Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó
Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi.
Mẹ quê đun bếp nghèo thơm mùi rơm qua khói mờ
Ôi! Tình quê trìu mến.
Xin trả tôi về miền quê hương nhỏ bé
Có lũy tre vàng, bờ lúa sát ven đê
Dòng sông trôi lững lờ rung vầng trăng soi bóng mờ
Chuỗi ngày đẹp và thơ.
Trần ai, hoen đôi mắt đỏ
Xót thương đầu môi, ngôn từ nghe ôi khắp trời.
Cuộc trần gian quen lừa dối điêu ngoa
Còn được ai trong đời biết thương mình.
Xin trả tôi về thời xa xưa lộng gió
Bên khóm hoa cà rượt đuổi bướm tung tăng
Diều căng dây mái đình thương đầu xanh chưa biết buồn
Chưa sầu, chưa hờn oán.
Xin trả tôi về ngày xưa trong mùa lúa
Bên ánh lửa hồng mẹ thức nấu ngô khoai
Ngoài sân vang tiếng cười, tan vầng trăng khua bóng chày
Thắm đượm vẹn tình quê
Xin trả tôi về vùng thơ ngây thuở đó
Chưa biết ưu sầu vì kiếp sống bôn ba
Tìm xa bao thói đời: vinh, nhục, hư trong kiếp người
Mơ lợi danh quyền thế.
Xin trả tôi về miền quê hương nghèo khó
Có đám dân lành lòng chất phác vô tư
Ngày chăm lo cấy trồng đêm quần vui bên chén trà
Kể chuyện một ngày qua.
Xin trả tôi về
Xin trả tôi về
Xin trả tôi về ngày xa xưa.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân từng nói không đâu đẹp bằng, không đâu đáng sống bằng quê hương Việt Nam và rồi ông cất cao giọng đọc lên những lời trong bài hát “Xin Trả Tôi Về” làm cho bao người lắng nghe phải rơm rớm nước mắt vì được ông đưa hồn mình về với những ngày xa xưa, ngày của thuở còn thơ, của chốn quê nghèo lam lũ cùng mái nhà tranh, khói bếp và cánh đồng. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân từng tâm sự với người viết rằng ông sáng tác ca khúc này trong một lần ông nhớ về người mẹ của mình, nhớ về một tuổi thơ êm đềm bên gia đình của mình. Khi viết xong bài này, ông có lên xin phép phát hành, nhưng 2 lần đầu đều bị từ chối, với lý do ca từ hơi ủy mị, dễ dẫn đến việc người lính chán nản, mất hết tinh thần chiến đấu. Cho đến lần thứ 3 ông phải ra mặt nhờ một người đàn anh trong nghề giới thiệu và đích nhân nhạc sĩ mặc quân phục đến xin thì ca khúc này mới được duyệt phát hành. Theo trí nhớ của tác giả thì sau đó, nhạc sĩ Châu Kỳ có dẫn ca sĩ Thiên Trang đến giới thiệu và mua tác quyền ca khúc này với giá 20 ngàn cho ca sĩ Thiên Trang thu âm đầu tiên.
“Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó
Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi
Mẹ quê đun bếp nghèo thơm mùi rơm qua khói mờ
Ôi! Tình quê trìu mến”.
Xin trả tôi về với mái nhà tranh của những buổi chiều êm ả ngắm nhìn những áng mây lững lờ trôi trên bầu trời xa thẳm, về với mái tranh nghèo của mẹ già vẫn còn khói bếp. Mái bếp qua bao mùa mưa nắng vẫn tần tảo một màu qua năm tháng, qua làng khói mờ thơm mùi rơm của hương đồng nội. Tác giả muốn đưa người nghe tìm về với đồng quê, nơi ấy có mái nhà của tuổi thơ, có mẹ già mỗi chiều cặm cụi bên bếp lửa. Ngày thơ dại ấy vẫn hay ngồi giụi đầu bên mẹ, nhìn ngọn lửa rom cháy đượm ấm nồng. Còn đâu thấy được hương vị của nồi cơm bếp lửa nơi mái tranh nghèo quê cũ. Mái bếp quê nhà của những buổi chiều tà, cả khuôn mặt đỏ hồng vì lửa rom, có cả những giọt nước mắt cay vì khói bếp của mẹ dù bao năm qua vẫn nhớ “Ôi! Tình quê trìu mến”.
“Xin trả tôi về miền quê hương nhỏ bé
Có lũy tre vàng, bờ lúa sát ven đê
Dòng sông trôi lững lờ rung vầng trăng soi bóng mờ
Chuỗi ngày đẹp và thơ”.
