Sao anh nỡ đành quên bao lời tha thiết mong chờ
Sao anh nỡ đành quên chuyện tình đẹp như ước mơ
Sao anh nỡ đành quên áng mây chiều nghiêng nghiêng bóng
Những con đường quen lối đi, rồi nay nằm yên đó.
Sao anh nỡ đành quên kỷ niệm chan chứa êm đềm
Sao anh nỡ đành quên cho lòng này đau xót thêm
Sao anh nỡ đành quên lúc đi về ai đưa đón
Những khi buồn ai hỏi han, còn đâu nữa mà mong.
Nỡ đành quên sao anh, dư âm ngày xưa còn đó
Thời gian không làm quên lãng, bao lần trong giấc cô miên
Nhìn anh âu yếm bảo
Anh đừng xa vắng em.
Sao anh nỡ đành quên cho dở dang buổi ban đầu
Sao anh nỡ đành quên khi tình em đã trót trao
Anh ơi nếu một mai có ai hỏi người bên ấy
Biết nói gì đây hỡi anh mà anh nỡ đành quên.
Ca khúc “Sao Nỡ Đành Quên” được nhạc sĩ Tô Thanh Tùng viết dựa trên mối tình chớm nở của chính mình. Vào năm 1965, nhạc sĩ từng có tình cảm với một cô thôn nữ chung xóm tên là Tuyết, hai người gặp nhau khi người con gái ấy chỉ mới 17 tuổi. Và chính cô Tuyết là người đã chủ động nói lên lời yêu với chàng sinh viên năm nhất trong một dịp về quê nghỉ hè. Nhưng vì đang còn đi học, cũng như chưa muốn bị ràng buộc điều gì nên nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã lặng lẽ khước từ mối tình trong sáng ấy. Trong niềm mến thương và sự day dứt của mình nên người nhạc sĩ đã viết nên ca khúc này để tặng cho cô Tuyết, mà xuyên suốt bài hát là một lời trách móc rất con gái với câu: “sao anh nỡ đành quên”.
Người ta thường nói thời gian sẽ làm phai mờ đi những tổn thương, những mất mác, thời gian sẽ là liều thuốc để chữa lành mọi vết thương. Nhưng sẽ có những vết thương để lại những vết sẹo dù cho thời gian có qua đi trong bao lâu đi chăng nữa thì vết thương ấy cũng không thể lành. Với người con gái trong bài hát cũng vậy khi “thời gian không làm quên lãng bao lần trong giấc cô miên”, trong từng giấc ngủ với niềm cô đơn của mỗi khi màn đêm buông xuống thì những “kỷ niệm chan chứa êm đềm”, những “dư âm ngày xưa còn đó” giữa anh và em vẫn in sâu trong tâm trí của em, có nào quên nhưng anh ơi “sao anh nỡ đành quên”.
Người con gái đã không ngừng thầm nói lời trách móc người mình yêu khi đang tâm quên đi “bao lời tha thiết mong chờ”, quên “chuyện tình đẹp như ước mơ”, để cho “lòng này đau xót thêm”. Người ta thường nói với nhau rằng: yêu thương nhường này, điều gì chia cắt nổi đây. Vậy mà một cái chớp mắt, một mảnh tim trật nhịp hay một bàn tay buông lơi thì bạn sẽ thành người bị bỏ lại, thứ ở lại với bạn cuối cùng chỉ còn là nỗi đau và những kỷ niệm như khắc vào tim, từ “áng mây chiều nghiêng nghiêng bóng, những con đường quen lối đi” hay những “lúc đi về ai đưa đón, những khi buồn ai hỏi than” nay còn đâu nữa mà mong với chờ. Nhưng biết làm sao hơn bởi sự nặng tình của người con gái, dù muốn quên cũng không quên được, mà nhớ thì người cũng đã mãi mãi bỏ lại riêng mình ta. Vì đó là tình đầu, mà đã gọi là tình đầu thì sẽ rất khó phai nhòa.
Trách “sao anh nỡ đành quên cho dở dang buổi ban đầu”, bởi anh ơi đó là tình đầu của tuổi ngây thơ mà “tình em đã trót trao” cho anh. Cái tuổi đẹp nhất, tình yêu đẹp nhất của người con gái khi tiếng yêu trong sáng ấy đã dành trọn cho anh, anh có biết hay chăng mà sao nỡ lòng quên mà phụ em. Để rồi mai này nếu có người nào đó hỏi em về anh, thì em “biết nói gì đây hỡi anh mà anh nỡ đành quên”.
Lưu Hương.