Nhạc sĩ Hàn Châu sinh năm 1947 tại mảnh đất miền Trung nhiều nắng và gió (Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định). Ngay từ nhỏ, bốn chị em ông đã thiếu vắng tình thương của cha, sống với mẹ và bà ngoại trong cảnh nghèo khó. Khi nghe mẹ và hai chị lưu lạc vào Sài Gòn kiếm sống, ông ở lại quê với bà ngoại. Năm 14 tuổi, ông vào Sài Gòn ở chung với gia đình chị cả (Vợ nhạc sĩ Thanh Sơn).
Click vào link để nghe bài viết: https://www.youtube.com/watch?v=Baq4Q8dZFzk
Trước năm 1975 nhạc sĩ Hàn Châu sáng tác rất nhiều ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình người lính như Về Quê Ngoại, Thành Phố Sau Lưng, Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Nỗi Lòng Chinh Nhân, Tình Nhỏ Mau Quên, Thương Nhớ Quê Nhà…. Riêng nhạc phẩm Về Quê Ngoại được nhạc sĩ Hàn Châu viết dựa trên ký ức tuổi thơ nghèo khó, cuộc sống bên người bà cả đời nặng gánh lo cho con cháu. Ông kể “Bà tôi vất vả cả đời, trẻ thì còng lưng cày cấy nuôi con, đến khi về già cũng không được nhàn nhã vì đàn cháu nheo nhóc. Khi vào Sài Gòn, quay cuồng với công việc mưu sinh, tôi rất ít khi về thăm ngoại. Bởi vậy mà mỗi lần về, tôi lại cảm nhận rõ sự già đi của bà, tóc bạc hơn, lưng còng hơn. Trong nỗi xúc động, tôi đã viết Về Quê Ngoại như lời tri ân sâu sắc nhất gửi tới người đã bao bọc mình từ thủa ấu thơ”.
Ca khúc Về Quê Ngoại được nhạc sĩ Hàn Châu viết kể sự thật về cuộc đời mình vì thế lời ca khúc rất cảm động như nói tận đáy lòng niềm thương mến của ông dành cho quê hương và người bà kính mến. Giai điệu bài hát nhẹ nhàng mượt mà như ru người nghe nhạc cùng ông trở lại miền quê thân thương chất chứa bao kỷ niệm tuổi thơ. Sau này có nhiều ca sĩ đã chọn ca khúc Về Quê Ngoại để trình bày nhưng hát sai lời bài hát chỉ có bản thu âm trước 1975 được ca sĩ Duy Khánh hát là đúng về lời.
“ Anh xin mời em, xuôi về miền Trung xa lắc lơ
Nơi quê hương anh, có hàng dừa xanh, có ngàn câu hò thắm tình dân tộc.
Anh xin mời em, đi về quê Ngoại một lần thôi,
Nơi anh chào đời Ngoại ru bùi ngùi, ôi cha ch.ết rồi con sống mồ côi.”
Quê hương miền Trung nhiều khô cằn và nắng gió nhưng chính nơi đây đã nuôi lớn tâm hồn người nhạc sĩ tài ba với những kỷ niệm thuở ấu thơ bên bà Ngoại. Mở đầu ca khúc nhạc sĩ đã mượn hình ảnh một người “em” để mời cùng ông xuôi về miền Trung xa lắc lơ, để tìm về những hình ảnh mộc mạc thân quen nơi quê nhà để được sống lại những giây phút lúc nhỏ bên lời ru của Ngoại. Nay anh xin mời em cùng anh về thăm lại miền quê nơi anh lớn lên từng ngày dù có gian khổ nhưng vẫn đầy tình thương của Ngoại. Quê hương anh có hàng dừa xanh bao phủ khắp thôn làng là một nét đẹp chân quê. Chắc có lẽ do cuộc sống nhiều gian khổ nên tạo ra những suy tư trong tâm hồn con người nên những câu hò nơi quê thắm đượm tình yêu quê hương và dân tộc. Những lời ru của Ngoại dành cho đứa cháu bùi ngùi thấm thía từng câu. Cha mất rồi, anh phải sống mồ côi bên bà Ngoại.
“Qua bao ngày thơ, khói lửa tràn lan anh bỏ đi,
Hơn hai mươi năm, chẳng về làng xưa, chắc ngoại đã già, tóc bạc da mồi.
