Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Belem ánh sáng toả lan tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng.
Đàn hát, réo rắt tiếng hát, xướng ca dư âm vang xa
Đây Chúa thiên toà giáng sinh vì ta
Người hỡi hãy tiến bước tới, đến xem nơi hang belem
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.
Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần
Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Belem thiên thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hoà.
Nơi hang belem chiên lừa thở hơi
Tan giá đêm đông ấm thân con người.
“Hang Bêlem” là một ca khúc Giáng sinh tiếng Việt quen thuộc, ngợi khen Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem. Đây cũng là bài hát chúng ta thường được nghe trong mùa Giáng Sinh hằng năm.
Ca khúc này do nhạc sĩ Công giáo Phanxicô Hải Linh (tên thật là Trần Văn Trị) sáng tác. Đây là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Hải Linh khi ông vừa 25 tuổi và đây cũng có thể xem là ca khúc rất được phổ biến trong các thánh lễ Giáng sinh ở Việt Nam.
Mùa Giáng Sinh năm 1945, khi đi qua tòa soạn báo “Đường Sống” ở Nam Định, Hải Linh được ông Minh Châu – chủ nhiệm tờ báo – thách đố việc sáng tác nhanh một ca khúc về chủ đề Giáng sinh để đăng báo. Hải Linh nhận lời và hẹn 3 ngày sau trở lại. Đến hẹn, Hải Linh đưa bản nhạc “Hang Bêlem” tới tòa soạn và tập hát sơ qua cho một số nhân viên trong tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu thương lượng rằng, ông sẽ chịu chi phí để lên Hà Nội thuê khắc nhạc vào bản gỗ để in vào 2000 bản báo Đường Sống sắp tới, sau đó, ông sẽ cho Hải Linh lại bản gỗ của bản nhạc. Hải Linh đồng ý cho nên, phần tên tác giả của bài hát này thường được viết kép là: Hải Linh – Minh Châu.
Lúc ấy, bài hát cũng được in riêng ra 500 bản để bán với giá khoảng 3 hào. Hải Linh gửi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ tại đây sử dụng, nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Một linh mục tên là Kim Định đã mua một bản danh dự với giá 100 đồng. Hải Linh cũng đem theo một bản nhạc về Phát Diệm. Đêm vọng Lễ Giáng Sinh, Hải Linh điều khiển Hội Ca Vịnh Nhà thờ chính tòa Phát Diệm hợp xướng bản Hang Bêlem này.
Bài hát này đã dần trờ thành ” bất hủ ” trong lòng những người Công giáo. Như lời nhận xét của linh mục Kim Long, phó chủ tịch Uỷ ban thánh nhạc Hội đồng Giám mục Việt Nam:
“Có thể nói đêm Giáng sinh mà không hát “Hang Bê Lem” của Hải Linh thì thấy thiếu một cái gì đó, vì nó có âm hưởng riêng và nó diễn tả được tâm tình của con người phải có khi đón chờ Chúa, gặp gỡ Chúa trong đêm hồng phúc”
Đôi Nét Về Tác Giả Hải Linh*
Nhạc sĩ Hải Linh tên thật là Trần Văn Linh, ông sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920, trong một gia đình Công giáo ở Ninh Bình. Ông có tên thánh là Phanxicô. Trong cuộc đời mình, ngoài 2 bút danh thường dùng là Hải Linh, Minh Đệ, ông còn dùng nhiều tên khác như Phanxico Assisi Trần Văn Đệ, Trần Văn Trị.
Thuở nhỏ, ông theo học ở trường Thử ở Trung Linh (Nam Định). Năm 16 tuổi, ông vào học ở Tiểu chủng viện Ninh Cường. Đến năm 18 tuổi, ông học tại trường Thầy Giảng (Bùi Chu) và sau đó được giữ lại để dạy Pháp văn và âm nhạc tại trường. Thời gian này, ông bắt đầu sáng tác một số bài hát đạo cũng như đời..
Ngày 1 tháng 5 năm 1951, ông theo học nhạc tại Viện Giáo nhạc thuộc Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), đồng thời học sáng tác tại Nhạc viện César Frenck do giáo sư Guy de Lioncourt làm giám đốc. Ông tốt nghiệp hạng ưu năm 1956 tại đây với luận án “La Couleur Vietnamienne dans le chant Grégorien” Năm 1956, ông trở về Việt Nam, dạy hợp ca tại Viện Quốc gia âm nhạc. Ông cũng thành lập Ca đoàn Hồn Nước nhằm thực hiện hoài bão của mình là trình tấu sống động các tác phẩm được soạn ra bằng một lối viết thoáng mỏng theo tinh thần Á Đông.
Năm 1961, ông nhận được học bổng sang nghiên cứu âm nhạc, giáo dục tại Đại học Ohio (Hoa Kỳ). Từ năm 1970 đến năm 1975, ông dạy nhạc tại Đại học Đà Lạt và tham gia Ủy ban Thánh Nhạc toàn quốc. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975, ông làm Phân khoa trưởng của Phân khoa Âm nhạc Viện Đại học Đà Lạt.
Sau năm 1975, ông không tham gia các hoạt động âm nhạc công khai dù vẫn sáng tác và dạy nhạc trong cộng đồng Công giáo tại Việt Nam. Ông đã hướng dẫn 2 lớp ca trưởng tại nhà thờ Huyện Sỹ, đường Bùi Chu, quận 1, cho đến khi đi xuất cảnh sang Hoa Kỳ.
Ngày 8 tháng 5 năm 1986, ông xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình. Tại Mỹ, ông trở lại hoạt động âm nhạc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ với việc mở các lớp Ca trưởng ở nhiều Tiểu bang khác nhau (New Orleans (LA), California, Portland (Oregon), Missouri, Texas…); đồng thời, tập luyện cho nhiều ca đoàn ở nhiều nơi khác nhau để hát trong nhiều dịp lễ.
Ông qua đời ngày 6 tháng 1 năm 1988 vì một cơn nhồi máu cơ tim.
Nhật Hà Tổng Hợp.