Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm
Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố
Gió ở trên non, gió cuốn mây về.
Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn
Mà nghe nức nở trong hồn
Và thương đôi mắt nhỏ em buồn
Vì mình thương nhau, vì mình yêu nhau nên mới giận hờn
Vì mình xa nhau, nên nhớ… nhớ nhau hoài.
Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm
Mai lỡ không về, chắc em buồn biết mấy
Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày.
Bài thơ gốc Nhớ Nhau Hoài được nhà thơ Thiên Hà sáng tác trong hoàn cảnh đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, cuộc chiến đã làm biết bao nhiêu cuộc tình đôi lứa phải ly tán, nên bài thơ “Nhớ nhau hoài” ra đời tại xóm Vườn Chuối – Sài Gòn trong mùa xuân 1966. Sau đó vào năm 1968 đã được nhạc sỹ Anh Việt Thu phổ nhạc lại.
Đây là bài thơ gốc Nhớ Nhau Hoài của thi sĩ Thiên Hà :
Em ở nơi nào,
có còn mùa xuân không em?
Rừng ngàn lá gió,
từng đêm nhắc nhở thì thầm
Nắng ở trên đầu,
nắng trong lòng phố
Gió ở trên non,
gió quyện mây về.
Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn
mà nghe nức nở trong hồn
và nhớ và thương đôi mắt nhỏ!
Từ độ chúng mình quen biết đó,
vì mình thương nhau,
vì mình yêu nhau
nên mới giận hờn.
Từ độ đường trần ngăn cách ngõ.
vì mình xa nhau nên nhớ nhớ nhau hoài
Anh bên này mong em bên đó,
Em ở bên kia có nhớ bên này?
Em ở nơi nào,
có còn mùa xuân không em.
Rừng ngàn lá gió,
từng đêm nhắc nhở thì thầm.
Mai lỡ không về chắc em buồn biết mấy
dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm này.
Theo lời kể của thi sĩ Thiên Hà, năm 1966, ông ở trọ tại xóm Vườn Chuối, Sài Gòn. Phòng trọ đối diện có một cô bé mái tóc dài, chiều nào cũng ra chải tóc ngoài ban công. Từng lọn tóc dài bay trong gió nhìn rất đẹp. Nhiều lần ông muốn qua làm quen nhưng ngại nên không dám. Đến một ngày cận kề mùa xuân, không thấy cô gái ấy xuất hiện chải tóc mỗi chiều nữa, chắc là cô ấy về quê đón tết, ông thì phận sinh viên nghèo làm gì có tiền mà về quê !? Nên ông ngồi đó thẫn thờ như người thất tình, cầm bút sáng tác bài thơ này.
Phúc Ben.