Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới
Trong nghĩa trang này có loài chim thôi!
Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó, trong trời rộng, đã vắng anh
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần, nhìn anh đến
Nhưng xót xa đành nói cùng hư không!
Bạn bè còn đó anh biết không Anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống.
Vùng trời nào đó anh đã bay qua?
Chỉ còn lại đây những sáng bao la
Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa
Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ.
Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Người thành phố, trong một ngày, đã nhắc tên
Những sớm mai, lửa đạn
Những máu xương chập chùng
Xin cho một người vừa nằm xuống
Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.
Ca khúc Cho một người vừa nằm xuống, còn có một tên khác là Hát cho người nằm xuống. Bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết khoảng giữa, cuối năm 1968, khi người bạn thân của nhạc sĩ là Chuẩn tướng Không quân Lưu Kim Cương đã đền nợ nước.
Sáng ngày mùng 2 tháng 5 vào hồi 10 giờ, Ðại tá Lưu Kim Cương lúc đó đang là Tư Lệnh Không Ðoàn 33 chiến thuật, ông đích thân chỉ huy đơn vị bảo vệ vòng đai phi trường để đẩy lui một cánh quân địch tại khu nghĩa trang Pháp gần ngã tư Bảy Hiền. Ông đã tử trận vì một trái B40 được bắn ra từ phía địch quân trúng ngay tấm mộ bia bên cạnh ông, sức nổ và miểng đạn đã làm ông tắt thở ngay tại chỗ.
Ông được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng và truy tặng đệ tứ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm theo Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu. Tang lễ của ông được tổ chức theo lễ nghi quân cách của một tướng lĩnh.
Nhà báo/Nhà văn Văn Quang có ghi lại: “Một buổi chiều năm Mậu Thân 1968, ngồi ở nhà hàng Pagode tôi gặp Khánh Ly và Ngọc Anh đi cùng Trịnh Công Sơn. Chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm chiều. Ăn ở một quán bụi xong đã đến giờ giới nghiêm – thời gian đó Sài Gòn giới nghiêm từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Khánh Ly nhờ tôi đưa Trịnh Công Sơn về … Đêm đó là đêm đầu tiên tôi đưa Trịnh Công Sơn về building Cao Thắng. Ở cái building đó chỉ có một phòng gắn máy lạnh, là của một thương gia bán huy chương ở ngay chợ Bến Thành thuê làm phòng riêng, cho tôi ở chung nhưng không lấy tiền. Sơn mang đến cây đàn guitar, ở lại phòng tôi vài ngày, tôi không nhớ rõ bao nhiêu ngày. Nhưng chính ở đó anh sáng tác hoặc hoàn tất bản ‘Tình Xa’. Tôi có cái máy ghi âm hiệu Akai, trong khi tôi đi làm, Sơn vẫn thường dùng để nghe lại bản nhạc mình đang hoàn thành. Rồi chợt một hôm nghe tin Lưu Kim Cương chết ở phi trường Tân Sơn Nhất, Khánh Ly lên phòng tôi, cô ngồi lặng, Sơn chỉ nhìn và cũng lặng yên. Ít ngày sau, bài ‘Cho Một Người Vừa Nằm Xuống’ ra đời … “.
Lý An.