Anh ơi, nép vào lòng anh
Má kề bên nhau ta nhắc chuyện ngày qua
Cho mối duyên thêm mặn mà
Anh ơi, nếu mà sau này giấc mộng không thành
Thì đành đôi ngả chia ly
Chớ đừng u sầu làm chi
Anh ơi anh hỡi, duyên tình dù có thương đau
Nhưng lòng ta mãi yêu nhau
Cho thời gian không úa màu
Anh ơi anh hỡi Xuân về nào có đâu xa
Nếu mà mỏi gối bôn ba
Ta về nối lại tình ta
Anh ơi, nếu còn yêu nhau
Nhé đừng gặp nhau cho luyến lưu khi biệt ly
Thêm vấn vương làm gì
Anh ơi, có ngờ đâu rằng
Khúc nhạc chưa tàn mà vội xa cách anh ơi
Đôi ngả biết tìm về đâu ?
Ở trên là lời chính xác nhất của ca khúc Đôi Ngả Chia Ly. Bài hát này được nhạc sĩ Khánh Băng cho ra đời vào khoảng đầu thập niên 1960, với những giọng ca nổi tiếng vào thời gian đó như Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Chế Linh. Sau này những ca sĩ trình bày thành công ca khúc này có thể nói đến như : Duy Khánh, Thái Châu, Phương Dung, Sơn Tuyền, Thanh Phong …. Và rất nhiều ca sĩ trẻ ngày nay cũng chọn Đôi Ngả Chia Ly để trình diễn trong các đại nhạc hội hay các chương trình âm nhạc.
Nội dung của ca khúc này nếu ta đổi chữ ‘Anh’ trong lời thành chữ ‘Em’ hoặc đổi chữ ‘Em’ trong lời thành chữ ‘Anh’ thì rất dễ bị lầm tưởng thành một ca khúc nói lên tâm sự của một cô gái với một chàng trai hoặc ngược lại từ một chàng trai đến một cô gái.
Nhưng nếu tinh tế, quý vị sẽ thấy ngay câu đầu tiên của bài hát sẽ là :
– “Anh” ơi, nép vào lòng “anh”. Má kề bên nhau …..
Tại sao lại Anh mà nép vào lòng anh ? Tại sao không phải nép vào lòng “Em” ? Bản thu âm đầu tiên của ca sĩ Thanh Tuyền trước 1975 cũng hát rằng : “Anh” ơi, nép vào lòng “anh” …. Người viết đã đem sự thắc mắc này hỏi đến anh Hà, con trai út của nhạc sĩ Khánh Băng, và được anh giải thích như sau :
Từ Anh trong bài hát này không phải là, ‘Anh’ ‘Em’ trong cách xưng hô nam nữ, mà từ Anh trong bài hát này chính là vợ của nhạc sĩ Khánh Băng, tức là mẹ của tôi. Bà tên thật là Hứa Thị Nhật Anh. Ca khúc này được ba tôi sáng tác cho mẹ của tôi trong một lần bà giận dỗi ba tôi mà bỏ về nhà ngoại. Cũng vì ngày xưa, ba tôi rất nghệ sĩ bay bướm, có thể nói ông là người đầu tiên trình diễn guitar điện ở VN, nên ban nhạc của ông rất nổi tiếng vào thời gian đó. Chính vì thế mà cũng có rất nhiều người hâm mộ ngón đàn guitar điêu luyện của ông. Trong đó có một cô gái, hay tặng bông, viết thiệp gửi quà cho ông trong những buổi trình diễn văn nghệ. Cũng vì thế mà mẹ tôi phiền lòng và trong một lần giận ba, bà đã bỏ về nhà ngoại tôi. Chữ ‘Xuân’ trong bài hát này ở đoạn “Xuân về nào có đâu xa”, chính là tên của cô gái đó. Rất ân hận về việc này nên ba tôi đã sáng tác ca khúc Đôi Ngả Chia Ly này để tặng mẹ, một phần cũng để xin lỗi và mong hàn gắng lại tình cảm vợ chồng vì ông đã là cho bà buồn lòng. Sau khi nghe ca khúc này, bà đã tha thứ cho ông và hai người vui vẻ sống chung với nhau cho đến mãi sau này.
Cũng xin nói thêm, quý vị đọc đến đây khoan hãy lên án nhạc sĩ Khánh Băng nhé, bởi vì các văn nghệ sĩ ngày xưa rất bay bướm. Nhưng có chăng chỉ là những tình cảm thoáng qua để làm cảm hứng cho các ông viết nhạc làm thơ mà thôi. Rất nhiều ca khúc xuất phát từ những mối tình ngoài luồng của các nhạc sĩ như : Cho Vừa Lòng Em (Của Mặc Thế Nhân), Rồi Mai Tôi Đưa Em (Của Trường Sa), Tình Bơ Vơ (Của Lam Phương) ….. Có bay bướm, có lãng mạn mới có tác phẩm hay để chúng ta thưởng thức đúng không quý vị.
Phúc Ben.
[…] Chia Ly” Của Nhạc Sĩ Khánh Băng– Blog: Dòng Nhạc Vàng– Đường dẫn: https://dongnhacvang.com/hoan-canh-sang-tac-va-cau-chuyen-dang-sau-bai-hat-doi-nga-chia-ly-cua-nhac-…– Truy cập gần nhất: 2020.12.06 10:14 […]