Bỏ Cuộc Hành Trình
Như một vì sao vừa chớt tắt
Như một chiếc lá vừa lìa cành
Người chiến sĩ văn nghệ vừa nằm xuống, vĩnh biệt ra đi từ bỏ bạn bè, từ bỏ cha mẹ anh em vợ con, bằng một giấc ngủ dài bình yên êm dịu không hận thù.
Anh Việt Thu, người nhạc sĩ ngẩn ngơ giữa làng âm nhạc Việt Nam vừa khép đôi bờ mi ước vọng. Bỏ lại sau lưng một chuỗi âm thanh lóng lánh ỏng ả như những hạt ngọc, mà anh đã kết được trong suốt cuộc hành trình 20 năm. Cuộc hành trình đáng lẽ còn phải tiếp tục nhưng người khách lạ bỗng dừng chân an nghỉ. Chàng cho thế quá đủ rồi chăng? Có lẽ với 37 tuổi đời, 20 năm băng mình trong cát, trong đêm mưa dầm hầu tìm một mùi hương dịu ngọt, một dòng suối mát thơm lành, nhưng lúc nào Anh Việt Thu cũng thấy mình như một người khác lạ ngẩn ngơ giữa sa mạc âm thanh . Rồi anh bỗng dưng mệt mỏi, về nơi an nghỉ ngàn đời.
Anh Việt Thu vĩnh viễn ra đi hồi 2 giờ 40 sáng ngày 15-03-1975 để lại một vợ hai con còn thơ dại, sau 103 ngày điều trị vì một chứng bệnh nan y (hoại thận). Từ bệnh viện Đồn Đất đến Tổng Y Viện Cộng Hòa. Rồi tới các danh y Đông phương tại bệnh viện Quảng Đông. Nhưng, tất cả đều bất lực, đều bó tay trước lưỡi hái tử thần.
Những Ước Mơ Không Tròn
Những ngày nằm bệnh viên đối với Anh Việt Thu là cả cực hình. Trong thời gian này ngoài cha mẹ và con, anh em, còn có một số bạn bè thân thuộc nhiệt tình đau cái đau của bạn mình, muốn cùng sang xẻ bớt phần nào nỗi đau hành hạ thể xác và tâm hồn anh. Nhưng có làm được gì! Chỉ một mình Anh Việt Thu gánh chịu.
Có lẽ linh tính đã báo trước nên lúc nào Anh Việt Thu cũng lo sợ, lo sợ một sự không may xảy đến. Vì vậy mà không một lời trối trăn.
Những đêm với Anh Việt Thu cạnh giường bệnh, chờ đợi những bất trắc có thể bất ngời xảy ra. Anh Việt Thu muốn nói với tôi rất nhiều về căn bệnh bất trị của anh nhưng rốt cuộc rồi anh không nói đc vì bị tôi đánh lạc hướng để gieo vào anh một niềm tin, một phép lạ nhiệm màu.
Nhưng phép lại ở đâu? Nhiệm màu cũng không có gì là màu nhiệm. Trong những tiếng nấc cụt nghèn nghẹn với hơi thở khó nhọc Anh Việt Thu nói với tôi như một lời che giấu sự trăn trối:
“Sau này khỏi bệnh, chắc tao không làm được gì ra tiền như trước đây. Tao chỉ mong có một mái nhà lá đơn sơ bên kia song Tân Thuận, đường Trần Xuân Soạn hay Tân Quy Đông gì đó để tao được thảnh thơi. Con tao mỗi đứa trong bạn bè lo một thằng cho tao rảnh tay. Rồi tao đạp xe đạp đi làm cho hoạt động. chiều về có gì ăn nấy, với một khung trời xanh, một dòng sông nhỏ cho tâm hồn thảnh thơi với những thanh âm!”.
Tôi nói với Anh Việt Thu điều đó, không có gì khó khăn đâu, ráng mau lành bệnh đi rồi tao sẽ cùng thằng Thạch, thằng Vương lo cho. Lê Ngọc Thạch và Nguyễn Vương có điều kiện kinh tế hơn tôi. Anh Việt Thu nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh đầy nước như bằng long như ngầm bảo “tụi bây ráng lo cho tao”.
