Gặp nhiều thăng trầm trong cuộc sống cũng như sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ của ca khúc “ Mưa đêm tỉnh nhỏ” đã vượt qua tất cả nhờ tình cảm dành cho âm nhạc, dành cho quê hương miền tây của ông. Ở tuổi 80, ông tận hưởng tuổi già viên mãn bên gia đình.
Nhạc sĩ Hà Phương tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông được đồng nghiệp, người yêu nhạc ưu ái gọi là nhạc sĩ của quê hương miền Tây với những sáng tác mang đậm phong cách miệt vườn Nam Bộ. Một số ca khúc của Hà Phương đã góp phần làm thăng hoa giọng hát các ca sĩ Giang Tử, Chế Linh, Hương Lan, Trường Vũ, Cẩm Ly, Phi Nhung như Mưa đêm tỉnh nhỏ, Bông điên điển, Mưa qua phố vắng, Mưa chiều kỷ niệm, Em về miệt thứ… Trước năm 1975, Hà Phương tham gia nhóm du ca “Phù Sa” cùng với Anh Việt Thu, Anh Việt Thanh, Phạm Minh Cảnh, biểu diễn từ Cần Thơ ra đến Huế.
Nhạc sĩ Hà Phương là một trong số nhiều nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng đối với đời sống âm nhạc. Ngoài bài hát Mưa đêm tỉnh nhỏ (sáng tác cùng Anh Việt Thanh) góp phần làm nên tên tuổi ca sĩ Trường Vũ, sáng tác Bông điên điển của ông khiến giọng ca Phi Nhung có thêm nhiều sự mến mộ từ khán giả yêu nhạc vàng cả ở trong nước và hải ngoại. “Thời kỳ sáng tác Mưa đêm tỉnh nhỏ, tôi sống khỏe nhờ sáng tác. Thù lao mỗi bài hát lên tới vài cây vàng. Khi đó, tuổi còn trẻ, đang tự do, tiền có nhiều nhưng tôi không biết giữ. Chỉ đến khi lấy vợ, tôi mới sắm được nhà, mua được xe”, nhạc sĩ hồi tưởng.
“Nhạc sĩ Hà Phương là nhạc sĩ của quê hương miền Tây. Ca từ đơn sơ, mộc mạc nhưng thể hiện được tình cảm đằm thắm với mảnh đất ông sinh ra. Với bài Bông điên điển, tác giả đã trải lòng mình với cảnh ngộ của những cô gái lấy chồng xa. Mỗi khi Phi Nhung cất cao giọng hát, những người xa xứ như tôi lại trào dâng cảm xúc”, một nữ Việt kiều chia sẻ.
Biến cố xảy ra với cuộc đời Hà Phương khi ông không may mất hết tài sản trong những bỏ vốn ra làm ăn thất bại trong việc trồng vườn nhà. Từ một người chỉ biết sáng tác, ông trở thành lao động chính trong nhà. Nhạc sĩ làm đủ công việc để mưu sinh từ dạy nhạc, buôn bán, làm vườn, làm thuê, làm mướn. Thậm chí, có giai đoạn làm ăn thua lỗ, ông phải bỏ quê hương, lang bạt khắp “Nam kỳ lục tỉnh” kiếm sống. Đó cũng là lý do ông ký nghệ danh Hà Phương dưới mỗi bài hát của mình. “Tôi từng làm nhiều công việc lao động nặng nhọc để lo cho gia đình như bổ củi, kéo xe”, Hà Phương ngậm ngùi khi nói về khoảng lặng trong quá khứ.
Đầu thập kỷ 1990, khi trào lưu Làn sóng xanh, Mưa Bụi làm mưa gió trên thị trường âm nhạc, những nhạc sĩ như Hà Phương được chú ý. Ông được một trung tâm băng nhạc tại Sài Gòn mời cộng tác. Thù lao khấm khá từ việc sáng tác và biên tập âm nhạc giúp nhạc sĩ ổn định cuộc sống trở lại. Ông chọn quê hương Mỹ Tho, Tiền Giang làm nơi định cư cho cả gia đình gồm vợ và bốn người con. Thời kỳ sau này, nhạc sĩ có thêm thù lao từ việc đặt hàng ca khúc của các ca sĩ hải ngoại. Mỗi bài hát đem lại cho ông từ vài trăm đến hàng nghìn USD. Những ca khúc từng làm nên tên tuổi Hà Phương trong quá khứ, đến nay vẫn được các ca sĩ sử dụng. Thù lao tác quyền của ông có khi lên tới 20 triệu đồng một quý. “Hiện tại tôi sống khỏe, chỉ sáng tác theo đơn đặt hàng, lâu lâu phổ thơ của vài người bạn. Phần lớn thời gian tôi dành đi thăm thú bạn bè”, nhạc sĩ cho biết.
Bí quyết để vượt qua khó khăn được nhạc sĩ gói gọn trong hai chữ “chấp nhận”. Hà Phương cho hay, khi không thể thay đổi được số phận, ông chọn cách chấp nhận và vượt qua. “Lòng tôi còn yêu, còn day dứt với con người miền Tây, tôi quyết gắn bó tới cuối đời với mảnh đất này chứ không trốn chạy khó khăn. Tôi tin, lòng yêu của tôi có ngày sẽ được đền đáp”, nhạc sĩ tâm sự.
Hài lòng với cuộc sống hiện tại, Hà Phương vẫn không nguôi trăn trở về nghệ thuật. Ông không thấy thỏa mãn với nhiều bài hát viết theo đơn đặt hàng, dù nhờ chúng, cuộc mưu sinh của ông đã bớt khó khăn. Hà Phương cho hay: “Bây giờ tôi sáng tác theo công thức nhiều hơn là theo cảm hứng. Trước kia những bài hát phần lớn xuất phát từ trái tim, từ những trải nghiệm cuộc sống của tôi, một cách hồn nhiên và chất phác. Đó là lý do vì sao tôi chọn phổ nhạc những bài thơ của bạn cùng trang lứa. Ở họ, tôi tìm thấy được chính tôi của một thời máu lửa”.
Cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ Hà Phương nhận được nhiều chia sẻ từ bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ. “Hà Phương biết nén cái tôi của một nghệ sĩ để hòa mình với những đổi thay của cuộc sống. Anh sống giản dị, hết lòng với gia đình, dù quanh anh, có rất nhiều nữ khán giả ái mộ”, nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh xúc động khi nói về người bạn tâm giao của mình.
Bài viết và hình ảnh – Châu Mỹ & Phúc Ben