Ðêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn
Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn
Phố phường chìm trong tiếng đời nỉ non
Lòng ai như vấn vương, ai về chan chứa tình thương
Ôi tiếng chân đi trong chiều chủ nhật
Nghe quá bâng khuâng nghe sao rời rạc
Như từng hạt mưa rớt đều mái hiên
Nhịp chân vương bóng đêm, khuất dần cuối đường phố yên
Bước chân khoắc khoải đi khi ngày vui vừa hết,
Thôi luyến lưu mà chi
Bước chân nhuốm hoàng hôn
Bước chân đếm chờ mong
Đếm bao nỗi buồn niềm thương
Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật
Nghe tiếng chân vang lên từng điệu nhạc
Ðể lòng nhẹ ru với thành phố im
Vì ngày mai nắng lên, phố phường xóa nhòa bước êm.
“Bước chân chiều chủ nhật” là một sáng tác được nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng cho ra đời vào năm 1963, ông ngẫu hứng sáng tác bài hát này vì nỗi tịch mịch nhưng lại thanh thản của một người Sài Gòn vào những chiều cuối tuần cùng với nỗi luyến tiếc khi bắt đầu một tuần mới đầy nhộn nhịp …. Ca khúc này nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng nhận được sự trân trọng của những đồng nghiệp thời đó, vì giai điệu mới lạ ông đem đến cho nó, khiến tự thân nó bật sáng. Chói lọi. Một cõi. Ngay ca từ của ca khúc này, người ta cũng không tìm thấy một nhân xưng đại danh tự “anh anh / em em” nào. Ngoài một chữ “tôi”, nhân xưng đại danh tự ngôi số ít, mở đầu phân khúc cuối: “Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật”.
Ở thời điểm đó, dòng tân nhạc miền Nam đang bị quá tải bởi những hình ảnh “anh anh / em em”sướt mướt, ủy mị… Hoặc bị “hội chứng mùa thu” vì, nhạc sỹ nào, dù lớn hay bé, chí ít cũng có dăm ba ca khúc viết về mùa thu… Mặc dù miền Nam về phương diện khí hậu, thời tiết, mỗi năm chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mưa. Khí hậu hay thời tiết miền Nam, không giống miền Bắc. Mùa thu hay mùa đông, nếu có chỉ thoảng qua trong tưởng tượng, trong hư cấu của rất nhiều nhạc sỹ mượn mùa thu, để “biểu dương” tính lãng mạn cao độ của mình …
Phúc Ben. (Thông tin sưu tầm từ nhiều nguồn)