Ai cũng có một thời mộng mơ ở tuổi đôi tám, đôi mươi lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Tôi cũng vậy thôi. Bước vào tuổi lục tuần, không màng thế sự, không vọng hư vô, tôi chỉ sống cho hiện tại và…lâu lâu ngược dòng quá khứ để trở về tuổi học trò, sống lại những ngày mộng mơ ở mái trường trung học.
Noel vừa rồi, rủ thằng bạn chí cốt về Đà Lạt chơi vài bữa, vừa để thư giãn, vừa tìm nguồn cảm hứng cho công việc mới. Hai thằng già ở trong homestay sát bên Thung Lũng Tình Yêu nên ngày nào cũng lết qua đó vừa uống cà phê vừa ngắm thiên hạ. Nhờ vậy mà tận hưởng được khung trời mộng mơ của Đà Lạt. Cũng nhờ vậy mà được nghe lại bài Hoa Tím Người Xưa của nhạc sĩ Thanh Sơn – bài hát mà tôi đã được nghe từ hồi nhỏ xíu ở nhà, từ chiếc máy nghe nhạc cũ kỹ của ba qua giọng hát của ca sĩ Giao Linh, biệt danh Nữ hoàng sầu muộn.
Rồi chiều nay lá khô rơi đầy có người nhìn buồn lây
Gom nhớ thương sưởi tình cô liêu ấm thêm lòng ít nhiều
Tâm tư bâng khuâng ngày đôi ta đến đây, cũng vườn xưa chốn này,
Nhặt hoa tím rụng cài lên áo, có ai đâu ngờ hoa tím cả người thương.
Bài hát này được nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác vào khoảng năm 1965-1967, cảm tác từ câu chuyện tình có thật của ông. Chuyện tình rất đẹp của tuổi đôi mươi với khung trời Đà Lạt, với vườn hoa tím mộng mơ ở Thung Lũng Tình Yêu. Nhưng rồi chuyện tình của nhạc sĩ cũng sớm kết thúc, để lại sự thẫn thờ, nuối tiếc trong lòng chàng trai trẻ. Và, ông đã gom hết nhớ thương đặt vào bài hát “Hoa tím người xưa”, để cho bao lứa học trò như tôi cũng bâng khuâng cùng với ông khi rơi vào biển nhớ của tình yêu tuổi mới lớn.
Có một chút khác biệt trong cảm nhận của tôi khi nghe bài hát qua từng giai đoạn cuộc đời. Hồi ở tuổi đôi mươi, lần đầu tiên rơi vào giai đoạn “thất tình” cô bạn học cùng lớp. Về nhà, ngày nào cũng nghe ca sĩ Giao Linh hát bài này, tôi tưởng như trái tim tan vỡ; tôi ví mình như chiếc “lá khô” đã chết trong tình yêu đơn phương với nàng. Nhạc sĩ Thanh Sơn đã gom thương, gom nhớ để sưởi ấm lòng mình trong mối tình cô liêu. Còn tôi, khi ấy cũng gom nhớ, gom thương nhưng không sưởi nổi trái tim mình mà lại còn bị một trận bạo bệnh, tưởng đâu đã đi tiêu dao miền cực lạc rồi. Lần bệnh đó, ba má tôi khóc hết nước mắt, lo cho thằng con trai út là tôi hết cả tháng trời nằm trên giường. Cuối cùng rồi tôi cũng hồi sinh, cũng lớn, cũng sống cho tới bây giờ.
Hương xưa ơi, tìm đâu thấy kỷ niệm bởi một màu hoa tím?
Còn lại đây những khung trời chơ vơ tháng năm lòng ngóng chờ
Rồi từ đó những đêm buồn mang tới,
thương nhớ khôn nguôi, người xưa xa cách rồi,
Ân tình suốt đời, giấu trong lòng riêng nức nở mà thôi.
Hôm nay, ngồi ở cái nơi buồn ngút ngàn này, nghe lại bài Hoa tím người xưa do ca sĩ Quang Lê hát, tôi lại có cảm nhận hơi khác. Cách hát của Quang Lê không làm cho tôi tan nát trái tim như bốn mươi năm xưa khi nghe cô Giao Linh hát, nhưng lại khiến tôi như lên cơn sốt rét, cả người cứ run từng chặp. Ngộ thiệt chứ! Từng chữ, từng câu đã khiến tôi như bị thôi miên, cứ nhìn không chớp mắt vào vạt màu hoa tím phía trước. Mỗi bông hoa như một nụ cười của cô bạn ngày xưa vậy, dù nụ cười đó em chưa bao giờ dành cho tôi.
Nhìn màu hoa ngỡ như em cười lúc mình vừa gặp nhau.
Xuân vẫn qua, đếm thời gian trôi biết ai về chốn nào.
Nhạc sĩ Thanh Sơn còn hạnh phúc hơn tôi vì ông có người thương, được bên cạnh nàng, được nhìn nàng cười, để rồi xa nhau vẫn còn chút dư hương. Còn tôi, như lời mấy thằng bạn, không có một mảnh tình vắt vai, đừng nói chi tới nhung với nhớ. Thôi kệ, mỗi người một cách nghĩ, miễn sao tôi thấy trong lòng tôi có nàng là được.
Đâu đây dư hương gởi tâm tư luyến thương
Ngước nhìn hoa tím rụng tình sao hững hờ
Người xưa hỡi! thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu?
Bạch Thạch.