Rồi khi ở Cộng Hòa, Thu không còn đi được như ở Đồn Đất với những con đường rợp bóng, lượm me rụng trong một sang nào. Bây giờ là buổi chiều, ánh nắng ở Cộng Hòa chói chang.
Tôi đẩy Thu trên một chiếc xe lăn đi dạo qua các đường đá sỏi gồ ghề. ”Mày hái cho tao một bông ngầu, à không phải ngầu mà là mẫu đơn kia!”. Tôi dừng lại một khu vườn nhỏ có mấy bông sứ và những bông mẫu đơn trắng thơm lừng.
“Mày thấy tao có sao không? Bác sĩ ở đây “chê” tao rồi”.
Tôi cố gượng để che giấu nỗi buồn: “Có đôi khi Tây y chào thua mà Đông y làm được, và ngược lại cũng nhiều lúc Đông y chạy mà Tây y cứu chữa như chơi”.”Tao cũng hi vọng như thế!”.
Và rồi tôi bàn với Thạch và Vương xin ý kiến Bác Hai Vương (Ba Thu) quyết định chuyển Anh Việt Thu về Y Viện Quảng Đông, với chút hi vọng “còn nước còn tác”. Nhưng, hi vọng cũng chỉ để mà hi vọng, chỉ để kéo dài sự gặp gỡ trong đời sống mong manh như một sợi tóc. Mạng sống Anh Việt Thu vào khoảng không vô tận.
Và Anh Việt Thu đã thực sự là người nhạc sĩ ngẩn ngơ trong làng âm nhạc Việt Nam.
Tôi Đưa Anh Đi
Tôi đưa anh đi, đi về phía mặt trời/ Đưa ngày về, đưa ngày về bóng xế trưa trưa…/ Tôi đưa anh đi về phía có ruộng đồng/ Đồng rạ vàng, đồng rạ vàng, /Nơi bạn bè rong chơi an nghỉ lần cuối cùng.
Tôi lẩm nhẩm hát tới hát lui bài hát Đi Về Phía Mặt Trời của Anh Việt Thu trong suốt quãng đường dài hơn trăm cây số đưa anh về quê hương ngàn đời an nghỉ vào buổi sáng mùng 6 tháng 2 âm lịch năm Ất Mẹo. Buổi sáng, mà thành phố đang cử hành lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng có cơn mưa trái mùa sùi sục.
Tôi đưa anh đi trong niềm thương tiếc của bằng hữu của “thành phố sau lưng mây che phủ đầu”. Bên chiếc xe tang, một người vợ trẻ, hai đứa con thơ, một em trai tật nguyền và người cha già rưng rung râu trắng cùng người mẹ hiền tóc điểm màu sương.
“Tôi đưa anh đi trong cơn mê ngủ hiu hiu buồn làm sao!” Biết bao là kỷ niệm, biết bao nổi đớn đau!
Tôi đã khóc thật nhiều trong chuyến về quê bạn lần này. Mấy năm trước nhiều lần anh rủ tôi về quê anh, tôi chưa kịp đi, nhưng lần này anh đâu có rủ tôi vẫn phải đi. Tôi nghẹn ngào nhìn nơi anh an nghỉ. Bên một dòng sông trong một khu vườn nhỏ đầy cây ăn trái trên cánh đồng đầy gốc rạ vàng. Thật đúng với niềm ước mơ của anh: ”Đồng rạ vàng, nơi bạn bè rong chơi an nghỉ lần cuối cùng”.
Trong số bạn bè đưa Anh Việt Thu về quê hương, ngàn đời yên nghỉ, ngoài chúng tôi được các anh Nguyễn Vương, Lê Ngọc Thạch, Hoàng Trọng Tâm cho làm đại diện, tôi còn nhận ra các nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh, thi sĩ Phạm Lê Phan là hai người bạn cùng phòng làm việc với Anh Việt Thu. Cùng một số đông bạn hữu xa gần, đọc báo, nghe đài phát thanh cáo phó, đã đón Anh Việt Thu tận quê nhà.
