Có một người nhạc sĩ, mà khi nhắc đến ông, người ta nghĩ đến những ca khúc về mùa hè dành cho tuổi học trò, với hình ảnh của hoa phượng, của những dòng lưu bút. Không chỉ thế, ông còn là một nhạc sĩ sáng tác rất nhiều những ca khúc về tình yêu quê hương, mang đậm chất miền Tây Nam Bộ.
“ Bài hát Hoa tím người xưa này là một chuyện tình có thật . Một kỷ niệm của đời tôi . Lúc đó vào năm 1965 . Tình yêu của tôi rất tràn trề. Tuổi đời của tôi lúc đó ngoài 20. Tôi có quen với 1 người con gái, và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào 1 vườn hoa tím rất đẹp . Chúng tôi tâm sự rồi sau đó chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa . Tôi thẫn thờ, buồn , và thốt lên một câu ‘ Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu’.”
Đó là lời tâm tình của cố nhạc sĩ Thanh Sơn khi ông còn tại thế trong một buổi nhạc vinh danh ông được tổ chức trong nước. Tiếng nói trầm ấm, hiền hoà đậm chất miền Tây Nam Bộ của người nhạc sĩ làm cho người nghe phần nào hiểu được vì sao nhạc của ông tuy phần nhiều chuyên chở những nỗi buồn, nhưng trong nỗi buồn ấy, vẫn thấp thoáng cái tình ngọt ngào, không có vị mặn của sự trách hờn, giận dỗi. Có lẽ do đó mà các sáng tác của ông đơn giản, mộc mạc từ ca từ cho đến giai điệu.
Điều này được thể hiện trong suốt cuộc đời sáng tác của ông. Những hình ảnh bình thường giản dị trong cuộc sống xuất hiện trong hầu hết các nhạc phẩm của ông, từ các ca khúc tuổi học trò, những ca khúc nói về tình yêu, tình bạn trong chiến tranh, cho đến những sáng tác về tình yêu quê hương,
Trong giai đoạn đầu của cuộc đời sáng tác của mình, ông dành nhiều thời gian viết về tình yêu tuổi học trò. Nỗi buồn hoa phượng được ra đời năm 1963, là một ca khúc nổi tiếng nói về thời học sinh vào những năm đầu thập niên 60. Cho đến tận bây giờ, có thể nói Nỗi buồn hoa phượng là một ca khúc bất hủ theo thời gian mỗi khi nói về mùa hè, về hoa phượng, về tuổi học trò.
Cố nhạc sĩ Thanh Sơn viết nhiều ca khúc cho tuổi học sinh, về mùa hè (như Ba tháng tạ từ, Hạ buồn, Lưu bút ngày xanh). Và ông cũng là nhạc sĩ có nhiều sáng tác gắn liền với hình ảnh hoa phượng nhất. Hoa phượng được ông dùng cho cả tên gọi của bài hát. Một loạt những ca khúc như Nỗi buồn hoa phượng, Ve sầu mùa phượng, Phượng buồn, Buồn như phượng… đã trở thành những bài ca sống mãi với thời gian, gắn với kỷ niệm của rất nhiều tuổi học trò qua các thế hệ.
Ông viết về tuổi học trò như viết về chính cuộc đời ông. Mà những ai yêu nhạc của Thanh Sơn, hiểu về ông đều biết rằng ông không có được ba tháng tạ từ với những dòng lưu bút ngày xanh. Nhạc sĩ Thanh Sơn phải dở dang con đường học vấn vì hoàn cảnh gia đình lúc đó. Có thể vì thế mà chúng ta cảm nhận trong ca khúc tuổi học trò của ông, có chút gì nuối tiếc.
Cho đến nay, không có tài liệu nào giải thích được vì sao ông yêu hoa phượng như thế. Có phải vì ông viết về một khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, và hoa phượng chính là nhân chứng cho khoảng thời gian ấy? Có lẽ như thế. Đơn giản như chính tâm hồn và con người của ông.
Nữ ca sĩ Phương Dung, người đầu tiên thể hiện ca khúc Lưu bút ngày xanh của ông cũng từng phát biểu với báo giới trong nước tâm tư của bà về sự ra đi của ông, Cát Linh xin được trích lại sau đây:
“Nhạc về mùa hè của Thanh Sơn thường nói về nỗi buồn và điều này chinh phục người hát lẫn người nghe. Tôi khi ấy còn trẻ, đón nhận ca khúc của ông đều cảm thấy lâng lâng niềm cảm xúc. Vì khi ấy mình mới giã từ đời áo trắng, khi mà hè sang, phượng nở, bạn bè chẳng gặp nhau… thì âm nhạc của ông nói hộ niềm tâm tư đó.” – Ca sĩ Phương Dung chia sẻ.
Các sáng tác của ông thường buồn. Rất buồn. Nỗi buồn ấy được ông đưa vào dòng nhạc bolero, trở thành những bài thi ca mang đậm phong cách của Thanh Sơn. Và ông cũng chính là một trong những nhạc sĩ có nhiều sáng tác theo thể loại bolero nhất. Đặc biệt, các ca khúc bolero của ông là những câu chuyện kể về tình bạn, tình đồng đội của người lính trận.
Cố nhạc sĩ Thanh Sơn sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Miền quê tỉnh nhỏ hiền hoà ở hạ nguồn con sông Hậu, cùng với những vùng miền ông đi qua trong cuộc hành trình của đời mình là mạch cảm xúc để ông viết lên các ca khúc quê hương đậm đà chất trữ tình. Trong các tài liệu nói về ông đều viết rằng từ năm 1973 thì ông bắt đầu chuyển sang các sáng tác về đề tài quê hương, mang âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Và cũng từ đây, hoa phượng trong nhạc của ông được thay thế bằng hình ảnh của người dân miền Tây đôn hậu hiền hoà, cùng với những hình ảnh bình dị nhưng sâu lắng. Ông sáng tác về tình yêu, tình bạn, về kỷ niệm của tuổi học trò mộc mạc và giản dị bao nhiêu thì khi viết về quê hương cũng chân tình và sâu lắng như thế. Và đặc biệt, khi viết về quê hương, giai điệu trong nhạc của ông trở nên vui tươi như một bài dân ca. Ông đưa vào trong sáng tác của mình vẫn là những hình ảnh thân thiết của cuộc sống người dân Nam Bộ, như những câu hò, con nước chảy xuôi, những mẻ lưới cua đồng…
Những ca khúc cố nhạc sĩ Thanh Sơn để lại cho đời sẽ mãi mãi là tiếng nói thân thương, là hơi thở, là tình yêu nhắc nhở mỗi người về một nơi gọi là quê hương.
Cát Linh, phóng viên RFA.