Cuối năm 1947, tôi từ Việt Bắc (Cao-Bắc-Lạng) xuống Khu Ba (Chợ Đại, Cống Thần) rồi có ý định đi theo Trần Văn Giàu vào Nam chiến đấu. Nhưng khi vào tới Thanh Hóa (Khu 4 – làng Quần Tín) thì tôi gặp tướng Nguyễn Sơn và ở lại đó, gia nhập Ban Văn nghệ của Trung đoàn 304. Tại đây tôi gặp Hữu Loan…
Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn thơ buồn. Anh vừa góa vợ và có một bài thơ rất buồn thương là bài Màu tím hoa sim mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi (có hai người khác phổ nhạc nữa là: Dzũng Chinh với tên Những đồi hoa sim và Anh Bằng thì lấy tên là Chuyện hoa sim). Nhưng đến khi tôi phổ nhạc xong bài thơ thì chính quyền hồi đó (1948) cho rằng bài thơ tiêu cực quá, nên tôi không muốn phổ biến bài hát đó. Sau này, khi tôi vào Sài Gòn sinh sống, tới năm 1971 tôi mới chính thức tung ra bài hát. Khi đó, tôi đặt tên cho bài hát là Áo anh sứt chỉ đường tà.(Một ca khúc trong selection Thương Ca Chiến Trường).
Theo tôi, bài Áo anh sứt chỉ đường tà tuy có vẻ buồn thương, nhưng không bi lụy mà bi hùng! Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc người nghe cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi soạn thành một “ca khúc” dài tới 7 đoạn gồm khoảng 80 khuông, thành một bài “ái quốc ca” dài (long patriotic chant) hơn là một bài “vãn ca” (Complainte)
Vì là một truyện ca dài, bài hát được chia ra 6 đoạn, nói tới chuyện một anh chiến binh từ mặt trận trở về, cưới xong người con gái anh yêu, rồi lại phải trở về quân ngũ. Ở chiến trường, nhiều khi nhớ vợ, lo lắng cho vợ. Ở quê nhà, bỗng không may người vợ trẻ bị chết đuối, anh không được gặp mặt vợ. Lòng anh rất buồn nhưng vẫn hăng hái theo đoàn chiến sĩ ra đi. Trên đường hành quân, qua những đồi sim, anh nghe thấy có tiếng văng vẳng ru: À ơi, Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu….
Đây là những đoạn nhạc với tình cảm khác nhau trong bài hát : Mở đầu (giọng kể) – Khúc vui (đám cưới) – Khúc lo lắng – Khúc buồn – Khúc rất buồn – Khúc kể lể – Đoạn cuối (hành khúc bi hùng).
Thế rồi tôi và Hữu Loan xa nhau … Khi bài hát được phổ biến tại miền Nam, ở một miền Bắc còn cách rời và xa thăm thẳm, anh Hữu Loan được báo chí phỏng vấn về bài hát này (1995), đã trả lời :
Hữu Loan : Cái bản nhạc suốt ngày rên rỉ “Nàng có ba người anh đi quân đội” là của ai ?
Phạm Duy. Lúc ấy ở Thanh Hóa là “thủ đô của văn nghệ” kháng chiến. Các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Ngọc Phan, Hằng Phượng, Lưu Trọng Lư … và cả các trí thức Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu đều về quê ta cả. Nguyễn Tiến Lâng, Phạm Duy và bọn tôi là lính của tướng Nguyễn Sơn. Mình cưới vợ vào thời ấy và làm Màu Tím Hoa Sim cũng vào thời ấy. Phạm Duy phổ nhạc nhưng lúc vào thành mới đem ra hát. Chuyện trong bài thơ là chuyện thật của đời mình !
Cả cái câu :
“Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới
Tôi bận đồ quân nhân
Đôi giày dính bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo”Cả, y nguyên như chuyện ngoài đời, chỉ dung lời để đưa vào thơ nên có thể làm một mạch. Cuộc sống đọc, nhà thơ ghi lại.
Hà Nội, 4/1995
Rồi một nửa thế kỷ trôi đi … Vào năm 2005, tôi từ Hoa Kỳ trở về thăm quê hương. Một ngày nào đó trong năm 2006, bỗng tôi có cơ hội đi thăm Hữu Loan.
Trong một cuộc du lịch trên đường cái quan, tôi phải đi ngang qua tỉnh Thanh Hóa. Biết anh Hữu Loan còn sống trong một làng nhỏ (Làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, Huyện Nga Sơn), thế là tôi đi xe ôm vào thăm. Anh em gặp nhau trong hoàn cảnh cả hai đã già cả rồi. Chúng tôi ôn lại dăm ba câu chuyện rồi chia tay nhau. Lúc đó tôi thấy anh Hữu Loan đã hơn 90 tuổi mà hãy còn khỏe mạnh thì mừng lắm.
Phạm Duy (Vang Vọng Một Thời)