Đà Lạt chiều cuối năm, những làn gió nhẹ thỏi vào người, da diết lắm, đang lang thang trên con phố vắng bất chợt cơn mưa ập tới, trời ạ phải tìm chổ núp tạm thôi, sợ lắm cái rét lạnh của thành phố ngàn hoa nầy!
May mắn, gặp một quán cốc nhỏ, tôi vào và gọi một ly cà phê … “Sài Gòn” (có đá loãng thôi). Tiếng nhạc vang lên vừa đủ nghe. Gì nữa đây? Tôi bàng hoàng phút giây. Bài hát “Đường Chiều Sơn Cước” trong máy phát ra…
Tim tôi đập mạnh, sao trùng hợp vậy! Bài hát kỷ niệm của tôi rơi ngay vào chiều cuối năm, trong một hoàn cảnh quá giống buổi chia tay giữa “người ấy” và tôi.
“Chiều xưa, em tiễn bước anh đi, tháng năm về đây nhớ nơi kinh kỳ…”
Những hồi ức bỗng chốc trở về rất rõ rệt trong đầu tôi:
Vào những năm 60 của hế kỷ trước, cuộc sống đang êm đềm nơi xứ mận Hoàng Hoa thơ mộng, đã mang đến một sự kiện, tôi đâu ngờ bỗng nhiên trỗi dậy mãnh liệt trong mình.
Tôi đang học cấp 3, nhận thêm vai “giám thị” nơi trường nội trú mình sống.
Nhiều gia đình ở thành phố không có điều kiện trông nom con cái, họ đã gởi vào sống trong nầy để tiện việc học hành tốt hơn của con em mình.
Lúc đó nghệ sĩ Ba Xây đang hợp đồng với Đoàn Kim Chưởng, ông có 3 đứa con gởi ở trường.
Mỗi khi đoàn lưu diễn Đà Lạt, ông đều mời chúng tôi, tranh thủ vài ngày ít ỏi cho các con, lúc đó bé Mỹ Lệ (còn gọi là Quỳnh Gấm) là chị hai, còn hai em trai My Long và My Lân đang học cấp 1, xem mấy suất hát của đoàn diễn.
Có khi còn sớm, chưa đến giờ mở màn, chúng tôi được vào tận hậu trường để… ngó đào kép “làm mặt” (trang điểm). Sự tình cờ tôi ngồi đối diện với một anh kép nhỏ nhất đoàn. Thím Ba Xây bước tới giới thiệu nhẹ nhàng:
– Đây là cô giáo của mấy đứa con thím.
– Kép “độc” Diệp Lang của Đoàn đó cô, tuổi nhỏ mà tài cao đó.
Phép lịch sự, chúng tôi gật đầu đáp lễ.
Sau những buổi diễn, gia đình thường mời chúng tôi “ăn khuya”
Thời gian qua nhanh đoàn đã lên lưu diễn ở xứ lạnh nầy 3 lần, đồng nghĩa với “chúng tôi” chạm mặt nhau, cùng dùng cháo khuya… nhiều lần. Song đời nghệ sĩ, không phải lúc nào cũng… được hát cho công chúng thưởng thức, có những đêm quá ít khán giả, chẳng đủ sổ hụi bắt buộc phải trả vé lại. Bửa đó coi như… huề vốn, không hát, không có tiền. Tôi nhớ mỗi lần hát, đào kép nhận được thù lao trên dưới 200đ
Thường mấy lúc ăn tối, vợ chồng nghệ sĩ Ba Xây hay sắp xếp Diệp Lang ngồi gần hay đối diện với tôi. Câu chuyện thường xoay quanh đêm vừa hát… Có một lần bàn đến việc Diệp Lang bồng bé My Loan hơn 7 tháng tuổi, chạy nhanh chúi nhủi, mất thăng bằng, suýt té. Cả những người trong hậu trường sau cánh gà, ai cũng nín thở thót tim, thím Ba Xây hai tay chắp trước ngực, tin tổ nghiệp “cứu nạn”. May mà mọi thứ đều tốt, buổi diễn đạt qua sự vỗ tay râm rạp của người xem, lời bình cho anh kép trẻ Diệp Lang tôi mãi nhớ và đã linh nghiệm.
Thằng nầy sẽ nổi tiếng về sau Nó lúc nào cũng nhập vai bất chấp hiểm nguy… Còn riêng bé My Loan, sau nầy sẽ theo nghiệp của cha, vì mới chút tẹo mà đã lên sân khấu có vai phụ diễn rồi.
