông là văn công ở ngoài Bắc, lúc đó ở ngoài Bắc có đấu tố nhiều quá, những người trí thức đã bỏ về hết nên ông theo người di cư vào Nam. Vào Nam ông mở lớp dạy dàn, sáng tác và luyện giọng tại đường Cao Thắng, Saigon . Ông có nhiều học trò và nhiều người đã trở thành ca sĩ nổi tiếng như Ca sĩ Ánh Tuyết, Bạch Yến, Thanh Thúy và Nhạc sĩ Đỗ Lễ , Trúc Phương cũng là học trò của Ông. Ở Miền Nam, vùng đất tự do với nắng ấm chan hòa đã gây cho ông cảm hứng để sáng tác nhiều tác phẩm về đồng quê, trong đó có nhiều bản rất nổi tiếng là bản “Tôi Yêu” , “Lối Về Xóm Nhỏ”, “Lúa Mùa Duyên Thắm” “Tình Thắm Duyên Quê”, “Tiếng Ca Dân Lành “, “Trăng soi duyên lành” … Nhạc đồng quê của ông rất được yêu chuộng bởi lời ca mộc mạc, trong sáng, tiếng nhạc vui tươi, chan chứa tin yêu, gợi cho người nghe một cảm giác thanh bình, an lành nơi thôn giả nên được yêu thích.
Một trong những điều vui nhất của nhạc sĩ Trịnh Hưng, những ngày cuối đời, Ông được xem trên video Thúy Nga với phần trình diễn của 3 ca sĩ Hồ Lệ Thu, Tâm Đoan, Như Loan tam ca bài hát Tôi Yêu sáng tác của Ông, sau đó nhạc sĩ còn nhận được một lá thư trả tiền tác quyền.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng có 3 người con. Cô con gái lớn là Nguyễn Thị Huyền Trinh, cậu giữa là Rémi Nguyễn Phước Đạt và cô út là Phương Trang. Để kết thúc bài này, người viết xin kể lại một câu chuyện được nghe từ Huyền Trinh, cô con gái lớn của Trịnh Hưng nói về lòng tốt của Ông.
Huyền Trinh kể lại: “Tôi có nhiều kỷ niệm về bố của tôi. Một trong những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, những năm tháng nuôi cha học tập trong trại cải tạo (Z 30 D) Hàm tâm Thuận Hải. Từ ngoài lộ, đi vô đến trại rất xa, những lần ngồi chờ xe đưa vào trại, tôi luôn được một chú sĩ quan giúp đỡ xách những giỏ đồ thăm nuôi. Việc của chú là hướng dẩn những người thăm nuôi vào trại. Chú ấy cho biết chú bị bệnh sốt rét không có thuốc để uống chỉ nằm chờ chết, và bố tôi đã lấy thuốc của mình có để phòng thân đưa cho chú ấy uống và nhờ đó chú thoát chết. Vì thế để cám ơn bố tôi hãy để cho chú giúp tôi. Khi chú ra trại trước bố tôi vài tháng, vợ chồng chú có ghé nhà thăm tôi ở số 83 đường Công Lý Q1.
Trong trại học tập người nào có thuốc thì họ đều giữ cho họ để phòng thân. Nhưng cha tôi ông đã không nghĩ đến thân ông, ông cho hết thuốc để cứu mạng người trước đã. Ngay cả thức ăn con gái thăm nuôi ông luôn chia xẻ với những bạn tù chính trị ít may mắn được thăm nuôi.
Khi đến Pháp, ông sống bằng tiền viện trợ ít oi dù chỉ đủ cho ông nhưng ông đã nhín nhặt để gởi về VN giúp cho một người bạn gái của tôi quá nghèo thường xuyên viết thơ nài nỉ xin ông giúp đỡ. Ông có rất nhiều đức tính tốt như luôn sốt sắng giúp đỡ người hoạn nạn dù chính bản thân của ông cũng cần được giúp đỡ nhưng ông không bao giờ hờ hững với những người cần ông giúp đỡ. Những gì ông có thể làm được ông làm hết mình.Khi nghĩ đến tôi luôn hãnh diện về bố tôi”.
Câu chuyện trên, khiến tôi nghĩ đến hai câu thơ nằm trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) của Kahlil Gibran:
Wake at dawn with winged heart.
and give thanks for another day of loving
(thơ Kahlil Gibran)
Mà sau này, nhiều người đã nói, nhạc sĩ Trịnh Hưng đã dịch ra 2 câu này như sau:
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày mới để yêu thương”…
Mười năm rồi, một thời gian đủ dài để nhấn chìm nhiều thứ vào trong quên lãng, nhưng tấm lòng Ông với nước non, với bạn bè, với những người chung quanh.. đã khiến tôi chẳng thể nào quên Ông được.