Xin trả tôi về, về với miền quê hương nhỏ bé, nơi có những lũy tre vươn mình lên trời cao, sừng sững, vững chãi và gần gũi, tiếng chõng tre kẽo kẹt buổi trưa hè, có tiếng gió từ đồng xa thổi về mát lộng. Tiếng gió xào xạc trên lũy tre cứ đi dần vào giấc ngủ, êm đềm như lời ru của mẹ. Về nơi của những cánh đồng lúa mênh mông, trải dài tít tắp còn thơm mùi sữa gạo, hay đâu đó tìm về những ụ rơm bên cạnh ngôi nhà tranh, trên cánh đồng lúa sau mùa gặt mà ta vẫn thường hay nô đùa, chơi trốn tìm. Và không thể thiếu những buổi chiều tà thả cao cánh diều, bắt dế, chăn trâu… trên những đường đê ôm quanh cánh đồng, làm bờ tường vững chắc vươn mình bảo vệ mùa màng ruộng lúa. Hay được đắm mình vào dòng sông quê hương, trong xanh, mát mẻ, ánh trăng soi dưới nước nhẹ nhàng trôi làm rung bóng mờ… những nét đẹp mà tuổi thơ từng trải qua chỉ có thể tìm thấy ở nơi làng quê thanh bình của thuở xa xưa.
“Trần ai, hoen đôi mắt đỏ
Xót thương đầu môi, ngôn từ nghe ôi khắp trời
Cuộc trần gian quen lừa dối điêu ngoa
Còn được ai trong đời biết thương mình”.
Khi nhìn về thực tại, chỉ làm ta thêm đau xót đến ngán ngẩm, chỉ làm lệ thêm buồn hoen đôi mi. Khi tình người với nhau chỉ còn là dối trá, lừa gạt, bao thối điều ngoa. Còn được ai thật lòng với ta, như nơi làng quê với bao người nông dân chất phác, thật thà, sống với nhau bằng sự chân thành, biết giúp nhau và cho đi tình cảm thật của mình chứ không hề mang tính lừa dối hay vụ lợi.
“Xin trả tôi về thời xa xưa lộng gió
Bên khóm hoa cà rượt đuổi bướm tung tăng
Diều căng dây mái đình thương đầu xanh chưa biết buồn
Chưa sầu, chưa hờn oán”.
Nên xin trả tôi về, về với thời xa xưa lộng gió, của tuổi còn thơ vô tư hồn nhiên tung tăng nô đùa, cùng lũ bạn rượt đuổi bắt bướm bên khóm hoa bụi cỏ, những cánh diều căng dây bay qua mái đình. Rời xa thực tại quá đau buồn để tìm về một thời của tuổi ngây ngô, khờ dại. Cái độ tuổi mà ta chỉ biết vui chơi, đùa giỡn, chưa biết lo nghĩ hay phút nặng lòng gì về chuyện mình, chuyện người và chuyện đời. Vậy nên xin trả tôi về với thời chưa biết sầu, chưa biết hờn oán ấy.
“Xin trả tôi về ngày xưa trong mùa lúa
Bên ánh lửa hồng mẹ thức nấu ngô khoai
Ngoài sân vang tiếng cười, tan vầng trăng khua bóng chày
Thắm đượm vẹn tình quê”.
Tôi xin về, về ngày xưa trong mùa lúa, có bếp lửa hồng của mẹ thơm mùi ngô khoai chuẩn bị cho ngày gặt. Còn phía ngoài sân là không khí náo nhiệt của bao người cùng vang tiếng cười, cùng khua tiếng chày giã gạo suốt ngày đêm để làm nên từng hạt gạo thơm ngon “Thắm đượm vẹn tình quê” và :
“Xin trả tôi về vùng thơ ngây thuở đó
Chưa biết ưu sầu vì kiếp sống bôn ba
Tìm xa bao thói đời: vinh, nhục, hư trong kiếp người
Mơ lợi danh quyền thế”.
“Xin trả tôi về miền quê hương nghèo khó
Có đám dân lành lòng chất phác vô tư
Ngày chăm lo cấy trồng đêm quần vui bên chén trà
Kể chuyện một ngày qua”.
Hãy cho tôi tránh xa bao nỗi sầu lo của cuộc đời, bao quyền thế lợi danh của thực tại để về với miền quê hương. Tuy ở đó có nghèo khó nhưng luôn có những con người nông dân hiền lành, chất phác vô tư, họ sống với nhau bằng tình cảm, tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống vô cùng an nhàn, thong thả khi ngày thì họ cùng nhau chăm lo vun trồng, cày cấy, còn khi đêm xuống lại cùng nhau quây quần bên chén trà kể nhau nghe chuyện của một ngày trôi qua. Ngày qua ngày như thế, cuộc sống nơi thanh bình, êm ả của làng quê xưa cũng làm cho tâm hồn ta trở nên vô tư, hồn nhiên yêu đời hơn, yêu cuộc sống hơn. Vì thế nên :
“Xin trả tôi về
Xin trả tôi về
Xin trả tôi về ngày xa xưa”.
Phúc Ben & Mỹ Hương