Lần sau cùng tôi gặp Diệp Lang, năm đó Đà Lạt mưa nhiều nên chỉ hát 1 buổi. Hôm sau đoàn sẽ nhổ trại qua tỉnh khác ở miền trung. Buổi chiều hôm đó, thời tiết gần giống như bây giờ, đưa vội tôi ra bến xe đò để về trường. Khi tôi đã ngồi yên trên xe. Diệp Lang ngập ngừng, nói nhỏ vừa đủ hai người trong cuộc nghe.
– Cô H cho tôi nắm tay một cái trước khi chia tay, chưa biết bao giờ mới gặp lại.
– Trời ạ, phản ứng tự nhiên của những người con gái ngày xưa, đâu dễ dàng cho một kẻ chưa “là gì” được nắm tay. Tôi giấu nhanh hai bàn tay ra sau lưng, ngoe ngẩy lắc đầu trả lời nhỏ nhẹ:
– Ôi! Không được đâu, kỳ lắm để lần sau có dịp gặp lại đi…
Xe chạy… tôi thấy hình bóng Diệp Lang xa dần mà vẫy tay chào giã từ, Tôi đâu dè rằng:
Hôm chia ly, nếu biết xa nhau mãi mãi e ngại gì? Không siết chặt đôi tay…
Thời gian nối tiếp trôi, chúng tôi vẫn thơ từ cho nhau. Thường tôi nhận thơ của Diệp Lang nhiều hơn, cho một chổ, nếu biết sắp về Sài Gòn lại, tôi mới ghi gởi Tòa Soạn Báo Sân Khấu nhờ trao hộ.
Rồi xa mặt cách lòng, thơ từ thưa dần… thưa dần… Trong bao lá thơ qua lại, Diệp Lang thuật cho tôi nghe những sự cố xảy ra của đoàn: Tin cô đào Trương Ánh Loan bệnh mất giữa lúc tương lai đang tươi sang, kép Minh Cảnh chứng chửng trong vỡ diễn… Có dạo Diệp Lang phải ngưng hát do đau mắt cần mổ v.v…
Rồi tôi lập gia đình, chuyện giữa chúng tôi đã vào quên lãng. Song sẽ không có nổi bồi hồi khi mãi 40 năm sau, bà chị họ tôi thỏ thẻ một chuyện về Diệp Lang rằng:
– Nó dắt 2 đứa nhỏ lên Đà Lạt tìm mầy, vô trường hỏi thăm, lung tung, tao đâu dám cho biết chổ ở của mầy, tao sợ mầy nhẹ dạ, chui đầu vô nuôi con “thiên hạ”.
Chị nói tôi có chồng và sống tận miền trung xa xôi, một ngôi làng nhỏ không thể tìm được đâu.
Cần nói thêm, mỗi khi đoàn lên Đà Lạt diễn, bài hát “Đường Chiều Sơn Cước” cứ được hát mãi.
Mơ ngày mai sẽ nối duyên trầu cau… cho tình ban đầu tháng năm thêm đẹp màu…
Thời gian đã rất xa. Tôi vẫn theo dõi những vai diễn của Diệp Lang. Khi biết ông đã thành đạt, khan giả yêu thương, có một gia đình hạnh phúc, và nhất là bà xã cũng là một nhà giáo, tiếc một điều: sức khỏe ông hôm nay kém, bác sĩ không cho ngồi máy bay lâu, tôi có chút buồn khi chẳng còn dịp nào gặp lại. Nói là nói vậy có thể Diệp Lang đã không còn tí kỷ niệm nào của thuở mới bước chân vào nghề. Thôi thì dù nhớ hay quên, đó cũng là một kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ…” đang cách xa nhau nửa vòng Trái Đất mà.
“Chập chờn làn khói tím, bên mái tranh xưa khơi bao niềm thương nhớ…
Tôi đang hiu quạnh trong chiều cuối năm trên:
“Đường Chiều Sơn Cước” và khe khẻ nghiền ngẫm 2 câu thơ con cóc, đã nằm trong tâm trí tôi bao năm tháng dài.
“Khi chia ly, nếu biết xa nhau mãi. E ngại gì! Không siết chặt đôi tay”
Tôi vẫn nợ Diệp Lang một cái nắm tay…
Cuối năm 2019
H.P