Ôi quên làm sao, kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ
Anh mê từng mùa, cơn gió dật dờ,ru anh giấc mộng thiêm thiếp vào mơ.”
Ký ức anh nhớ về đã trải qua những ngày thơ trong khói lửa của chinh chiến, những ngày thơ sống khổ cực bên gia đình cùng Ngoại. Giờ đây anh đang mưu sinh nơi phố thị, bởi phải bôn ba kiếm sống và lo cho gia đình nên hiếm hoi những ngày về thăm lại Ngoại, ngồi bên Ngoại và những lời bày tỏ tấm lòng với vô vàn lời yêu thương của người cháu dành cho người bà kính mến. Thấm thoát đã hai mươi năm một khoảng thời gian quá dài mà con vẫn chưa về thăm ngoại, về thăm lại làng quê xưa. Thời xuân xanh ngoại dành cho con rồi tiếp theo những ngày khổ cực chăm lo cho cháu nhỏ, thời gian không buông bỏ một ai đã chiếm lấy từng ngày tháng của Ngoại giờ đây chắc Ngoại đã già tóc bạc và da đã mồi. Ôi! Nhớ làm sao những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm bên Ngoại nơi làng quê đầy gió từng cơn gió ru anh vào giấc ngủ để tìm những giấc mơ đẹp.
“Đây là quê hương anh một dòng sông xanh nước chảy êm đềm.
Đây là bà ngoại anh sống đời buồn tanh trên mảnh vườn hoang
Hôm nay anh về vun lại hàng cau cho Ngoại ăn trầu Ngoại sống dài lâu
Cho anh lấy lại tuổi thơ ban đầu đã mất từ lâu.”
Ca từ “Đây” làm cho người nghe như nhìn thấy quê hương và hình dáng người bà đang cô đơn nhớ về những đứa cháu thơ từng quấn quýt lấy mình năm nào. Những phút giây nhớ về nơi quê hương thân thương bên dòng sông xanh biếc nước chảy êm đềm. Hình dáng người bà cả đời tảo cần lo cho con cháu, mà giờ đây con cháu phải lưu lạc nơi xa để lại Ngoại một mình buồn tênh bên mảnh vườn hoang không ai chăm lo. Đứa cháu thơ dại ngày nao giờ đã lớn khôn muốn tìm về quê hương tìm lại những phút giây ban đầu với biết kỷ niệm tuổi thơ được cất giữ trong lòng, muốn được tự vun lại hàng cau cho Ngoại ăn trầu để Ngoại nhàn hạ tuổi già sống đời cùng con cháu.
“Em vui nhiều không, khi mặt trời lên trên khóm tre,
Con chim xinh xinh nó chuyền cành me, xuống đậu sau hè uống giọt nắng hồng.
Em thương nhiều không, Lưng ngoại đã còng vì thời gian,
Quê hương ngoại buồn vì những ngày dài, buôn ba kiếp người anh chẳng về quê.”
Niềm vui hân hoan khi được về lại làng quê xưa, khung trời hoài bảo giờ đây tươi đẹp hẳn lên, không gian bình yên nơi xóm nghèo ngày càng thêm sinh động. Mặt trời vạn năng mọc lên trên khóm tre làng, mọi vật bừng tỉnh chào đón ngày mới. Tiếng chim hót véo von chuyền qua những cành cây làm cho khung cảnh thêm tươi vui trong ngày mới. Mọi thứ đã trở nên tươi đẹp nhưng Ngoại thì đã già theo thời gian, lưng Ngoại còng theo tuổi đời. Thương ngoại nhiều biết ngoại đang ngóng trông cháu từng ngày dài, nhưng sao sắp nhỏ vẫn chưa về. Lưu lạc kiếm sống chốn phồn hoa đông đúc dù thương nhớ quê nhà, thương nhớ hình bóng người bà kính mến vẫn chưa được dịp tìm về. Nay nơi phương xa xin gửi tấm lòng mang nỗi nhớ về quê hương ngày thơ ấu, xin dâng trọn con tim yêu thương dành cho Ngoại kính mến đang ở miền quê đầy nắng gió đã cưu mang con trọn những ngày ấu thơ bên lời ru của Ngoại, với niềm thương mến trào dâng con sẽ trở về để dang đôi tay ôm một lần ôm lấy Ngoại. Thương nhớ Về Quê Ngoại!
Út Nị.
*Ảnh bìa của họa sĩ Hà Anh.