Anh nằm xuống cho cỏ tươi hoa nở/Đồng rạ them vàng ruộng lúa them xanh/Chỉ thương anh còng vai gánh vác/Lặn lội qua sông qua suối một mình.
Anh Việt Thu đã nói gì với tôi khi anh còn sống trong những ngày sau cùng với cơn đau hành hạ thể xác. Hình như không bao giờ anh dám nói một điều gì không may có thể xảy ra cho anh dù rằng anh thừa biết con bệnh của anh là bất trị. Anh rất yêu cuộc sống, rất yêu âm nhạc. Vì thế không một lời trăn trối, mà chỉ ước mơ có một dòng sông, một mái nhà nhỏ, có đồng rạ vàng, để nhìn thấy khoảng trời cao trong xanh. Đó là thiên đường mơ ước của anh.
Nếu có một thiên đường thật sự thì giờ này chắc Anh Việt Thu đã đi vào cõi trú ngụ đời đời. Bằng không, bên ngôi mộ đất mới chính là mái nhà nhỏ hẩm hiu đón nhận một thiên tài Anh Việt Thu, người viết nhạc ngẩn ngơ giữa làng âm nhạc Việt Nam.
Ở đó, anh sẽ cất cao niềm hi vọng.
Ở đó, nơi anh rong chơi yên nghỉ lần cuối cùng.
Tôi thắp vôi một nén nhanh cho người vừa nằm xuống, ném một cành hoa, một nắm đất cho trọn thủy chung.
Thu ơi vĩnh biệt!
Thiên thu vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa!
Bên mộ Anh Việt Thu – An Hữu 18-03-1975. Thiên Hà.
trong chương trình Những khúc vọng xưa của THVN người làm chương trình cứ để cho ca sĩ hát “bốn biển năm Voi” trong nhạc phẩm Gió về miền xuôi của nhạc sỉ Anh Việt Thu ….nếu ông có biết, không biết ông có buồn không?
Nói đến ANH VIỆT THU là nói đến HAI VÌ SAO LẠC, một bản nhạc mang âm hưởng dân ca miền Nam thật êm dịu, dễ thương,buồn man mác.Với tôi thì HAI VÌ SAO LẠC là bài hát thành công nhất của người nhạc sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu nầy. Anh ra đi trước khi những bản nhạc anh sáng tác với cả tâm hồn đã có thời gian bị ngăn cấm không cho hát.Anh có buồn không? Cả một gia tài âm nhạc đồ sộ, giá trị đã bị dập vùi không thương tiếc bởi những cái đầu hẹp hòi, đố kỵ. Và rồi những giá trị cao quí của nền âm nhạc tuyệt vời, của miền Nam thân yêu cũng đã và đang trở lại thời kỳ vàng son của nó.Những nhạc sĩ tài hoa,những giọng ca đỉnh cao, những tiếng hát không bao giờ tắt lịm lần lượt rời bỏ chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng.Tuy nhiên nền âm nhạc của một thời máu lửa chiến chinh vẫn sống mãi với thời gian, sống muôn đời với chúng ta những người yêu âm nhạc, yêu cái đẹp chân thành không giả dối.Đêm qua khó ngủ vào Youtube nghe Ngọc Đan Thanh thiết tha với HAI VÌ SAO LẠC , sáng nay lại được đọc bài viết nầy thật cảm động và thương tiếc quá Huỳnh Hữu Kim Sang ơi!Nhân ngày giỗ lần thứ 46 của nhạc sĩ tài hoa ANH VIỆT THU xin chúc anh ngủ yên trên vùng đất phù sa ngọt ngào của miền Tây yêu thương mà anh luôn mơ ước!
Tôi là một người mến mộ âm nhạc của Anh Việt Thu. Anh Việt Thu là một nhạc sĩ có tài của Nam Bộ. Những bài như ” Gió về miền xuôi”, ” Tám điệp khúc”, ” mùa xuân đó có em” và nhiều bài nữa nghe thấm vào lòng người. Tiếc là cuộc đời ông quá ngắn ngủi … Xin cám ơn và mãi nhớ ông!