Nhạc Sĩ Thanh Sơn Gợi Nhớ Hình Bóng Quê Nhà

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Sóc Trăng là một tỉnh rất lớn, khi ấy Bạc Liêu chỉ là một Quận thuộc Sóc Trăng đó là vựa lúa lớn nhất miền Nam. Ở nơi đó sản sinh ra những người con chân chất hiền hòa, ấm nồng của tình lúa duyên quê. Là nơi sinh thành của người nghệ sĩ tài danh mang tên Thanh Sơn, một người nhạc sĩ có một tâm hồn và lối sống bình dị. Nhạc của ông gắn liền với tuổi học trò và quê hương, trong sự nghiệp sáng tác của mình ông đã viết khoảng gần 500 bài hát với rất nhiều bài nổi tiếng, góp phần quan trọng cho nền Âm nhạc Việt Nam.

Với tuổi thơ cơ cực phải theo gia đình mưu sinh ở nhiều tỉnh thành miền Nam và Sài Gòn. Có lẽ từ đó, hình ảnh quê hương miền Nam in sâu vào tâm trí ông. Như bao người con xa quê khác, hình bóng quê nhà luôn theo mang trên bước đường mưu sinh. Bắt đầu từ thập niên 1990, những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đón nhận, tạo ra một hướng sáng tác mới là khai thác chất liệu dân ca Nam Bộ mang mang nhiều âm sắc và phương ngữ riêng. Nhiều bài hát trở nên nổi tiếng như: Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Hoài Cổ, Hình Bóng Quê Nhà… 

Click vào hình để nghe Phi Nhung hát Hình Bóng Quê Nhà của nhạc sĩ Thanh Sơn 

Hình Bóng Quê Nhà là bản nhạc quê hương với điệu Ballade nhẹ nhàng, trữ tình đầy vương vấn. Bài hát ngợi ca nét đẹp quê hương, như những chuyến xe đưa chúng ta về thăm lại quê hương trong trí nhớ của mỗi người. Từ ngôi trường, máy nhà tranh rồi mở rộng ra đến chân trời với bát ngát và bao la ruộng đồng từng đàn chim bay lượn… của ruộng nước miền Nam. 

Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hát vang rộn ràng
Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê
Bao năm qua cách trở đường xa xuôi ngược bôn ba
Ôi kỷ niệm yêu, mái tranh nghèo tỏa khói lam chiều

Từng câu từ trong bài hát được thể hiện thật giản dị theo mỗi giai điệu tạo cảm hứng cho người nghe, mang lại cảm giác dễ chịu và thư giãn khi thưởng thức. Người con xa quê nôn nao ngày trở về, sau những giây phút ngóng chờ bổng thấy rộn ràng khi nhìn thấy cổng làng. Bao hình ảnh thân quen và chân thật được mở ra trước mắt, con chim sáo nhỏ cũng hân hoan hát vang rộn ràng. Rồi đi qua từng nhịp cầu tre, men qua mấy con đê tiếng chào đón thăm hỏi của hàng xóm xung quanh lại thấy thắm đượm cái tình quê. Qua bao nhiêu năm tháng cách trở đường xa, xuôi ngược bôn ba khắp nơi, nay được trở về thăm lại quê nhà, cùng người thân ôi lại những kỷ niệm dấu yêu, nấu cho nhau những món ăn quê, bên máy tranh nghèo tỏa khói lam chiều luyến lưu hương vị quê hương. 

Click vào hình để nghe Giang Tử hát Hình Bóng Quê Nhà của nhạc sĩ Thanh Sơn 

Còn nhớ nụ cười, câu ca mát rượi chứa chan lòng người
Đâu rồi ngày xưa, ai đón ai đưa nắng đượm chiều mưa
Quê hương ơi, ấm mãi đời tôi uống ngọt đôi môi
Thương quá là thương, tuổi thơ nào ngọt đắng vui buồn

Đặc sản của sông nước không chỉ là con đê, mái tranh, hay khói lam chiều… mà còn có rất nhiều và vô vàng những thứ khác muôn hình muôn dạng chỉ có người con của mảnh đất ấy là am hiểu và lưu luyến. Chắc ai đó khi nghe đến đây lại nhớ tới từng nụ cười, câu ca mát rượu chứa chan lòng người của người anh, người chị hay người mẹ người bà ngồi tỏa nắng trên triền đê. Những ngày xưa ấy đâu rồi? nó có thể mất đi nhưng không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Quê hương ơi, ấm mãi đời tôi như dòng suối ngọt ấm trên môi, thương quá là thương những ngày xa xưa ấy, của tuổi thơ nào ngọt đắng vui buồn.

Click vào hình để nghe Hương Lan hát Hình Bóng Quê Nhà của nhạc sĩ Thanh Sơn 

À ơi, con nước lớn chảy xuôi
Đưa con thuyền chao nghiêng theo nhịp chèo bơi ai ngân nga câu hò
Hò ơi, gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về sông ăn cá, về đồng ăn cua

Có rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn được viết để hát bằng giọng Nam bộ, với những điệu hò, điệu ru rất quen thuộc với người miền Nam: Hò ơi, gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về sông ăn cá, về đồng ăn cua… Tiếng hát câu hò, tiếng à ơi vang lên đâu đó, trên sông nước, trên con đê đường làng hay sau góc bếp chái hè mới thiết tha và ấm nồng biết bao. Các câu hò điệu lý của người Nam Bộ là một trong những loại hình diễn xướng dân gian gắn bó mật thiết với môi trường sông nước. Nó tập trung phản ánh được tất cả các cung bậc cảm xúc, bộc lộ nỗi lòng của người với người và của người với quê hương. Làm giảm bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống lao động để mưu sinh.

Click vào hình để nghe Mạnh Quỳnh hát tân cổ Hình Bóng Quê Nhà nhạc của Thanh Sơn 

Từ lúc vào đời, chân quen đất nẻ sớm trưa chiều hè
Ôi đẹp làm sao, đêm sáng trăng cao gõ nhịp chày mau
Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương
Trong cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà…

Nhạc sĩ Thanh Sơn sinh quán tại Sóc Trăng trù phú với những con người và tình người thật giản dị. Giản dị như lối đi giữa hàng lúa vàng, như bóng mát dưới hàng dừa xanh, như chiếc xuồng nhỏ cột bên bờ kinh, như cây cầu tre lắc lẻo ngang con sông nhỏ, như tiếng hò hay như bài ca vọng cổ… giản dị như con người và âm nhạc của Thanh Sơn, sự đơn giản ấy lại có sức mạnh xoáy sâu vào lòng người. Nhạc sĩ Thanh Sơn dùng âm nhạc để nói thay tiếng lòng mình và tiếng lòng của những người con với mảnh đất quê hương. Nơi mà họ đã quen thuộc từ lúc vào đời, chân đã quen với đất nẻ những sớm trưa chiều hè, từng tiếng gõ nhịp chày đã thấm nhuần vào người. Để cho dù đi đâu và về đâu thì quê hương vẫn luôn là tiếng gọi mời, để những người tha phương tìm về. Trong cõi đời ta vẫn luôn giữ bên lòng hình bóng quê nhà../.

 

Biên Soạn: Hai Tứ 1964
Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc dongnhacvang.com

XIN TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN
Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn dongnhacvang.com kèm theo link bài viết và tên tác giả. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. KHÔNG được đọc lại bài viết để tạo video trên YouTube… Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.
Comments (0)
Add Comment